Chưa đỗ tốt nghiệp đã xét tuyển đại học

Chia sẻ

Mặc dù học sinh lớp 12 trên cả nước vẫn đang phải tạm nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh, để kịp tiến độ năm học mới, nhiều trường đại học vẫn xúc tiến việc tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, phương thức, thời gian tuyển sinh của các trường phải điều chỉnh.

Năm nay, thí sinh có thể không cần nộp kết quả học kỳ 2 lớp 12 để xét tuyển vào đại họcNăm nay, thí sinh có thể không cần nộp kết quả học kỳ 2 lớp 12 để xét tuyển vào đại học

Xét tuyển theo thời gian học thực

Theo khung kế hoạch năm học được Bộ GD-ĐT điều chỉnh lần thứ hai, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8/8-11/8.  Song  nhiều trường đại học đã không bị động đợi tới sau kỳ thi THPT quốc gia mới xét tuyển mà chọn tuyển sinh sớm theo kết quả học tập ở bậc phổ thông của thí sinh. Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội còn khuyến khích thí sinh nộp hồ sơ sớm trước kỳ thi THPT Quốc gia để giảm tải áp lực. Lý do vì thí sinh có kết quả học tập năm lớp 11 và lớp 12 đạt học lực từ loại Khá, đã đỗ vòng phỏng vấn của trường thì chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện nhận học. Trường có tới 3 đợt tuyển sinh theo hình thức này diễn ra vào trước kỳ thi THPT quốc gia, chỉ một đợt duy nhất là đợi lịch công bố kết quả thi THPT Quốc gia của Bộ GD-ĐT. …

Năm nay để kịp tiến độ tuyển sinh, nhiều trường đại học đã chủ động thay đổi theo hướng chỉ xét tuyển kết quả học tập của thí sinh căn cứ  vào các em học tập trung tại trường cho tới thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Trường đại học Nguyễn Tất Thành xét tuyển điểm học bạ theo 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) và không xét điểm trung bình học kỳ 2 lớp 12 của học sinh. Trường dự kiến vẫn duy trì 5 phương thức xét tuyển gồm: Xét kết quả kỳ thi THPT Quốc gia; Xét kết quả học bạ THPT; Xét theo kết quả kỳ thi riêng do trường đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức; Xét kết quả thi kiểm tra đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và cử tuyển. Trong đó, có tới 30% dành cho phương thức xét kết quả học bạ THPT. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhà trường đã điều chỉnh thời gian nhận hồ sơ xét tuyển học bạ THPT từ ngày 06/4/2020 để thí sinh kịp chuẩn bị.

Ngày 27/3, trường đại học Tôn Đức Thắng cũng đã thông báo điều chỉnh phương thức tuyển sinh. Trong đó, với các học sinh đang học ở các trường phổ thông đã ký kết hợp tác với trường đại học Tôn Đức Thắng, sẽ được xét tuyển dựa theo kết quả 05 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) bậc THPT. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình 05 học kỳ của các môn trong tổ hợp xét tuyển. Thời gian đăng ký xét tuyển trực tuyến từ 15/4/2020 – 30/6/2020.

Chị Hoàng Thị Vân, PHHS có con học tại trường THPT Marie Curie cho biết, con chị còn đang nghỉ tránh dịch tại nhà, chương trình năm học chưa kết thúc nhưng chị đã được trường đại học FPT gọi điện mời nộp hồ sơ xét tuyển cho con vào trường. Phương thức xét tuyển của trường khá đa dạng, bao gồm: Xét tuyển học bạ; Xét kết quả kỳ thi sơ tuyển đại học FPT; Ưu tiên xét tuyển và xét điểm thi THPT. Nhân viên tuyển sinh của trường cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức xét tuyển bằng học bạ đang được nhiều thí sinh lựa chọn. Vì thế, nếu có nguyện vọng, thí sinh nên nộp hồ sơ càng sớm để tăng khả năng trúng tuyển cao, bởi chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức xét tuyển học bạ THPT của đại học này chỉ chiếm tỉ lệ giới hạn trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020. Đặc biệt, thí sinh hiện là học sinh lớp 12, kể cả chưa có kết quả thi THPT vẫn có thể nộp trước hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm vào đại học FPT.

 Dịch chuyển từ tư vấn offline sang online

“Vào thời điểm này của các năm trước, trường chúng tôi đã tổ chức các sự kiện tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 12 tại các trường phổ thông. Năm nay, thay bị động đợi tới lúc dịch bệnh qua đi, học sinh trở lại trường bình thường mới xúc tiến việc quảng bá, kết nối với thí sinh, trường đã điều chỉnh sang hình thức mới”- TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng trường đại học Nông lâm TP HCM cho biết. Sự điều chỉnh đó, theo thầy Lý chính là tổ chức các buổi tư vấn nghề nghiệp online vào mỗi sáng thứ 6 hàng tuần. Các trưởng khoa, giảng viên giỏi của trường sẽ tham gia các buổi tư vấn, giới thiệu về những ngành nghề hiện có của trường cung cấp thông tin, giải đáp những băn khoăn để các học sinh căn cứ theo năng lực, nguyện vọng của mình chọn lựa nguyện vọng. Bằng cách này, dù không thể trực tiếp gặp gỡ thí sinh offline, trường đại học Nông Lâm vẫn có thể kết nối với các thí sinh.

Tương tự, trường đại học Nguyễn Tất Thành cũng đẩy mạnh chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến vào các buổi trưa trong tuần. Chương trình cung cấp cho các thí sinh thông tin về kỳ thi THPT Quốc gia 2020, các thông tin về ngành nghề, tư vấn nghề nghiệp, phương thức xét tuyển của nhà trường. Cùng với đó, nhà trường cũng sử dụng các hình thức khác như qua trang mạng xã hội facebook, zalo, google… để có thể kịp thời cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc, định hướng lựa chọn  nghề nghiệp cho thí sinh kịp thời nhất.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện nay, các trường đại học có quyền tự chủ trong tuyển sinh. Bộ GD-ĐT chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh đợt 1 năm 2020, áp dụng chung đối với các trường xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia. Từ đó, các trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh kết thúc trong năm 2020 phù hợp. Đối với trường không xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, việc tuyển sinh rất linh động hơn. Vì thế, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời gian thi THPT quốc gia

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.