Không để học sinh nào bị gián đoạn học tập do dịch

Chia sẻ

Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngày 5/9, lễ khai giảng năm học mới sẽ được tiến hành theo hình thức trực tuyến và học sinh các cấp sẽ học online khi năm học mới bắt đầu. Đến thời điểm này, nhiều trường đã chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để đảm bảo dạy trực tuyến thông suốt, không để học sinh nào bị gián đoạn học tập do dịch.

Học sinh lớp 1 trường tiểu học Liên Hiệp, Phúc Thọ được các cô giáo cho làm quen với con chữ theo hình thức trực tuyến với sự hỗ trợ của cha mẹHọc sinh lớp 1 trường tiểu học Liên Hiệp, Phúc Thọ được các cô giáo cho làm quen với con chữ theo hình thức trực tuyến với sự hỗ trợ của cha mẹ (Ảnh: Phòng GD-ĐT Phúc Thọ)
Vùng khó sẵn sàng dạy trực tuyến

Theo Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức Lê Văn Thăng, thống kê về cơ bản, học sinh Mỹ Đức tại 21 xã đã có đủ thiết bị học trực tuyến, trừ địa bàn khó khăn nhất là xã An Phú còn khoảng 100 học sinh tiểu học và khoảng 40-50 học sinh THCS hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa có thiết bị kết nối internet. Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà trường phát động phong trào ủng hộ trong phụ huynh học sinh, đồng thời có kế hoạch huy động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thiết bị cho các học sinh này. Nhiều tình huống phát sinh trong quá trình dạy trực tuyến cũng đã được các nhà trường dự kiến giải pháp tháo gỡ. Chẳng hạn sắp xếp giờ học thế nào để một gia đình có nhiều con nhưng chỉ có 1 thiết bị thông minh vẫn có thể tham gia học trực tuyến. Riêng với học sinh lớp 1, các trường tiểu học sẽ bố trí 1 tuần đầu để các em làm quen nền nếp, trường lớp… rồi mới bắt đầu vào chương trình học.

Tại huyện Phúc Thọ, 46 trường học thuộc 3 cấp với 29.000 học sinh cũng đã sẵn sàng tinh thần học trực tuyến. Với các trường hợp không đủ thiết bị học, các nhà trường đang tìm giải pháp hỗ trợ thiết bị cho các em. Các nhà trường được tự chủ trong việc phối hợp với cha mẹ học sinh, thống nhất thời điểm học vào sáng, chiều hoặc tối phù hợp với học sinh, điều kiện thực tế của các gia đình… Khác với học trực tiếp, học trực tuyến sẽ không có quy định cứng phải học vào thời gian nào và thời gian học giữa các lớp trong một trường, giữa các trường trong một huyện có thể khác nhau miễn là đảm bảo kế hoạch, chương trình giảng dạy. Đến nay, nhiều trường tiểu học đã bắt đầu kết nối, cho học sinh lớp 1 làm quen với nền nếp học tập, con chữ theo hình thức trực tuyến với sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh.

Tại quận Long Biên, theo cô giáo Nguyễn Thị Liễu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Kết, phường Thạch Bàn, qua khảo sát cho thấy, có khoảng 90% các gia đình đã có đủ điều kiện để học trực tuyến. Trong đó, học sinh các khối 2, 3, 4, 5 của nhà trường đã quen và thành thạo với việc học trực tuyến từ năm học trước. Riêng với 280 học sinh lớp 1 mới, trường đã tổ chức cho các em gặp mặt, làm quen với trường, lớp thông qua hình thức trực tuyến. Phương án của trường là dự kiến chia học sinh lớp 1 thành 3 nhóm. Nhóm có bố mẹ học cùng và thiết bị dạy học có thể bắt đầu chương trình trước. Nhóm có thiết bị dạy học, nhưng không có người lớn học cùng, giáo viên sẽ gửi bài tập, video hướng dẫn cha mẹ tương tác với con. Nhóm thứ 3 không có thiết bị học, trường sẽ tìm nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thiết bị đồng thời gửi tài liệu hướng dẫn cha mẹ học sinh đồng hành cùng con. Về nội dung chương trình, những nội dung cần ít tương tác sẽ được bố trí dạy trực tuyến trước. Phần kiến thức cần tương tác sẽ được dạy bổ sung khi học sinh quay trở lại trường.

Tại quận Hà Đông, theo cô giáo Bùi Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dương Nội B, dự kiến đầu tháng 9, trường sẽ tổ chức họp cha mẹ học sinh để thông báo kế hoạch năm học 2021-2022. Trong bối cảnh dịch bệnh học sinh chưa thể trở lại trường, cả giáo viên, cha mẹ học sinh nhà trường đều đã xác định học trực tuyến là biện pháp tối ưu nhất và có thể diễn ra lâu dài. Với khối lớp 1, giờ học trực tuyến dự kiến sẽ được bố trí vào buổi tối, thời điểm cha mẹ ở nhà để có thể học cùng con.

Đảm bảo cung ứng đủ sách giáo khoa cho học sinh

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch, một số học sinh Hà Nội đến các địa phương khác cư trú nhưng không kịp trở lại trường vào năm học mới cũng như sẽ có nhiều học sinh ở các tỉnh/thành lên Hà Nội. Nhằm bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh, thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường học ở Hà Nội đều sẵn sàng tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19.

Cô giáo Bùi Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dương Nội B, Hà Đông cho biết, vừa qua, trường đã tiếp nhận hai học sinh ngoại tỉnh nhập học, bố trí, xếp lớp cho học sinh học trực tuyến cùng các học sinh của trường. Cùng với đó, một số cha mẹ học sinh cũng đã báo cáo với ban giám hiệu con em mình đang về quê tránh dịch không kịp trở lại trường. Với các trường hợp này, trường sẽ tạo điều kiện tối đa về mặt thủ tục để các em học ở trường mới thuận tiện, nhanh chóng cũng như sẽ tiếp nhận lại các em quay trở lại trường học tập sau thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Về vấn đề SGK, theo ông Vũ Xuân Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội, đơn vị sẽ phối hợp giao SGK tới các cơ sở giáo dục trong thời gian giãn cách xã hội để học sinh có SGK trước khai giảng năm học mới.

Theo ông Hoàng Mạnh Cường, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT Phúc Thọ, hiện nay, việc tiếp nhận, giao SGK cho các học sinh diễn ra khá thuận lợi. Trong đó, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, SGK sau khi được chuyên chở về địa phương và đưa tới các nhà trường sẽ tiếp tục được bàn giao cho cha mẹ học sinh theo các khung giờ khác nhau. Đối với trường nằm ngoài khu vực dân cư có chốt kiểm dịch, SGK sẽ được bàn giao ngay tại chốt. Nếu trường nằm trong khu vực chốt kiểm dịch, SGK được bàn giao trong khuôn viên của trường. Việc giao nhận sách sẽ chỉ tiến hành với cha mẹ học sinh, không giao cho học sinh để tránh nguy cơ mất an toàn cho các em.

Bước sang năm học 2021-2022, Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh tới việc triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, khắc phục mọi khó khăn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức dạy, học tốt. Bên cạnh đó là tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, đổi mới quản trị trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp học; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo; phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục thường xuyên.

TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

 Ngày 4/5, Khai mạc Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024

Ngày 4/5, Khai mạc Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024

(PNTĐ) - Ngày hội Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024 có chủ đề “Đẩy mạnh Chuyển đổi Số và giáo dục STEM trong ngành Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) theo định hướng giáo dục thông minh” diễn ra từ ngày 4-5/5/2024, tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông.
Hướng nghiệp sớm: Đúng, nhưng phải trúng!

Hướng nghiệp sớm: Đúng, nhưng phải trúng!

(PNTĐ) - Việc chọn đúng ngành nghề rất quan trọng, vì vậy công tác hướng nghiệp cần được làm từ sớm và có hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, việc hướng nghiệp mới chỉ ở hình thức, chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu mong muốn của học sinh.