Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về Quy định dạy thêm, học thêm:

Để học thêm không trở thành gánh nặng!

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm. Dự thảo này sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm. Thời hạn lấy ý kiến đến ngày 22/10/2024.

Để học thêm không trở thành gánh nặng! - ảnh 1
Học thêm nên là nhu cầu chính đáng của học sinh chứ không phải là gánh nặng và áp lực như hiện nay. Ảnh minh họa

Nguyên tắc dạy thêm, học thêm
Theo dự thảo, dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học nội dung chương trình môn học, hoạt động giáo dục (gọi chung là môn học) trong chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành nhưng ngoài thời lượng quy định của chương trình, có thu thêm tiền ngoài học phí của học sinh, học viên.

Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức thực hiện. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm không do nhà trường tổ chức thực hiện.

Tại Điều 3 của dự thảo Thông tư, Bộ GD-ĐT quy định nguyên tắc về dạy thêm, học thêm như sau: Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh.

Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.

Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.

Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Về dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Bộ quy định tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường (Hiệu trưởng) việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận. Đối với các môn học có đề xuất việc dạy thêm, học thêm, phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp. Việc đề xuất dạy thêm, học thêm của tổ chuyên môn được lập thành biên bản, có chữ ký của tổ trưởng và thư ký là một giáo viên được bầu trong cuộc họp.

Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh. Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT.
Để học thêm không trở thành gánh nặng của phụ huynh và học sinh
Thực tế cho thấy lâu nay, việc học thêm đang có nhiều ý kiến trái chiều, ở một góc độ, nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu học thêm là chính đáng của học sinh khi muốn bổ sung kiến thức còn thiếu hụt. Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng học thêm đang trở thành gánh nặng cho phụ huynh và học sinh khi một bộ phận giáo viên đang xem dạy thêm hơn dạy chính khóa ở trường, học sinh phải học thêm thì mới có điểm số tốt, nếu không học thì điểm số kém. Do đó, có những học sinh dù không muốn nhưng vẫn phải đến lớp học thêm của các thầy, cô giáo bộ môn của mình dạy sau giờ học. 

Anh Lê Quang Tuấn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh có hai con năm nay đang học cấp 3 và cấp 2. Năm học nào, các con anh cũng tham gia các lớp học thêm ngoài nhà trường do các cô giáo bộ môn dạy, đặc biệt là các môn chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ. “Thực tế, con tham gia lớp học thêm thì điểm số kiểm tra tốt hơn đối với những môn không học thêm. Do đó, tôi thấy việc cho con học thêm là cần thiết. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo nên gánh nặng về kinh tế cho gia đình khi bên cạnh khoản học phí chính khóa nộp cho nhà trường còn phải gánh thêm học phí học thêm”. Vì nhà có hai đứa con đi học, khoản đóng tiền học cho con hàng tháng cũng nhân đôi” - anh Tuấn nói.

Chị Lê Thu Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng việc quy định tiền thu học thêm hiện nay không theo một quy định nào cụ thể mà chỉ theo yêu cầu của mỗi giáo viên dạy thêm bên ngoài. Ví dụ, lớp đông học sinh, tiền học thêm sẽ ít hơn lớp ít học sinh. Do đó, theo chị Hiền, Bộ GD-ĐT nên quy định cụ thể về “hạn mức” học phí dạy thêm, học thêm để không xảy ra tình trạng giáo viên dạy thêm thích thu thế nào thì thu. 

Để giải quyết vấn đề quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhằm tránh tình trạng không quản lý được giáo viên dạy thêm khiến việc dạy thêm bị biến tướng và lạm dụng với mục đích làm kinh tế, tại Điều 5, dự thảo Thông tư đang lấy ý kiến, Bộ GD-ĐT quy định, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải thực hiện các yêu cầu: Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

 Giáo viên (bao gồm Phó Hiệu trưởng hoặc cấp phó của người đứng đầu) đang làm việc và hưởng lương từ quỹ lương của cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục thường xuyên công lập tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải thực hiện các yêu cầu sau: Báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi Hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.

Hiệu trưởng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng Phòng GD-ĐT (đối với cấp THCS), Giám đốc Sở GD-ĐT (đối với cấp THPT).

Theo Bộ GD-ĐT, việc điều chỉnh quy định về dạy thêm, học thêm nhằm phù hợp với tình hình thực tế, không cấm nhu cầu chính đáng và tăng tính minh bạch, tạo cơ chế để cộng đồng cùng giám sát.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy xã hội học tập suốt đời

Hà Nội: Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy xã hội học tập suốt đời

(PNTĐ) - Với vai trò là Thủ đô của đất nước, trong những năm qua, Hà Nội đã tích cực triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng và nhà nước thành các kế hoạch, chương trình hành động, đặc biệt là các nhiệm vụ hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập. Trong việc xây dựng xã hội học tập, Thành phố rất chú trọng việc phát triển văn hóa đọc. Bởi đây là một kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại được truyền lại qua hàng nghìn năm, kết tinh từ tri thức và cuộc sống.
Uống nước ngọt miễn phí, 13 học sinh nhập viện, phụ huynh còn nhiều lo lắng

Uống nước ngọt miễn phí, 13 học sinh nhập viện, phụ huynh còn nhiều lo lắng

(PNTĐ) - Liên quan vụ hàng chục học sinh trường THCS Bình Minh, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai nhập viện vì bị ngộ độc sau khi uống nước ngọt phát miễn phí tại cổng trường, sau 1 ngày nằm viện, sức khoẻ các em đã ổn định, các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra, xử lý, còn các phụ huynh vẫn còn nhiều lo lắng.