Học nghề: Thêm lối vào đời cho học sinh THCS

Chia sẻ

PNTĐ-Việc đào tạo nghề đối với học sinh học nghề sau tốt nghiệp THCS hiện rất được Nhà nước quan tâm thông qua các văn bản chỉ đạo, định hướng về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.

 
Tháng 6 tới, học sinh hoàn thành chương trình THCS ở Hà Nội sẽ bước vào cuộc đua cam go, giành suất học tại các trường THPT công lập năm học 2019-2020. Tuy nhiên, còn một ngã rẽ khác ít cạnh tranh hơn nhưng nhiều ưu việt, sẽ là gợi ý tốt cho các em cân nhắc lựa chọn.
 
Học nghề: Thêm lối vào đời cho học sinh THCS - ảnh 1
Một tiết học nghề tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội

 
Học nghề ngay từ tuổi 14
 
Sinh năm 2002, Nguyễn Đắc Anh Khoa hiện là lớp trưởng lớp Trung cấp Công nghệ ôtô K8, trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội. Khoa cho biết, sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 tại trường THCS Kim Chung, huyện Hoài Đức, thay vì thi lên lớp 10 THPT, Khoa đã chủ động chọn học Trung cấp nghề. Trong quá trình học, Khoa được miễn toàn bộ học phí, chỉ phải đóng một khoản nhỏ chi phí đồng phục, giáo trình học…
 
Ngoài học nghề, Khoa còn được học văn hóa THPT do thầy cô giáo của TT GDTX quận Nam Từ Liêm giảng dạy ngay tại trường nên Khoa không cần phải đi xa. Hè 2019, sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp, Khoa sẽ học tiếp lên CĐ hoặc du học nghề tại một trong các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc theo sự giới thiệu của nhà trường. 
 
Những học sinh như Khoa sau khi tốt nghiệp THCS chọn đi học nghề, thay vì tiếp tục thi vàoTHPT đã không còn hiếm gặp. Ông Lê Danh Quang, Trưởng khoa Công nghệ ô tô trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, năm học vừa qua, khoa đã tuyển được 70 học sinh như vậy. Những năm học trước, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chọn học Trung cấp nghề cũng khá nhiều. Ngoài khoa Cơ khí ô tô, các khoa như Điện-điện tử, Cơ khí… cũng được nhiều học sinh lựa chọn.
 
Theo ông Quang cho biết: Hiện nay, gần như đại đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đều chọn thi vào lớp 10 khiến kỳ thi này trở nên căng thẳng, thậm chí hơn cả thi vào ĐH. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều con đường vào đời mà các em có thể chọn lựa. Học nghề là một trong số đó. Hiện nay, việc tuyển sinh đầu vào của các trường nghề rất mở, mức độ cạnh tranh gần như không có. Ứng viên chỉ cần nộp hồ sơ là được xét tuyển, không cần thi tuyển. Trong quá trình học, các em được nhận nhiều ưu đãi. “Theo tôi, các HS không phù hợp để học tiếp lên bậc THPT, gia cảnh khó khăn, có nhu cầu đi làm sớm… hoàn toàn có thể chọn học nghề ngay sau lớp 9. Việc học nghề có nhiều ưu thế như thời gian đào tạo ngắn, học sinh có thể nhanh chóng đi làm, tạo thu nhập cho bản thân và giúp đỡ gia đình”. 
 
Tương tự, theo nhận định của ông Nguyễn Tiến Dũng, trưởng phòng Đào tạo, Nghiên cứu KH và quan hệ quốc tế trường Cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc TP Hà Nội, tỷ lệ học sinh chọn học nghề sau tốt nghiệp THPT (lớp 9) có xu hướng tăng hàng năm khoảng 15-20%/năm. Hàng năm, trường tuyển sinh từ 400 đến 500 học sinh sau tốt nghiệp THCS (lớp 9) vào học các ngành nghề hiện có của trường như: Cắt gọt kim loại, Hàn, Công nghệ ô tô, Điện tử công nghiệp, Cơ điện tử…
 
Việc đào tạo nghề đối với học sinh học nghề sau tốt nghiệp THCS hiện rất được Nhà nước quan tâm thông qua các văn bản chỉ đạo, định hướng về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Đặc biệt đối tượng này khi theo học nghề sẽ được miễn học phí (được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp), nhận hỗ trợ học bổng khuyến khích học tập, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt… Học sinh sau tốt nghiệp được nhận bằng trung cấp nghề và có tay nghề ổn vững vàng khi 18 tuổi do chương trình đào tạo chú trọng tính thực hành.
 
Học sinh tốt nghiệp THCS được lên thẳng Cao đẳng?
 
Không chỉ vậy, mới đây, Bộ LĐ-TB&XH còn tiếp tục đề xuất mở rộng đối tượng tuyển sinh đối với trình độ CĐ. Nếu như trước đây, hệ CĐ chỉ tuyển học sinh đã tốt nghiệp THPT và tương đương trở lên, thì với đề xuất mới này, đối tượng đã được mở rộng cho cả học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng sẽ được học liên thông lên trình độ CĐ. Trong quá trình học, học sinh được học đồng thời các môn văn hóa THPT và nội dung đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp theo hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
 
Ông Quang cho rằng, đề xuất cho phép học sinh tốt nghiệp THCS được học cao đẳng sẽ giúp tiết kiệm cả về thời gian và tiền bạc cho người học. Theo quy định cũ, học sinh học hết lớp 9 tiếp tục học Trung cấp song song với học văn hoá. Sau khi học hết Trung cấp (thời gian đào tạo 2 năm) học viên phải mất thêm 1 năm nữa chỉ để hoàn thành văn hóa mới được học liên thông lên cao đẳng. Nay, với đề xuất mới, do có sự thống nhất trong chương trình đào tạo, các em có thể học tiếp lên CĐ ngay sau khi kết thúc trung cấp nghề mà không bị ngắt quãng 1 năm để đợi học xong văn hóa THPT.
 
Đại diện các trường nghề cũng đồng tình, nếu theo cách đi thông thường, sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh học tiếp THPT trong thời gian 3 năm và học ĐH trong 4 năm. Như vậy các em mất 7 năm mới có bằng cử nhân. Toàn bộ quá trình học các em đều phải đóng học phí. Tuy nhiên, nếu  học sinh tốt nghiệp THCS chọn học liên thông chỉ sau 3 năm là có bằng CĐ và hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông. Nếu liên thông ĐH, thí sinh mất thêm 1-2 năm nữa. Như vậy, thời gian để có bằng ĐH của các em rút ngắn chỉ còn 4-5 năm. Ngoài ra, trong thời gian học này, các em đã được Nhà nước bao cấp học phí của 3 năm học nghề và chỉ phải đóng học phí của 1-2 năm liên thông ĐH.
 
Như vậy, với mô hình mới này, HS bước vào tuổi 18, 19 đã có thể gia nhập thị trường lao động, có việc làm ổn định với mức lương trung bình khoảng 7-8 triệu đồng. Đối với HS không có nhu cầu học lên ĐH thì sau khi có bằng CĐ, các em có thể đi làm ngay trong khi các bạn đồng trang lứa mới bắt đầu vào học ĐH. 
 
Ông Dũng cho rằng, phân luồng HS sau THCS là hướng đi đúng. “Trong tương lai ngoài những chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng và Chính phủ thì để thu hút được nhiều học sinh tốt nghiệp THCS học nghề thì các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt, cụ thể hóa bằng các văn bản về công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp từ rất sớm; Làm tốt công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh về tư tưởng bằng cấp; Phân định rõ hướng của người học theo hàn lâm, nghiên cứu hay tay nghề…”.
 
 
Bổ sung gần 80 ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp, CĐ
 
Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư 06 bổ sung gần 80 ngành, nghề đào tạo vào Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp và CĐ. Theo đó, trình độ CĐ có các ngành như: Sư phạm kỹ thuật xây dựng, Nghệ thuật biểu diễn dân ca, tạp kỹ, Tiếng Anh thương mại, Tiếng Anh du lịch, Tiếng Anh lễ tân nhà hàng - khách sạn, Văn thư - lưu trữ… Bậc trung cấp có các ngành như: Quản lý siêu thị, Trợ lý tổ chức đấu giá tài sản, Công nghệ gia công bao bì, Nông nghiệp công nghệ cao…
 
Nhìn chung, đây đều là những ngành nghề hot, hy vọng sẽ tạo ra sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều bạn trẻ học Trung cấp, CĐ Nghề.
 
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Trò chuyện cùng cô giáo 9X được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân

Trò chuyện cùng cô giáo 9X được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân

(PNTĐ) - 30 năm cống hiến hết mình, tích cực sáng tạo trong vai trò giảng dạy, cần mẫn như “người đi gieo hạt”, cô giáo Đỗ Thị Hồi (SN 1992, quê Sóc Trăng) vừa được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Ở độ tuổi 33, việc là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được phong danh hiệu này là điều rất vinh dự, tự hào.
Tuyền truyền kiến thức ATGT tại trường THCS Nguyễn Huy Tưởng

Tuyền truyền kiến thức ATGT tại trường THCS Nguyễn Huy Tưởng

(PNTĐ) - Tại trường THCS Nguyễn Huy Tưởng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), Đội CSGT Đường bộ số 15 đã phối hợp với nhà trường tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT). Gần 1.500 học sinh, giáo viên và phụ huynh đã tham dự, hưởng ứng tích cực.