Dạy học môn lịch sử bậc THPT:

Đừng xem nhẹ !

LÊ ĐÌNH HIỂN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc dạy học môn lịch sử bậc trung học phổ thông (THPT) trong chương trình này. Trước nhiều ý kiến đóng góp nên xem lại việc tổ chức dạy học môn Lịch sử, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ cân nhắc các phương án và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Báo Phụ nữ Thủ đô trân trọng giới thiệu bài viết của thầy giáo Lê Đình Hiển, giáo viên dạy môn Lịch sử -  bày tỏ quan điểm cá nhân về vai trò, vị trí và nhận thức của môn Lịch sử trong trường phổ thông.

Chúng ta đã dạy và học Lịch sử thế nào?

Việc môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào nhóm các môn học tự chọn đang gây nên một cuộc tranh luận nhiều chiều trong dư luận xã hội, tựu chung nổi lên hai luồng ý kiến cơ bản. Luồng ý kiến thứ nhất bảo vệ quan điểm, Lịch sử phải là môn học bắt buộc. Luồng ý kiến thứ hai bảo vệ quan điểm, môn Lịch sử cũng giống các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông, có thể được học sinh lựa chọn hoặc không, nên cần đưa vào môn tự chọn.

Tuy vậy, cả hai luồng ý kiến trên đều không phủ nhận hoặc coi thường vai trò của môn Lịch sử, đích đến vẫn là làm sao để học sinh lựa chọn và yêu thích khi học, đem đến kết quả cao nhất.

Rõ ràng, vấn đề của môn Lịch sử hiện nay không nằm ở việc tranh luận chọn hay không chọn, bản chất sâu xa nằm ở vị trí của bộ môn trong nền giáo dục, nhận thức của chúng ta về vai trò của môn Lịch sử như thế nào ở trường phổ thông, và chúng ta đã dạy và học Lịch sử như thế nào.

Nhìn vào thực tế hiện nay là rất lo ngại, ở con số cơ học, trong khoảng 6 năm tiến hành thi trắc nghiệm, số lượng học sinh chọn môn Lịch sử để xét tuyển đại học chỉ chiếm khoảng 10%, luôn “đội sổ” với phổ điểm thấp nhất, mặc dù đề thi thực tế đã có sự “nhượng bộ” để thí sinh gỡ điểm. 

Một cuộc khảo sát nhỏ trong học sinh, sinh viên cho thấy những hiểu biết ngô nghê, ngờ ngệch, thậm chí sai lầm nghiêm trọng về kiến thức lịch sử ở dạng rất cơ bản như Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em, dân tộc Việt Nam nở ra từ cái bọc trăm trứng, thậm chí có nguồn gốc từ Trung Quốc... Từ hiểu biết sai lệch về kiến thức dẫn tới sai lầm nguy hiểm về nhận thức, không ít học sinh đã chia sẻ hình ảnh các nhân vật của lịch sử, phim ảnh nước ngoài với chú thích Việt Nam.

Ở cấp THPT, trong chương trình hiện hành, Lịch sử là môn học bắt buộc, tuy nhiên nhìn vào thực tế dạy học, những học sinh lựa chọn các tổ hợp thi đại học không có môn Lịch sử thường được “tạo điều kiện” để “qua môn”, giáo viên dạy rất hời hợt, thậm chí cắt giảm chương trình và nội dung. Điều này hoàn toàn ngược lại với chọn môn sử để thi, thời lượng và nội dung sẽ được tăng lên và đầu tư nhiều. Rõ ràng đây là một hình thức của tự chọn dưới dạng bắt buộc, như vậy, với bản chất việc học là để thi như hiện nay, việc thực hiện tự chọn đã tồn tại trong thực tế dạy học ở trường phổ thông.

Phương pháp dạy học gần đây đã có sự đổi mới, nhất là trong tình hình dịch bệnh, khi học sinh chuyển qua học trực tuyến, thầy cô đã dạy qua bài giảng điện tử, video lịch sử có sự đầu tư. Tuy nhiên, về cơ bản, cách dạy môn Lịch sử vẫn khô khan, cứng nhắc, nặng về ghi nhớ, số liệu và đánh giá chủ quan, áp đặt, một chiều. Điều đó vô tình giết chết sự sáng tạo, khả năng tìm tòi, hứng thú của học sinh và sự thú vị cuốn hút của bộ môn. Hơn nữa, sách giáo khoa lịch sử hiện tại đang quá nặng nề, ôm đồm về kiến thức, trải rộng về không gian, kéo dài về thời gian, cách viết sách máy móc, một chiều.

Đừng xem nhẹ ! - ảnh 1
Cần đổi mới toàn diện, mang tính cách mạng về dạy và học môn Lịch sử Ảnh: int

Nhiều bài học khi “coi nhẹ” môn Lịch sử

Dạy học lịch sử ở trường phổ thông, nhìn ra một số nước phát triển, sẽ thấy những bài học nhãn tiền.

Ở Mỹ và Canada, việc dạy và học môn Lịch sử đã trải qua nhiều biến đổi thông qua các cuộc cải cách trong lịch sử giáo dục. Thực tế cho thấy, không phải ngay từ đầu người ta có nhận thức thật sự đầy đủ và khách quan đối với vị trí của môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục nói chung. Vụ khủng bố 11/9 là cú sốc lớn đã khiến người Mỹ nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của môn Lịch sử trong nhà trường. Họ coi sự thiếu hụt kiến thức lịch sử như một hiểm họa dân tộc, từ đó, môn lịch sử đã có một vị trí rất quan trọng trong nền giáo dục.

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, tình hình cũng tương tự. Năm 2017, Hàn Quốc đã khẩn cấp đưa môn Lịch sử trở lại thành môn bắt buộc sau 12 năm thực hiện tự chọn, kéo theo hệ lụy xã hội rất lớn khiến dân chúng phẫn nộ. Sau Hàn Quốc thì Nhật Bản tái khởi động chương trình đưa trở lại môn “Lịch sử Nhật Bản” thành bắt buộc vào năm 2019. Bên cạnh đó, giáo dục Lịch sử được chú trọng rất mạnh bằng cách kết hợp với các môn liên quan đến chữ viết, Văn hóa Nhật hay Văn học Nhật.

Lịch sử là một môn khoa học, không chỉ mang giá trị tinh hoa nhân loại, mà còn chất chứa tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân với đất nước, dân tộc mình. Lịch sử của mỗi quốc gia sẽ được định đoạt bởi đặc điểm lịch sử, địa lý, nhân văn và bản lĩnh của dân tộc đó. Lịch sử cũng là kho chứa tích hợp các giá trị, trở thành một trong những điểm tựa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trên con đường phát triển. Không hiểu biết lịch sử, làm sao có thể thắp sáng và duy trì truyền thống yêu nước, làm sao có thể hiểu và biết về vai trò, vị trí, bản lĩnh quốc gia. Làm sao tiến tới con đường văn minh hội nhập để tự tin mà không tự ti, chủ động mà không chủ quan, nắm bắt thời cơ mà thấy rõ nguy cơ.

Hơn nữa, chúng ta phải nhận thức cho đúng rằng, việc trang bị và đánh thức truyền thống dân tộc chỉ là một vai trò nhỏ trong rất nhiều vai trò của môn lịch sử. Tuy nhiên, do đặc thù của bộ môn, Lịch sử đứng ở vị trí trung tâm của công cuộc giáo dục con người nhớ về nguồn cội. 
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, việc dạy và học môn lịch sử hiện nay đang tồn tại không ít bất cập và ẩn chứa nhiều hệ lụy rất đáng lo ngại, do vậy rất cần một cuộc đổi mới toàn diện, mang tính cách mạng.

Thế nhưng, để đổi mới mang lại hiệu quả thực tế thì cần phải có nhận thức đúng. Với một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử, luôn phải đối mặt với họa xâm lăng thì giáo dục Lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Ý kiến bạn đọc

  • ĐỖ HÙNG LUÂN Trả lời
    Việc hock môn Lịch sử chp HS phổ thông nói tiêng cho HS các cấp nói chung là phải bắt buôvj. Có học Livjj sử mới biết nguồn gốc dân tộc sự phát triển và fdaaus tranh hianhf Đpocj lập củ dân tộc VN như thế nào qua đó nâng cao lòng tự tôn, tự hào dân tộc và hướng tới văn minh hiện đại khoa học phát triển con người VN có trí thức thông thái v.v....

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…