Đánh trượt thí sinh do không đủ điều kiện mở ngành

Chia sẻ

PNTĐ-Nâng điểm chuẩn cao để đánh trượt thí sinh do không đủ điều kiện mở ngành là nghịch lý ghi nhận được trong vài mùa tuyển sinh gần đây ở một số trường đại học vùng, đại học địa phương.

 
Từ đây đặt ra vấn đề, cần phải quy hoạch các trường đại học để chấm dứt những “lùm xùm” trong tuyển sinh, hơn thế là nâng cao chất lượng đào tạo.
 
Đạt “điểm cao”vẫn bị đánh trượt 
 
Mùa tuyển sinh năm 2018, trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai trở nên “nổi tiếng” vì từ chối tiếp nhận thí sinh đạt điểm cao đăng ký xét tuyển theo nguyện vọng 1 vào trường. Theo đó, ở ngành Sư phạm Ngữ văn, có 4 thí sinh đăng ký xét tuyển, trong đó thí sinh cao điểm nhất đạt 22,5 điểm. Tuy nhiên, thật bất ngờ, trường đã đẩy điểm chuẩn ngành này lên… 23 điểm nhằm loại tất cả thí sinh, buộc các em phải chuyển sang xét tuyển theo nguyện vọng 2, 3 ở ngành học khác. Cùng năm đó, còn có tới 9 ngành của trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai cũng không có thí sinh nào “vượt qua” mức điểm chuẩn “oái oăm” của trường.
 
Đánh trượt thí sinh do không đủ điều kiện mở ngành - ảnh 1
Các thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia

 
Năm nay, tình trạng trường nâng điểm chuẩn cao để đánh rớt thí sinh lại tái diễn ở một số trường đại học khu vực phía Nam. Trường đại học Đồng Nai có 1.806 thí sinh trúng tuyển vào 14 ngành đào tạo hệ đại học, nhưng có 4 ngành (mỗi ngành 40 chỉ tiêu) không thí sinh nào trúng tuyển, nhưng đều giống nhau ở mức điểm chuẩn cao chót vót hơn nhiều các ngành khác như: Sư phạm Vật lý 24 điểm; Sư phạm Lịch sử 22,6 điểm; Quản lý đất đai 20,8 điểm; Sư phạm Sinh học 18,5 điểm.
 
 Lý giải về điều này, theo lãnh đạo phòng Đào tạo, trường đại học Đồng Nai, trong lần lọc ảo cuối cùng theo quy định của Bộ GD-ĐT, về lý, điểm chuẩn của các ngành đào tạo trong trường chỉ ở mức quy định của điểm sàn. Thế nhưng, nếu lấy theo mức điểm thấp này, có những ngành học chỉ lác đác vài thí sinh trúng tuyển sẽ gây khó khăn cho nhà trường trong việc đào tạo. Vì vậy, nhà trường buộc phải đẩy điểm chuẩn lên cao, để các thí sinh này rớt xuống các nguyện vọng khác trong lần lọc ảo cuối.
 
Tương tự, Hội đồng tuyển sinh trường đại học Hùng Vương TP HCM cũng đã nâng điểm chuẩn rất cao ở một số ngành như: Công nghệ sau thu hoạch (22 điểm) và Công nghệ kỹ thuật xây dựng (20 điểm) trong khi các ngành khác chỉ lấy mức điểm chuẩn khiêm tốn là 14. Lý do là ngành Công nghệ sau thu hoạch chỉ có 2 thí sinh, ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng chỉ có 1 thí sinh xét tuyển. Đại diện trường đại học Hùng Vương TP HCM giải thích, vì quá ít thí sinh đăng ký nên trường lấy điểm cao để các thí sinh không trúng tuyển và có có cơ hội đăng ký ở trường khác. Đây được xem như một giải pháp của các nhà trường nhằm “cứu” thí sinh khá giỏi thay vì để các em trúng tuyển vào những ngành  học “không tồn tại”. 
 
Từ thực tế nêu trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, theo quy định, nếu trong vòng 5 năm, một ngành học nào đó của trường đại học không tuyển sinh thì trường sẽ bị đóng ngành. Để tồn tại, duy trì các ngành học, các trường đại học phải nâng cao chất lượng để thu hút thí sinh, đánh giá nhu cầu của thị trường trước khi mở ngành học mới; chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi những ngành cũ giảm đi, ngành mới phát sinh… 
 
Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do, công tác tuyển sinh, duy trì ngành học ở một số trường vẫn gặp nhiều khó khăn. Dù biết cần tiếp nhận thí sinh khá giỏi nhưng trường vẫn phải dùng “thủ thuật” để loại các em. 
 
Khẩn trương sắp xếp, quy hoạch các trường 
 
Việc các trường phải nâng điểm chuẩn cao để đánh trượt thí sinh là một báo động ở bậc đại học. PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp quốc gia “Cơ sở khoa học của quy hoạch mạng lưới các trường đại học Việt Nam” cho rằng, sáp nhập, hợp nhất, liên minh, liên kết các trường đại học thành các đại học quy mô lớn, đa lĩnh vực đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt trong thời đại cạnh tranh toàn cầu rất khốc liệt như hiện nay.
 
Khi đó, các đại học lớn sẽ có khả năng tập trung thu hút được nguồn lực đầu tư từ Nhà nước và doanh nghiệp vào nghiên cứu và đào tạo sau đại học, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. 
 
Cũng theo nhiều chuyên gia, không nên để tồn tại nhiều trường đại học mà nên đi theo xu hướng “tinh” như “chất lượng”, tuyển sinh tập trung, không để tái diễn cảnh ngành học “trăm hoa đua nở” nhưng nở cũng không xong như hiện nay.
 
Tại hội nghị Tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học mới do Bộ GD-ĐT tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, các cơ sở giáo dục đại học phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho phát triển. Phải có lộ trình kiên quyết với các trường chất lượng thấp. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục đại học kém chất lượng kéo dài; kiểm tra và dừng đào tạo các ngành đào tạo kém chất lượng.
 
 
Hoa Đỗ

Tin cùng chuyên mục

 Ngày 4/5, Khai mạc Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024

Ngày 4/5, Khai mạc Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024

(PNTĐ) - Ngày hội Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024 có chủ đề “Đẩy mạnh Chuyển đổi Số và giáo dục STEM trong ngành Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) theo định hướng giáo dục thông minh” diễn ra từ ngày 4-5/5/2024, tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông.
Hướng nghiệp sớm: Đúng, nhưng phải trúng!

Hướng nghiệp sớm: Đúng, nhưng phải trúng!

(PNTĐ) - Việc chọn đúng ngành nghề rất quan trọng, vì vậy công tác hướng nghiệp cần được làm từ sớm và có hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, việc hướng nghiệp mới chỉ ở hình thức, chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu mong muốn của học sinh.