Chọn trường cho con vào lớp 1: Trường tư tăng học phí khủng, cha mẹ quay sang trường công

Chia sẻ

PNTĐ-Năm học 2014-2015, nhiều trường tiểu học ngoài công lập (NCL) ở Hà Nội đã đồng loạt đưa ra một mức phí “khủng” khiến các cha mẹ đang ấp ủ ý định gửi con vào trường tư phải thất vọng…

 
Chọn trường cho con vào lớp 1: Trường tư tăng học phí khủng, cha mẹ quay sang trường công - ảnh 1
Gửi con vào tiểu học dân lập là mơ ước của nhiều PHHS
 
Trường tư: “Lãnh địa” của con nhà giàu
 
Tháng 3, những mẹ có con sinh năm 2008 hoan hỉ rỉ tai nhau tin trường phổ thông Marie Curie sẽ lần đầu tiên tuyển sinh… từ lớp 1 tại trụ sở mới vừa được xây xong tại khu đô thị Mỹ Đình, Từ Liêm, HN. Chị Loan - nhà ở phố Trần Văn Lai, cách trường tiểu học mới Marie Curie vài trăm mét khấp khởi: “Nếu học phí của trường phù hợp, mình sẵn sàng cho con trai 6 tuổi vào ngay”.
 
Chị Bích - một bà mẹ có con sắp vào lớp 1 khác cũng chia sẻ: “Năm đầu tuyển sinh kiểu gì trường cũng phải có nhiều ưu đãi như giảm học phí, miễn chi phí nhập trường… để hút HS”. Sở dĩ bà mẹ này quả quyết vậy vì cách đây 1 năm, trường tiểu học Đoàn Thị Điểm Ecopark cũng chiêu sinh khóa đầu tiên. HS nào đăng ký, được đảm bảo giảm  học phí vĩnh viễn cho suốt 5 năm học tiểu học.
 
Tuy nhiên, sự “sẵn sàng” của chị Loan cũng như hy vọng của chị Bích đã không có cơ hội thể hiện khi mà sau đó, trường tiểu học Marie Curie công bố một mức phí rất cao mà không kèm theo bất cứ “khuyến mãi” nào. Để gửi con vào trường, một PHHS sẽ phải chi ra trên 6 triệu đồng/tháng, bao gồm tiền học phí 2,5 triệu đồng/tháng, phí bán trú 2,5 triệu đồng/tháng, tiền học tiếng Anh 600 USD/năm, chưa kể tiền ăn 60.000 đồng/ngày, tiền hỗ trợ cơ sở vật chất nộp hàng năm 2 triệu đồng, tiền quỹ CMHS 1 triệu đồng/năm, tiền xe buýt đưa đón. Không chỉ có vậy, nhiều khoản phí chính đều được yêu cầu nộp một lần cho cả 3 tháng nên chắc chắn, ngày nhập học, mỗi PHHS của trường sẽ phải dắt túi ít nhất là 20 triệu đồng.
 
Tương tự, năm học này, tiểu học Ngôi sao Hà Nội vẫn đưa ra một mức học phí khá cao. Mức phí cho lớp 1 đã tăng thành 4 triệu đồng/tháng, học phí lớp 2, 3, 4 ở mức trên 3 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả các khoản phí ăn, chăm sóc bán trú, một HS tiểu học Ngôi sao cũng sẽ “ngốn” của bố mẹ khoảng 5,5 triệu đồng/tháng - hơn hẳn một suất lương công chức hiện nay.
 
Nếu như trước đây, trong số các trường NCL, tiểu học Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu vẫn được nhắc tới như những trường có mức học phí “đỉnh” nhất thì năm nay, bất chấp hoàn cảnh bão giá, khoảng cách đó đang bị xóa dần bởi các trường NCL khác. “Thất vọng tràn trề”, “Thế là ước mơ cho con học dân lập đã phá sản rồi” - Nhiều mẹ than.
 
Lo cho con phát triển đường dài
 
Chị Loan nhẩm tính: Với mức đóng góp này, chỉ có con nhà giàu mới có thể trụ được. Theo kinh nghiệm của những người đi trước, muốn có con học trường NCL, các cha mẹ phải có thu nhập lớn hơn nhiều lần mức chi phí hàng tháng của con thì mới yên tâm. Nếu thu nhập chỉ “vừa xoẳn” là rất mạo hiểm. Chứng minh cho điều này, trên webtretho, các mẹ cho biết: Ở nhiều trường NCL, hàng năm thường sẽ tăng học phí khoảng 25%.
 
Ngoài ra, chi phí được công bố chỉ là phí “cứng”. Chẳng hạn tại trường tiểu học Ngôi sao Hà Nội, PHHS đón con muộn còn có thêm phí trả muộn sau 5 giờ là 200.000 đồng/tháng; trong các năm học trước, cha mẹ muốn gửi con vào các lớp học ngoại khóa thể thao ngoài giờ học phải trả phí 50-80.000 đồng/buổi. Tại trường tiểu học Nguyễn Siêu, phí học các môn ngoại khóa cũng được tính riêng, ngót nghét cả triệu đồng/tháng…
 
Cuối cùng, lực bất tòng tâm, nhiều bà mẹ đành “cho con trở lại” với trường công. Tuy nhiên, lựa chọn này xem vậy mà lại có nhiều ưu điểm. Từng có ý định cho con học trường Đoàn Thị Điểm, nhưng sau vì tiềm lực hạn chế mà chị Thúy đã gửi con vào trường tiểu học Thanh Xuân Trung, Q. Thanh Xuân. Với đóng góp cả ăn học của con chưa đầy 1 triệu đồng/tháng, bố mẹ đều khỏe re. Ngoài giờ học, chị Thúy vẫn cho con đi học vẽ, múa, học thêm tiếng Anh tại các trung tâm… Qua đó, con chị vẫn được “giáo dục toàn diện” mà  tổng chi phí “thêm nếm” vẫn… rẻ hơn nhiều lần mức đóng góp hàng tháng ở trường NCL.
 
“Liệu cơm gắp mắm”, “nuôi con phát triển đường dài” là lời khuyên của các bà mẹ đi trước gửi lại cho các mẹ “sắp có con đi học”. “Ở trường tư, rõ ràng có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, trường công cũng có ưu điểm riêng như đội ngũ giáo viên ổn định, có thâm niên, HS đại trà nên không tạo nên cách biệt giàu nghèo.”-một mẹ có con học ở trường công viết. “Bạn mình có con học cấp 1 ở trường tiểu học Đặng Trần Côn B, quận Thanh Xuân. Năm nay, cháu đã đỗ trường cấp 2 Amsterdam đấy. Tóm lại là học ở trường chỉ là một phần, còn lại cha mẹ vẫn phải quan tâm tới các con”-mẹ này viết.
 
Vậy thì, hãy vui và bằng lòng với những gì phù hợp với mình, bắt đầu từ việc chọn trường cho con.

 Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Căng mình ôn thi “chống trượt“

Căng mình ôn thi “chống trượt“

(PNTĐ) - Số lượng gần 32.000 bài kiểm tra dưới 3 điểm từ kết quả khảo sát chất lượng lớp 12 toàn thành phố Hà Nội vừa qua đã báo động nguy cơ tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp khá cao trong kỳ thi thật tới đây. Việc này, đòi hỏi nhà trường, học sinh phải có giải pháp ôn thi hiệu quả hơn trong giai đoạn nước rút, nhất là trong bối cảnh việc ôn thi từ học thêm bị hạn chế khi thực hiện Thông tư 29.