Tăng học phí từ 3-10%:
Cần đánh giá tác động của học phí đến học sinh
(PNTĐ) - Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao của thành phố Hà Nội năm học 2024-2025 dự kiến sẽ tăng từ 3-10%. Nhiều chuyên gia cho rằng cần đánh giá tác động thực tiễn khi tăng mức thu học phí.
Quy định mức học phí trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh
Theo Dự thảo Tờ trình của UBND TP Hà Nội, để có cơ sở triển khai thu học phí, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), giáo dục phổ thông (GDPT) công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở GDMN, GDPT công lập chất lượng cao của TP Hà Nội năm học 2024-2025 (Nghị quyết).
Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết này do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội tổ chức ngày 11/9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD-ĐT) Trần Thế Cương cho biết, tính đến tháng 7/2024, TP Hà Nội có 298 cơ sở GDMN, phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao). Trong đó, 296 cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; 2 cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (không thuộc loại hình đơn vị trên). Về các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, hiện Hà Nội có 17 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao. Trong đó, 16 cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tự bảo đảm chi thường xuyên, 1 cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (Trường THCS Chu Văn An - Long Biên).
Về mức thu học phí năm học 2024-2025 đối với 2 loại hình này, UBND Thành phố đề xuất, đối với hình thức học trực tiếp, mức thu học phí được xây dựng trên cơ sở định mức chi phí do cơ sở giáo dục xây dựng và ban hành; nguyên tắc xây dựng mức thu học phí, định mức chi phí trên cơ sở nguyên tắc do các đơn vị đề xuất (theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP và Nghị định 97/2023/NĐ-CP).
Mức thu học phí đối với hình thức học trực tuyến (online) bằng 75% mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp (kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND).
Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng, theo dự thảo Nghị quyết, quy định áp dụng mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến như sau: Kế thừa quy định tại Điều 3, Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND, đối với các tháng có thời gian học cả tháng theo hình thức học trực tiếp hoặc hình thức học trực tuyến (online), các cơ sở GDMN, GDPT áp dụng mức thu học phí của tháng đó theo mức thu đã được quy định tương ứng theo hình thức học.
Đối với các tháng đồng thời áp dụng cả hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến (online), việc áp dụng mức thu học phí căn cứ thời gian học tập của học sinh tại đơn vị để thực hiện áp dụng mức thu học phí của tháng đó, trường hợp thời gian học tập theo hình thức học trực tiếp từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tiếp; trường hợp thời gian học tập theo hình thức học trực tuyến (online) từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tuyến (bao gồm cả số ngày nghỉ theo quy định của pháp luật) và mức học phí tương ứng đã được quy định.
Tổng thời gian thu học phí (theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến) phải đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí trong năm không vượt quá 9 tháng/năm.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, quy định này là cần thiết, nhất là đối với học phí trực tuyến. Ví dụ như trong cơn bão số 3 vừa rồi, Hà Nội có nhiều trường học ngập sâu trong nước, trong đó 236 trường phải tạm dừng dạy học trực tiếp, nhiều trường chuyển sang dạy trực tuyến.
Đề xuất mức tăng từ 3-10%: Cần đánh giá từ thực tiễn
Theo đề xuất, mức thu học phí đối với các cơ sở GDMN, GDPT công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở GDMN, GDPT chất lượng cao của TP Hà Nội năm học 2024-2025 sẽ tăng từ 3-10%, thấp nhất là 2.500.000 đồng/tháng, cao nhất 6.100.000 đồng/tháng (tùy theo trường, khối, cấp học).
Tại hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội) cho rằng, từ ngày 1/7/2024, số người hưởng lương từ ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách đều đã được tăng lương. Vì vậy các mức thu trước đây (chưa tính đến tăng thêm lương) chắc chắn sẽ không còn phù hợp và cần điều chỉnh để ít nhất đủ bù khoản chênh lệch do tăng lương, đảm bảo cuộc sống cho các thầy, cô, những người chăm sóc các em học sinh trong các cơ sở GDMN, GDPT công lập chất lượng cao chưa tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn TP Hà Nội là hợp lý và cần thiết.
Tuy nhiên, bà An đề nghị nên có một đánh giá, phân tích, minh bạch về chi trên cơ sở mức thu cũ để mọi người hiểu rõ hơn. Về mức đóng góp, nên có đánh giá tác động xã hội đối với các gia đình lao động bình thường (trừ các em được miễn giảm theo Nghị định 81/2021 ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí...) vì sau Covid -19, không phải gia đình nào cũng lấy lại được sự cân bằng kinh tế. Một số gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống vì công việc bấp bênh, không ổn định, đặc biệt sau trận bão Yagi này.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội) Phạm Ngọc Thảo đề nghị, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết cần đánh giá rõ hơn tác động của mức thu học phí năm học vừa qua và năm học tới đối với hoạt động của trường, lớp và học sinh. Ông Thảo cho rằng nên làm rõ thêm về cơ sở thực tiễn để quy định mức học phí năm học 2024-2025, để nó thực sự mang tính thuyết phục như do nhu cầu đầu tư trang thiết bị, do nhu cầu cải tiến dạy - học, hay do lương cơ sở tăng 30%..; khi quy định mức học phí phải căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội, định mức kinh tế, xã hội, chương trình dạy - học. Từ đó làm rõ năm học 2024-2025 các trường, lớp được quy định mức học phí cao hơn năm học trước đã có sự nâng cao chất lượng ra sao, có tương ứng với quy định mức học phí mới hay không?
Theo TS Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Hà Nội, việc tăng học phí năm học 2024-2025 so với năm học trước khoảng từ 7%-7,5% trở lại là hợp lý vì phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là sự biến động của giá cả lên cao sau khi Nhà nước điều chỉnh tăng tiền lương. Việc tăng học phí từ 8% trở lên, đặc biệt 10% trong bối cảnh năm học này theo ông Tuấn là cao, sẽ gây áp lực đến không ít gia đình có kinh tế còn khó khăn, nhiều khi phải gồng mình lên lo chi phí cho con cái đi học, nhất là Hà Nội vừa chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề của cơn bão Yagi dẫn kinh tế sẽ khó khăn hơn, thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hướng lớn.