Cần xem xét lại việc xét tuyển đại học bằng IELTS?

Nguyễn Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thời vừa qua, việc dùng chứng chỉ IELTS để xét tuyển đại học đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều thí sinh cũng như các trường đại học. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại việc xét tuyển đại học bằng IELTS do vẫn còn những bất cập.

Cần xem xét lại việc xét tuyển đại học bằng IELTS? - ảnh 1
Một lớp học luyện thi IELTS tại Hà Nội Ảnh: Int

Khó khăn cũng lo cho con học IELTS để có cơ hội vào đại học
Chồng mất sớm, một mình nuôi hai đứa con ăn học, kinh tế eo hẹp, nhưng chị Nguyễn Thu Thảo (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn cố gắng cho con gái lớn, năm nay học lớp 10 theo học IELTS. “Cũng có lúc phải vay mượn nhưng để có thêm cơ hội cho con vào đại học, tôi phải cố gắng. Bởi thi tốt nghiệp kết quả chưa biết thế nào, trong khi tôi không muốn con lại lặp lại cuộc đời buôn bán vất vả như mẹ…”- chị Thảo chia sẻ.

Không ít gia đình giống như chị Thảo, đã cố gắng cho con theo học IELTS chỉ vì hiện tại nhiều trường đại học sử dụng kết quả thi IELTS để xét tuyển. Hàng loạt trường có thể kể đến như: Học viện Ngoại giao, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Ngoại thương... 

Và sự việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ra thông báo tạm hoãn tổ chức thi IELTS vừa qua đã cho thấy mức độ quan tâm của phụ huynh đối với việc học IELTS lớn như thế nào. Trên các diễn đàn liên quan giáo dục, đây là chủ đề “nóng” được các phụ huynh bàn tán sôi nổi. Không chỉ vì kết quả IELTS dùng để xét đi du học, mà trong số những người đang theo học chứng chỉ này, nhiều em đang có mục tiêu dùng nó để xét tuyển đại học.

“Năm nay con mới học lớp 8, nhưng tôi đã cho con theo học IELTS rồi. Tôi không muốn con thua kém bạn bè ở bất cứ cơ hội vào đại học nào. Hai vợ chồng đi làm lương thấp, chẳng dư dả gì, nhưng tôi vẫn quyết tâm cho con học. Vì vậy, khi nghe tin cuộc thi bị hoãn, tôi cũng hoang mang lắm”- chị Hoàng Thanh Mai (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay.

Việc đầu tư cho con học IELTS để có cơ hội vào đại học đã trở thành “cơn sốt” hiện nay đối với các bậc phụ huynh, dù cho chi phí để có chứng chỉ này không hề rẻ. Theo khảo sát, mức học phí trung bình cho khóa học IELTS từ con số 0 để đạt đến trình độ cơ bản 4.5 IELTS vào khoảng 4-5 triệu đồng; trình độ nâng cao từ 4.5-6.5 vào khoảng  6.5-8 triệu đồng; trình độ cao hơn sẽ có các mức giá khác phù hợp. Như vậy, đối với gia đình khó khăn, đây là mức đầu tư không hề nhỏ. 

Xét tuyển đại học bằng IELTS có thể gây mất công bằng?
Việc dùng chứng chỉ IELTS để xét tuyển đại học đang đặt ra vấn đề: Liệu có mất công bằng với những học sinh không có điều kiện theo học IELTS?

 Trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), cũng đồng thời là giáo viên dạy tiếng Anh bậc THPT cho biết, việc các trường đại học xét tuyển bằng IELTS cũng chính là điều mà đại biểu rất trăn trở. 

Đại biểu Hà cho biết, những năm trước, học sinh của bà gần như không có khái niệm về IELTS khi học phổ thông. Thế nhưng, từ khi các trường đại học dùng phương thức xét tuyển bằng IELTS thì điều này thay đổi, rất nhiều học sinh bắt đầu quan tâm đến việc học thi IELTS.

“Việc ôn thi IELTS cũng có điểm tích cực. Điều đầu tiên có thể kể đến, đó là giúp thí sinh phát triển năng lực ngôn ngữ, tư duy phản biện và việc dùng kết quả IELTS xét tuyển phần nào thúc đẩy phong trào học tập theo chất lượng quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định, đặc biệt đối với những học sinh ở nông thôn và miền núi”- đại biểu Hà cho hay.

Khó khăn đầu tiên, theo đại biểu Hà, đó là về cơ sở học tập. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, học sinh có thể tiếp cận với nhiều tài liệu miễn phí trên mạng Internet. Tuy nhiên, việc tự học để thi được kết quả như mong muốn của học sinh phổ thông là tương đối khó khăn. Chính vì vậy, với những gia đình kinh tế không khá giả sẽ khó có thể theo học được, bởi chi phí học và thi IELTS cũng là một vấn đề lớn. Như vậy, về cơ bản, với các học sinh vùng nông thôn, miền núi, nơi chưa có nhiều điều kiện như học sinh thành phố, các em sẽ có nhiều thiệt thòi hơn trong việc học IELTS. 
“Vì thế, theo tôi, cần phải cân nhắc lại và cân đối lại giữa các phương thức xét tuyển”- đại biểu Hà cho hay.

Đồng quan điểm với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà, cũng từng là một giáo viên, hiểu những vất vả của những học sinh trong gia đình có kinh tế khó khăn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, nhân vụ việc liên quan tới thi IELTS lần nay, Bộ GD-ĐT cần phải rà soát lại để có những điều chỉnh, xem lại cách tuyển sinh của các trường đại học. 

“Việc xét tuyển ưu tiên chứng chỉ IELTS có những bất cập, trong đó, có thể tạo ra sự mất công bằng đối với các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đặc biệt là học sinh vùng nông thôn”- bà Sửu cho hay.

Theo bà Sửu, điều kiện học tập của các học sinh nông thôn, miền núi có độ “chênh” so với học sinh thành thị. Ở những vùng này, không thể có các trung tâm ngoại ngữ lớn, các em cũng không có tiền để học các chứng chỉ ngoại ngữ đắt đỏ như IELTS. Về phía các trường đại học cũng cần phải xem xét lại phương thức tuyển sinh bằng IELTS, tránh thiệt thòi cho các em.

“Hiện nay, rất nhiều đơn vị đứng ra tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thi IELTS, phong trào luyện thi IELTS được ví như “cơn sốt”, nhiều trung tâm luyện thi đã đưa ra hàng loạt quảng cáo chào mời luyện thi IELTS… Việc rà soát này là điều hết sức cần thiết, đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh”- bà Sửu nói.

Theo cô giáo Lê Hương Giang, trường THPT Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), từ thực tế giảng dạy cô thấy, chưa nói tới học sinh vùng nông thôn, học sinh ở thành phố lớn, nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Việc bỏ ra một số tiền lớn để học IELTS, không phải gia đình nào cũng có thể làm được. Cho nên, nếu dùng IELTS để xét tuyển đại học, có thể gây thiệt thòi cho nhiều em. Các trường nên cân đối lại chỉ tiêu các phương thức tuyển sinh cho phù hợp, để có được sự công bằng cho các thí sinh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.