Đến năm 2030, tối thiểu 75% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn

HẠ THI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đến năm 2030, tối thiểu 55% học sinh lớp 5, 65% học sinh lớp 9 và 75% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn. Đến năm 2035, tối thiểu 70% học sinh lớp 5, 80% học sinh lớp 9 và 90% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn.

Đây là mục tiêu đặt ra trong Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025-2035 do Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành. 

Mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ đuối nước

Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐTB-XH), hiện nay bình quân mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ đuối nước. Tuy nhiên, việc đầu tư phòng chống đuối nước cho trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế. Theo thống kê, cả nước chỉ có 42/63 tỉnh, thành phố có ngân sách để đầu tư riêng cho phòng chống đuối nước.

Thống kê của Bộ GD-ĐT  cho thấy chỉ có gần 2.200/25.000 trường học có bể bơi (chiếm 8,63%); tỷ lệ học sinh biết bơi chỉ chiếm 33,59%.

Vì vậy, trong thời gian qua, Bộ LĐTB-XH đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt và hiệu quả các chương trình của Chính phủ như: Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; các công điện, công văn của Ủy ban Quốc gia về trẻ em có nội dung về công tác phòng chống đuối nước trẻ em.

Đồng thời tăng cường tổ chức các lớp dạy bơi; có các giải pháp truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước cho phụ huynh, học sinh và cộng đồng dân cư…

 Đến năm 2030, tối thiểu 75% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn - ảnh 1
Lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm được thi thể nạn nhân đuối nước tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Gần nhất, chiều 15/12/2024, một vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra tại xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) khiến hai học sinh lớp 6 tử vong.

Cụ thể, khoảng 15 giờ 45 phút ngày 15/12, một nhóm học sinh rủ nhau ra khu vực đường nội đồng ở thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa, thị xã An Nhơn dạo chơi. Trong lúc lội nước, hai em Đỗ Kha và Đoàn Ngọc Lâm (cùng 11 tuổi), trú tại thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa không may bị sụp chân dưới khu vực ruộng gần đường nội đồng và bị đuối nước.

Khi vụ việc diễn ra, một học sinh trong nhóm đã chạy về báo cho những người lớn ở khu dân cư gần đó. Ngay sau khi nhận được thông tin, nhiều người dân đã nhanh chóng ra tìm kiếm và vớt hai em Đỗ Kha và Đoàn Ngọc Lâm lên bờ. Mặc dù đã được sơ cứu ban đầu và chuyển đi bệnh viện, nhưng cả hai em đều không qua khỏi.

Trước đó, ngày 18/11/2024, tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 5 học sinh tử vong. 

Qua xác minh ban đầu, vào thời điểm trên có 10 học sinh rủ nhau ra bãi sông Hồng thuộc địa phận khu 1 xã Hiền Quan chơi. Trong quá trình chơi đã xảy ra đuối nước 6 em học sinh (3 học sinh nam và 3 học sinh nữ). Trong đó có một em được cứu vớt, còn 5 em mất tích. 

Đến ngày 19/11, 5 thi thể học sinh đã được tìm thấy. 

Mỗi năm trên thế giới, tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng của gần một triệu trẻ em. Riêng ở Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, số vụ tai nạn đuối nước đã giảm 50 % từ gần 4.000 vụ xuống còn 2.000 vụ. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực, Châu lục và thế giới thì Việt Nam vẫn nằm ở con số cao.

Do đó, từ  năm 2016, Thủ tướng đã có chỉ thị 17 về tăng cường chỉ đạo và thực hiện phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em và học sinh. 

Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB-XH), những năm gần đây, số trẻ tử vong do đuối nước có xu hướng giảm, mỗi năm cứu sống được gần 100 trẻ. Tuy nhiên, số lượng người tử vong vẫn cao. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ như dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Nâng cao năng lực tự phòng ngừa, tự bảo vệ của học sinh trước nguy cơ đuối nước

Trước thực trạng báo động về tai nạn đuối nước đối với trẻ em, ngày 31/12/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký ban hành Quyết định số 1717/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025-2035.

 Đến năm 2030, tối thiểu 75% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn - ảnh 2
Mục tiêu đến năm 2030, mỗi trường có ít nhất 02 giáo viên được bồi dưỡng, cấp chứng nhận và có đầy đủ năng lực để tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh. Ảnh minh họa

Chương trình được triển khai nhằm tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh nhằm nâng cao năng lực tự phòng ngừa, tự bảo vệ của học sinh trước nguy cơ bị đuối nước; bảo đảm điều kiện và tổ chức hiệu quả việc dạy bơi an toàn cho học sinh để tăng tỷ lệ học sinh biết bơi và biết kỹ năng phòng, chống đuối nước, góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh bị đuối nước.

Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các cá nhân liên quan được truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước cho học sinh và đạt tỷ lệ 100% vào năm 2035.

Đến năm 2030, 70% học sinh được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước và đạt tỷ lệ 90% vào năm 2035.

Về tổ chức hiệu quả dạy bơi an toàn, đến năm 2030, tối thiểu 55% học sinh lớp 5, 65% học sinh lớp 9 và 75% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn. Đến năm 2035, tối thiểu 70% học sinh lớp 5, 80% học sinh lớp 9 và 90% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn.

Về đầu tư xây dựng, lắp đặt bể bơi trong trường học và tại cộng đồng, mục tiêu đến năm 2030, tối thiểu 20% trường tiểu học, 15% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có bể bơi (cố định hoặc di động) và duy trì hoạt động hiệu quả. 50% xã, phường, thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh trên địa bàn.

Đến năm 2035, tối thiểu 30% trường tiểu học, 25% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có bể bơi (cố định hoặc di động) và duy trì hoạt động hiệu quả. 70% xã/phường/thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh trên địa bàn.

Đối với bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên về phòng, chống đuối nước, dạy bơi an toàn mục tiêu đến năm 2030, 70% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực về phòng, chống đuối nước cho học sinh và đạt tỷ lệ 95% vào năm 2035.

Đến năm 2030, 85% người làm công tác y tế trường học được bồi dưỡng nâng cao năng lực về phòng, chống đuối nước, sơ cấp cứu đuối nước và đạt tỷ lệ 100% vào năm 2035.

Đến năm 2030, mỗi trường có ít nhất 02 giáo viên được bồi dưỡng, cấp chứng nhận và có đầy đủ năng lực để tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh và đạt ít nhất 03 giáo viên vào năm 2035.

Chương trình được triển khai trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên toàn quốc, tập trung ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và cộng đồng dân cư cấp xã (nơi đầu tư bể bơi phục vụ giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh trên địa bàn) cho các đối tượng là học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên (gọi chung là học sinh) cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; Cán bộ quản lý, giáo viên, người làm công tác y tế trường học trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; cha mẹ học sinh và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Truyền thông nâng cao nhận thức; tăng cường cơ sở vật chất

Để thực hiện các mục tiêu trên, Quyết định đưa ra các giải pháp, tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh. Trong đó có xây dựng, chuẩn hóa nội dung, số hóa các tài liệu truyền thông phù hợp với từng đối tượng cán bộ quản lý, giáo viên; cha mẹ học sinh; học sinh theo từng cấp học.

Tổ chức thường xuyên các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhà giáo, cha mẹ học sinh, các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân liên quan và học sinh về phòng, chống đuối nước. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông phù hợp với từng đối tượng và đặc thù vùng miền, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương.

 Đến năm 2030, tối thiểu 75% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn - ảnh 3
ảnh minh họa.

Đối với giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho học sinh phải thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh trong bài giảng các môn học, hoạt động giáo dục liên quan. Xây dựng nội dung, tài liệu giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh phù hợp với từng cấp học và tổ chức thực hiện theo các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống ngoài giờ học trên lớp. Tổ chức cho học sinh tham gia các sân chơi, cuộc thi tìm hiểu về kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước.

Thực hiện rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc tổ chức dạy bơi an toàn trong trường học. Trong đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách liên quan về việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ công tác tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước học sinh trong trường học.

Chú trọng chế độ, chính sách ưu đãi về đất đai, khuyến khích thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư xây dựng bể bơi, thiết bị đảm bảo tổ chức dạy bơi, hỗ trợ đào tạo và tổ chức hoạt động dạy bơi trong nhà trường.

Về đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi và kinh phí chi thường xuyên cho các nhà trường. Nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch, từng bước đầu tư xây dựng, lắp đặt và duy trì hoạt động hiệu quả các bể bơi trong trường học (bao gồm cả bể bơi cố định hoặc bể bơi di động và trang thiết bị, dụng cụ học bơi, cứu đuối, công trình phụ trợ liên quan) để phục vụ dạy bơi an toàn cho học sinh.

Đầu tư theo từng trường, theo cụm trường hoặc đầu tư xây dựng bể bơi tại cộng đồng để phục vụ chung cho việc dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trên địa bàn.

Cùng với đó, các nhiệm vụ, giải pháp về bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và người làm công tác y tế trường học; tăng cường phối hợp liên ngành giữa nhà trường với các tổ chức, cá nhân liên quan; xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá cũng được nêu rõ trong Quyết định này.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội phát động phong trào “Tháng tự học ngoại ngữ”

Hà Nội phát động phong trào “Tháng tự học ngoại ngữ”

(PNTĐ) - Ngày 9/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát động phong trào "Tháng tự học ngoại ngữ". Đây là giải pháp nhằm cụ thể hóa kế hoạch thu hẹp khoảng cách về chất lượng dạy, học ngoại ngữ giữa các trường học khu vực nội thành và ngoại thành của thành phố Hà Nội.