Cô giáo Chu Thị Thanh Hiền:

Dạy Văn là dạy làm người

Thu Giang
Chia sẻ

(PNTĐ) - Là giáo viên Ngữ văn có nhiều đóng góp cho nền giáo dục Thủ đô, một tấm gương mẫu mực trong sự nghiệp trồng người, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong dạy học, cô giáo Chu Thị Thanh Hiền (Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội) vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm học 2022 - 2023), Huân chương Lao động hạng Ba (năm học 2012-2013), cùng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dạy Văn là dạy làm người - ảnh 1
  Cô giáo Chu Thị Thanh Hiền vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhì năm học 2022-2023. Ảnh: NVCC 

Mỗi thầy cô là tấm gương tự học, sáng tạo 
Sinh ra tại Hưng Yên, năm 1987, cô Thanh Hiền thi đỗ vào khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1). Ra trường, cô được nhận về công tác tại Trường THCS Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), năm 2010, cô chuyển về công tác tại Trường THCS Cầu Giấy, giữ chức vụ Tổ trưởng tổ chuyên môn Văn - Sử - Giáo dục công dân và gắn bó với nền giáo dục Thủ đô cho đến nay.

Nói về niềm hạnh phúc trong công tác giáo dục, cô Thanh Hiền cho biết: “Khi đã chọn và gắn bó với nghề dạy học, hạnh phúc lớn nhất của nhà giáo chúng tôi là đánh thức được khát khao khám phá, khả năng lĩnh hội, sáng tạo ở người học để phát triển năng lực, phẩm chất của học trò. Hạnh phúc khi thấy học trò của mình ngày hôm nay tiến bộ hơn so với ngày hôm qua; hạnh phúc khi những thế hệ học sinh của mình trưởng thành, trở thành những con người tử tế, có những cống hiến và tỏa sáng trong cuộc đời theo cách riêng của mỗi em”.

Là một giáo viên Ngữ văn, quan niệm của cô “Văn học là nhân học”, dạy Văn là dạy làm người. Với cô, đó cũng là sứ mệnh của các thầy cô giáo dạy Văn. Môn Ngữ văn là môn học mang tính công cụ và tính thẩm mỹ - nhân văn nhằm giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp về văn hóa, văn học và ngôn ngữ dân tộc, phát triển ở học sinh những phẩm chất lành mạnh, tình cảm nhân văn, lối sống nhân ái, vị tha… Vì vậy, cô cho rằng mỗi thầy cô phải là “tấm gương tự học, sáng tạo”; tự trau dồi và không ngừng đổi mới, truyền cảm hứng tự học, sáng tạo cho học trò.

Cũng bởi quan niệm thầy cô là “tấm gương tự học, sáng tạo” nên cô Thanh Hiền luôn say mê với công tác đổi mới trong dạy và học. Cô đã có 11 sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng có hiệu quả, được Hội đồng khoa học Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, Hội đồng Khoa học, sáng kiến Thành phố công nhận.

Hơn 10 năm qua, dưới sự điều hành của cô, Tổ Văn - Sử - Giáo dục công dân đã tự hào đóng góp nhiều giải thưởng danh giá của giáo viên và học sinh vào “bảng vàng” thành tích của nhà trường. Riêng môn Ngữ văn, có 4 giáo viên đạt giải Nhất, 1 giáo viên đạt giải Nhì trong cuộc thi giáo viên giỏi cấp thành phố; 45 học sinh đạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi thành phố; 13 năm liên tiếp đứng đầu quận và thuộc tốp đầu thành phố trong kỳ thi vào lớp 10 THPT; nhiều học sinh là thủ khoa, á khoa của các trường chuyên…

Muốn giáo dục người khác trước hết phải tự giáo dục mình
Là một giáo viên tâm huyết với nghề giáo bao nhiêu thì cô Thanh Hiền cũng có những trăn trở bấy nhiêu về những mặt trái của nghề mà mỗi giáo viên đang phải đối diện. 

Dạy Văn là dạy làm người - ảnh 2
Cô Giáo Chu Thị Thanh Hiền.

“Có một thực trạng là nhiều bạn trẻ hiện nay không mặn mà với ngành sư phạm, một số đồng nghiệp của tôi vì không vượt qua được những áp lực của công việc và cuộc sống đã phải rời xa nghề; vẫn có thầy cô vì không đủ bản lĩnh trước những cám dỗ đời thường đã đánh mất chính mình… Đó là điều mà tôi day dứt và trăn trở. Để có thể chuyên tâm với nghề, tôi mong muốn giáo viên có thể sống bằng đồng lương, không bị áp lực cơm áo gạo tiền làm vơi đi khát khao cống hiến; mong xã hội và các bậc phụ huynh đồng hành, chia sẻ những khó khăn, vất vả của giáo viên trong giai đoạn hiện nay. Và đặc biệt mong muốn các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô giáo trẻ, các đồng nghiệp tương lai giữ vững lòng yêu nghề kính nghiệp, dám dấn thân và cống hiến, tự rèn luyện bản thân, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức, kĩ năng mới để hoàn thiện bản thân từng ngày. Bởi muốn giáo dục người khác trước hết phải tự giáo dục mình”- cô giáo Hiền chia sẻ.

Tâm huyết và luôn đổi mới, sáng tạo, nên khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra, cô Thanh Hiền nhận thấy kỷ nguyên số với sự tham gia ngày càng sâu rộng của trí tuệ nhân tạo vào mọi lĩnh vực đời sống đã mở ra nhiều cơ hội cho đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mỗi nhà giáo.

“Khi học trò có nhiều phương tiện và cách thức để có thể tiếp cận tri thức, có thể tự học, tự nghiên cứu thì liệu vị trí và vai trò của người thầy có còn quan trọng. Đây là điều trăn trở không chỉ của riêng tôi. Chúng ta không phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ nhưng tôi tin không có sự thông minh nào của trí tuệ nhân tạo, không có một công nghệ hiện đại nào có thể thay thế được tình yêu thương, thay thế được trái tim và tâm huyết của người thầy” - cô Chu Thị Thanh Hiền nói.

Không chỉ xuất sắc trong công tác giảng dạy chuyên môn, cô còn là một giáo viên chủ nhiệm tâm huyết, hết mình vì học sinh thân yêu. Lắng nghe, chia sẻ, quan tâm tìm hiểu từng hoàn cảnh gia đình của học sinh đã giúp cô thấu hiểu và yêu học trò như chính con em của mình. Những lớp mà cô làm chủ nhiệm nhiều năm liền đạt lớp tiên tiến xuất sắc, chi đội mạnh, 100% đạt học sinh giỏi, luôn đứng đầu trong các phong trào thi đua của nhà trường. 

Những năm tháng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, ngoài hai lần được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, cô giáo Chu Thị Thanh Hiền đã nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Giáo viên giỏi, Chiến sĩ thi đua cơ sở…

Ngoài kia, mùa xuân đang về, và với cô giáo Chu Thị Thanh Hiền, một năm mới ấm áp, hạnh phúc lại đến khi nhìn thấy nụ cười vui tươi của học sinh mỗi buổi đến trường, sự trưởng thành, lớn lên biết yêu thương bạn bè, biết kính thầy, hiếu nghĩa với cha mẹ của mỗi lứa học trò khi rời mái trường. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục