Khung pháp lý và những đổi mới trong quản lý tài sản mã hóa

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 24/4, Học viện Tài chính (AOF) phối hợp với trường Kinh doanh - Đại học Hồng Kông (HKU Business School) đồng tổ chức workshop với chủ đề “Regulatory Frameworks and Innovations in Crypto Assets”. Sự kiện quy tụ gần 400 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến, bao gồm đại diện các cơ quan quản lý, nhà làm chính sách, nhà nghiên cứu, học giả, và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính, công nghệ và blockchain.

Workshop là một diễn đàn quan trọng nhằm thảo luận các vấn đề cấp bách liên quan đến khung pháp lý và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài sản số, góp phần định hình tương lai của thị trường tài chính tại Việt Nam từ những bài học của quốc gia trên thế giới và khu vực châu Á.

Khung pháp lý và những đổi mới trong quản lý tài sản mã hóa - ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính cho biết: Tại Việt Nam, thị trường tài sản mã hoá đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Theo các ước tính, dòng tiền đổ vào Việt Nam ở lĩnh vực này đạt khoảng 120 tỷ USD.

Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng và tiềm năng to lớn, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tài sản mã hóa năng động nhất thế giới. Tuy nhiên, cùng với cơ hội là những thách thức lớn về quản lý rủi ro, bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm đưa tài sản mã hóa vào khuôn khổ quản lý nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Tài chính giao, Học viện Tài chính tự hào đã đảm nhận vai trò chủ nhiệm một nhiệm vụ khoa học trọng điểm, tập trung nghiên cứu bản chất, đặc điểm và khung pháp lý cho tài sản mã hóa. Chúng tôi tin rằng, để xây dựng một hệ sinh thái tài chính số an toàn và bền vững, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu học thuật, thực tiễn quản lý và kinh nghiệm quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, tọa đàm không chỉ khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác đa bên trong xây dựng khung pháp lý minh bạch, bền vững cho tài sản mã hóa, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm chung trong việc định hình một tương lai tài chính số an toàn và sáng tạo cho Việt Nam; đồng thời, đặt nền móng cho một mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Học viện Tài chính và Đại học Hồng Kông, góp phần thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo và đổi mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

Khung pháp lý và những đổi mới trong quản lý tài sản mã hóa - ảnh 2
Các đại biểu trình bày tham luận tại sự kiện.

Tại sự kiện, GS. Phan Quang Tuấn, Giám đốc Văn phòng Đại diện Đại học Hồng Kông tại Việt Nam đã chia sẻ về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các thách thức pháp lý và kỹ thuật của tài sản số. GS. Phan Quang Tuấn nhấn mạnh Việt Nam, với tiềm năng phát triển kinh tế số mạnh mẽ, cần tận dụng các bài học kinh nghiệm từ các thị trường phát triển như Hồng Kông để xây dựng một hệ sinh thái tài chính số an toàn và hiệu quả.

Trình bày chủ đề “Regulating Crypto”, GS. Alan Kwan, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Tài chính trong Công nghệ Tài chính (MFFinTech) tại Trường Kinh doanh - Đại học Hồng Kông đã phân tích các mô hình quản lý tài sản số tại các quốc gia phát triển, đồng thời chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn như rửa tiền, gian lận tài chính, và biến động thị trường. GS. Fangzhou Lu, giảng viên Tài chính tại Trường Kinh doanh - Đại học Hồng Kông, cũng chia sẻ về sự chuyển đổi từ Web 2.0 sang Web 3.0, với trọng tâm là các công nghệ blockchain, hợp đồng thông minh, và tài sản số phi tập trung; đề xuất một số giải pháp để các nhà quản lý có thể thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái Web 3.0, đồng thời đảm bảo tính công bằng và minh bạch…

Cũng tại sự kiện, các đại biểu đã thảo luận về cách áp dụng các quy định quốc tế vào thị trường Việt Nam; vai trò của các tổ chức học thuật trong việc hỗ trợ xây dựng chính sách; mang đến góc nhìn từ cơ quan quản lý nhà nước, nhấn mạnh nhu cầu xây dựng các quy định phù hợp với đặc thù thị trường Việt Nam để bảo vệ nhà đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng; kinh nghiệm thực tiễn từ phía doanh nghiệp, nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong việc hợp tác với các cơ quan quản lý để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính sáng tạo…

Phiên thảo luận đã tạo ra một không gian đối thoại cởi mở, nơi các bên liên quan chia sẻ quan điểm về các vấn đề như quản lý rủi ro, thúc đẩy đổi mới, và xây dựng niềm tin của công chúng đối với tài sản số. Các câu hỏi từ đại biểu tham dự đã làm phong phú thêm cuộc thảo luận, bao gồm các chủ đề như bảo vệ dữ liệu cá nhân, thuế tài sản số, và vai trò của trí tuệ nhân tạo trong quản lý thị trường.

Với 62 năm phát triển, Học viện Tài chính là đơn vị tiên phong trực thuộc Bộ Tài chính, dẫn đầu trong đào tạo và nghiên cứu kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh và công nghệ tại Việt Nam. Là cơ sở giáo dục đào tạo hơn 25.000 sinh viên hàng năm, Học viện đã đào tạo hơn 500 tiến sĩ, 10.000 thạc sĩ, 140.000 cử nhân, cùng hơn 500 nhân lực chất lượng cao cho Lào và Campuchia, góp phần định hình chính sách và phát triển kinh tế quốc gia.

Học viện không ngừng nâng cao chất lượng giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, và mở rộng hợp tác quốc tế với các trường đại học, hiệp hội nghề nghiệp toàn cầu, mang đến cơ hội tiếp cận chứng chỉ uy tín và trải nghiệm quốc tế. Các chương trình đào tạo tiên tiến về AI và công nghệ cao, cùng Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp, là bệ phóng cho sinh viên phát triển dự án, kết nối với doanh nghiệp, và định hướng sự nghiệp bền vững.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Căng mình ôn thi “chống trượt“

Căng mình ôn thi “chống trượt“

(PNTĐ) - Số lượng gần 32.000 bài kiểm tra dưới 3 điểm từ kết quả khảo sát chất lượng lớp 12 toàn thành phố Hà Nội vừa qua đã báo động nguy cơ tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp khá cao trong kỳ thi thật tới đây. Việc này, đòi hỏi nhà trường, học sinh phải có giải pháp ôn thi hiệu quả hơn trong giai đoạn nước rút, nhất là trong bối cảnh việc ôn thi từ học thêm bị hạn chế khi thực hiện Thông tư 29.