Hơn 1.000 học sinh tham gia đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành khoa học và xã hội
(PNTĐ) - Ngày 9/3, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với trường Đại học Thành đô và các đơn vị tổ chức chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành khoa học và xã hội” tại Trường THPT Thường Tín, xã Văn Phú, huyện Thường Tín, với sự tham gia của hơn 1.000 học sinh Hà Nội.
Hiểu rõ hơn về các ngành nghề trong khối Khoa học và Xã hội
Chương trình có sự tham gia của đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đại diện các trường đại học, doanh nghiệp, doanh nhân.
Phát biểu khai mạc chương trình, Nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô cho biết, trong không khí sôi nổi của Tháng Thanh niên, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với trường Đại học Thành đô và các đơn vị đồng hành tổ chức chương trình ý nghĩa: "Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Khoa học và Xã hội".
Chương trình này là hoạt động thiết thực, đồng hành cùng các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh cấp 3 trên hành trình lập thân, lập nghiệp; giúp học sinh hiểu rõ hơn về các ngành nghề trong khối Khoa học và Xã hội, từ đó có định hướng nghề nghiệp phù hợp; góp phần giải quyết tình trạng mất cân bằng trong lựa chọn ngành nghề hiện nay, hướng đến sự phát triển cân bằng của các lĩnh vực trong xã hội.
Theo ông Ngô Vương Tuấn, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh thi đại học vào các ngành Kinh tế cao hơn nhiều so với Khoa học và Xã hội. Trong khi đó, trên thực tế, nhu cầu nhân lực cho khối Khoa học và Xã hội đang rất cao, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Kể từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi, đòi hỏi học sinh cần định hướng nghề nghiệp sớm và chuẩn xác. Chương trình được tổ chức nhằm cung cấp thông tin mới nhất về quy định, mốc thời gian tuyển sinh năm 2024.
Quy trình, phương thức, hình thức xét tuyển năm 2024
Tại chương trình này, các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, nhà giáo dục chia sẻ về xu hướng tuyển sinh, cơ hội việc làm của các ngành Khoa học và Xã hội. Đại diện doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm, truyền động lực cho học sinh.
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ về những lưu ý xét tuyển sớm đại học năm 2024 đối với các học sinh tham dự chương trình.
Quy trình, phương thức, hình thức xét tuyển đại học năm 2024 cơ bản giữ ổn định như năm 2023 theo quy chế hiện hành. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau.
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường xây dựng quy chế tuyển sinh và đề án tuyển sinh cụ thể, công bố các phương thức tuyển sinh, các thời hạn và quy trình cần thiết trong quá trình tuyển sinh… trên trang thông tin điện tử của mình.
Có trường tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp THPT, có trường xét tuyển học bạ, có trường tổ chức kỳ thi riêng hoặc theo điểm thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội…
Do vậy, một lưu ý cho thí sinh là cần nghiên cứu kỹ quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh ở những trường mình đang tìm hiểu để nắm rõ các quy định.
Một lưu ý khác là về xét tuyển sớm. Thí sinh cần lưu ý dù được công bố đủ điều kiện trúng tuyển sớm thì thí sinh vẫn chưa thực sự trúng tuyển.
Thí sinh cần phải đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển sớm này lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT trong thời gian đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ sót bước này, kết quả trúng tuyển sớm của các thí sinh sẽ không có hiệu lực.
Ngoài ra, các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển cần được sắp xếp theo thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng đầu tiên là nguyện vọng có ưu tiên cao nhất.
TS Phạm Như Nghệ lưu ý bên cạnh việc chọn trường, chọn ngành theo sở thích, thí sinh cần theo dõi điểm chuẩn của từng ngành, từng trường những năm trước để có sự lựa chọn phù hợp.
Đặt mục tiêu “đầu ra” cho sinh viên
Trả lời câu hỏi của các bạn học sinh về những thay đổi về phương thức tuyển sinh của trường Đại học Thành đô trong năm 2024, TS Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô cho biết: Trong năm nay, ngoài 3 phương thức tuyển sinh như năm 2023 là: Xét tuyển theo kết quả học tập THPT; xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường Đại học Thành Đô có thêm hình thức xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Một số nhóm ngành đặc thù yêu cầu kết quả học tập lớp 12 đạt loại giỏi như ngành Dược học phải đảm bảo các điều kiện: Học lực năm lớp 12 loại Giỏi; tổng điểm trung bình 3 môn xét tuyển của 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) hoặc năm lớp 12 + điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 24 điểm trở lên.
Trả lời câu hỏi của các em học sinh băn khoăn liệu lựa chọn ngành học hiện tại có phù hợp với bản thân hoặc sau 4 năm ra trường có thể tự tin làm công việc liên quan đến ngành học, TS Nguyễn Thuý Vân cho biết “Đây cũng là sự quan tâm của tất cả các thí sinh và các phụ huynh khi đăng ký vào các trường. Do đó, nhà trường cũng đặt mục tiêu “đầu ra” cho sinh viên làm trọng tâm hàng đầu.
Ngay từ khi nhập học, trong học kỳ đầu tiên, các bạn sinh viên được làm quen với kiến thức ngành nghề trong doanh nghiệp để có kiến thức cơ bản nhất về ngành nghề. Đến năm thứ 3, nhà trường tổ chức học kỳ thực tập doanh nghiệp, sinh viên được tham gia thực tập và hưởng lương. Các em có thể thực tập tại nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây đều là những doanh nghiệp đã có hợp tác lâu dài với Đại học Thành Đô.
Do đó, Đại học Thành Đô luôn nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ sinh viên, hình thành mạng lưới doanh nghiệp đối tác; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Chọn nghề theo sở thích, sở trường và đầu ra phù hợp
TS Phạm Văn Tư, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội hài hước ví: “Chọn nghề như chọn người yêu/ chọn nhầm một cái đi tiêu cả đời”. Do đó phải tuân thủ các quy tắc khi chọn nghề. Đó là: Hiểu mình tức là chọn nghề theo sở thích, sở trường và đầu ra phù hợp. Hiểu nghề là tìm hiểu về đặc điểm của nghề, lực học và kinh tế của gia đình mình có theo học được không?
TS Phạm Văn Tư cho biết, trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 5 phương thức xét tuyển: Xét tuyển kì thi, xét tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét tuyển học bạ THPT; sử dụng kết quả thi năng khiếu với một số ngành giáo dục thể chất, âm nhạc; Bài thi đánh giá năng lực.
Trường có 2 nhóm ngành Sư phạm và nhóm ngành ngoài Sư phạm. Đặc biệt có 2 ngành mới: Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử địa lý. Trường có tổng chỉ tiêu khoảng 5.000 cho các thí sinh yêu thích ngành Sư phạm.
TS Phạm Văn Tư lưu ý, đặc biệt chú ý rèn luyện bản thân về hạnh kiểm. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ tuyển các học sinh có hạnh kiểm Khá trở lên.
Ngành báo chí là một trong những ngành có nhiều cơ hội việc làm
Chia sẻ nhận định về cơ hội việc làm của ngành báo chí - một trong những ngành hot trong khối ngành Khoa học và Xã hội đang được rất nhiều học sinh quan tâm, nhà báo Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô cho rằng, ngành báo chí là một trong những ngành có nhiều cơ hội việc làm.
Sau khi ra trường, các bạn sinh viên tốt nghiệp có thể làm tại các cơ quan báo chí của Nhà nước: Báo in, điện tử, phát thanh - truyền hình, media; hay làm MC, truyền thông…
Nước ta hiện có khoảng hơn 700 cơ quan báo chí và hơn 1.000 ấn phẩm khách nhau. Các phóng viên, nhà báo có thu nhập cũng ở mức khá. Ngoài lương, thưởng, các bạn có cơ hội thu nhập từ các nguồn làm kinh tế báo chí, quảng các, truyền thông, theo năng lực của từng người.
Cơ hội nghề nghiệp của ngành báo chí còn được mở rộng tại các cơ quan quản lý báo chí, xuất bản, tuyên giáo; hay làm truyền thông, công tác chính trị trong lực lượng công an, quân đội; tham gia vào bộ phận quan hệ công chúng, truyền thông của các tổ chức phi Chính phủ, đại sứ quán, các tập đoàn, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học. Thậm chí, các bạn có thể làm các nhà báo tự do, phát triển các kênh Tiktok, mạng xã hội…