“Cơn mưa” điểm thấp môn Lịch sử: Hậu quả của tư duy “nhồi nhét”

Chia sẻ

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, môn Lịch sử lại tiếp tục “đội sổ” vì có nhiều điểm thấp nhất so với các môn thi khác. Theo các chuyên gia giáo dục, để có thể thay đổi hiện tượng này, phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy về cách ra đề thi môn Lịch sử.

Phổ điểm môn Lịch sử năm 2021 rất thấp với 540 thí sinh bị điểm “liệt”Phổ điểm môn Lịch sử năm 2021 rất thấp với 540 thí sinh bị điểm “liệt”
Điểm dưới 1 tăng 5 lần , điểm 10 giảm 1,5 lần

Theo phân tích phổ điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm nay, Lịch sử là môn duy nhất trong số 9 môn thi có điểm trung bình dưới 5. Trong 637.005 thí sinh dự thi môn Lịch sử, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4; số thí sinh có điểm nhỏ hơn và bằng 1 là 540 (chiếm tỷ lệ 0,08%); 331.429 thí sinh có điểm dưới 5 (tỷ lệ 52,03%).

Đáng nói, hình phổ điểm môn Lịch sử năm 2021 so với năm 2020 phân bố không đối xứng, lệch về bên trái (điểm thấp) nhiều hơn so với phổ điểm năm 2020. Điểm trung bình giảm, tỉ lệ học sinh dưới trung bình tăng hơn 3%. Nghịch lý là năm 2021, số thí sinh có điểm từ 1 trở xuống đã tăng gần 5 lần trong khi số điểm 10 lại giảm gần 1,5 lần.

Hiện tượng, “mưa” điểm thấp trong môn Lịch sử không phải xảy ra 1,2 năm gần đây. Trở lại với kỳ thi năm 2018, môn Lịch sử cũng chỉ có mức điểm trung bình đạt 3.79; năm 2019 là 4.3 điểm.

Theo thầy Lê Đình Hiển - trường TH, THCS, THPT Đông Bắc Ga, Thanh Hóa: Năm 2021, đề thi môn Lịch sử đã cực kỳ bám SGK để học sinh gỡ điểm. Đồng thời, đề thi đảm bảo phân hoá tốt học sinh. Lẽ ra, năm nay, đề thi được đánh giá dễ thở như vậy, môn Sử phải bứt tốc về điểm số nhưng thực tế ngược lại.

Dưới góc nhìn của một giáo viên phổ thông, thầy Hiển cho rằng hiện trạng điểm môn Lịch sử đang phản ánh đúng xu hướng giáo dục hiện nay, nếu học để thi và kết quả cuối cùng chỉ cần dựa vào các môn trong tổ hợp xét tuyển, thì học tủ, học lệch đương nhiên. Trừ những em chọn Lịch sử để xét tuyển sẽ nghiêm túc học, những em không chọn Lịch sử hoặc chỉ để xét tốt nghiệp sẽ không học Sử. Chỉ cần vượt qua điểm liệt và chú ý một chút vào Địa lý và Giáo dục công dân (2 môn cùng tổ hợp KHXH) vì các em tin rằng Địa lý và Giáo dục công dân dễ lấy điểm hơn Lịch sử. Với 540 em chỉ đạt từ 1 trở xuống, tức trong 40 câu hỏi trắc nghiệm, các em chỉ làm đúng dưới 4 câu. Cùng với đó là hàng trăm ngàn em đạt điểm từ trên 1 đến dưới 5. Để liệt điểm là phần lớn do ý thức bởi chỉ cần đọc đề và khoanh đáp án nghiêm túc, chắc chắn đạt từ 3-5 điểm. Số điểm liệt này là do ý thức học quá kém và sự học lệch, học tủ đã chi phối quá nhiều.

Còn theo TS Lịch sử Lê Thị Thu Hương, trường Đại học Thủ đô Hà Nội, nhìn lại mấy kì thi gần đây, phổ điểm môn Lịch sử và tiếng Anh đều thấp. Môn tiếng Anh thì còn có nhiều lý do như điều kiện học tập, khả năng ngoại ngữ của mỗi cá nhân... Nhưng môn Lịch sử bằng tiếng Việt mà còn có nhiều điểm 1 và dưới 1 (đồng nghĩa với việc trượt tốt nghiệp THPT vì môn học này) là điều đáng buồn. Điều này cũng cần nhìn nhận lại cách dạy và học môn Lịch sử ở bậc phổ thông. Trên thực tế nếu có ý thức đúng về việc học tập bộ môn thì có thể điểm thi không cao đối với các em không lựa chọn môn Lịch sử là môn xét tuyển đại học nhưng ở mức độ trung bình các em cũng phải đạt được. Việc dễ dãi trong cho điểm nhưng lại không khắt khe trong việc kiểm tra học sinh lớp 12 của một bộ phận giáo viên cũng đã dẫn đến điểm học bạ thì cao mà điểm thi thật thì rất thấp".

Hãy thay đổi quan niệm về môn sử

Giáo viên, thạc sĩ Nguyễn Hà Diễm đã có hơn 17 năm đứng lớp môn Lịch sử, hiện là giáo viên trường THPT chuyên Hùng Vương, TP Hồ Chí Minh cho rằng: Nhiều học sinh không thích môn Lịch sử hoặc chọn học môn này với tâm thế đối phó học để “đi thi” nên người dạy cố gắng nhồi nhét kiến thức, còn người học cũng học vẹt. Theo cô Diễm, điều chúng ta cần làm lúc này là phải thay đổi tư duy về môn Lịch sử, trước tiên là tư duy trong cách ra đề thi. Bởi, đề thi sẽ tác động trở lại đối với cách dạy, cách học môn học này. “Môn Ngữ văn đã thay đổi cấu trúc đề thi để phù hợp với thực tế hiện nay, môn Địa lí cũng có cuộc cách mạng khi cho học sinh sử dụng Atlat trong đề thi. Năm nay, môn tiếng Anh cũng thay đổi để học sinh miền xuôi cũng như miền ngược làm bài được. Thế nhưng môn Lịch sử vẫn "chưa có sự đổi mới”. Cô Diễm dẫn chứng về đề thi đánh giá năng lực của đại học Quốc Gia TPHCM. Đề đưa ra những bài đọc hiểu Lịch sử, sau đó nêu câu hỏi đánh giá khả năng tư duy lịch sử của học sinh. Cô Diễm tin rằng, nếu làm được theo cách này, hàng năm, chúng ta không còn phải buồn và bất lực khi môn Lịch sử lại tiếp tục nhận về “cơn mưa điểm thấp”.

Theo TS Thu Hương, các giáo viên cần lựa chọn những phương pháp dạy phù hợp để học sinh nắm được những kiến thức cơ bản nhất của bộ môn, nhất là kiến thức lớp 12 và cũng cần nghiêm túc trong kiểm tra đánh giá ngay từ học kì 1. TS Thu Hương cho rằng, đề thi Lịch sử hiện nay không phải là nguyên nhân chính dẫn tới thí sinh không học Sử vì kiến thức trong đề thi đã được ra theo hướng rất cơ bản, dễ dàng đạt được điểm trên trung bình. Tuy nhiên, học sinh hiện nay đang học lệch nên chỉ chọn học những môn phục vụ xét tuyển đại học. Theo TS Hương nếu vẫn giữ nguyên kỳ thi “2 trong 1” như hiện nay nên nâng mức điểm liệt ở môn Lịch sử lên 5 điểm để học sinh phải nhìn nhận giá trị, vai trò của môn Lịch sử một cách nghiêm túc hơn.

Còn theo thầy Lê Đình Hiển, hiện nay chương trình đang viết theo lối thông sử. Chương trình lớp 6, 7 được học lại ở lớp 10. Chương trình lớp 8 học lại ở lớp 11 và lớp 9 học lại ở lớp 12. Theo thầy Hiển, nên bỏ cách trình bày chương trình và học như vậy. Từ cấp THPT nên chia thành các chuyên đề/vấn đề, tránh kiểu dạy tràn lan, học sinh bị nhồi nhét kiến thức dẫn tới sợ học môn Lịch sử.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…