Kỳ 1: Vì sao học sinh "sợ" học văn?

Chia sẻ

PNTĐ-Báo Phụ nữ Thủ đô nhận được bài viết của chuyên gia giáo dục Lã Minh Luận bàn về thực trạng dạy - học Văn và đề xuất giải pháp để học sinh yêu thích môn Văn.

 
Báo Phụ nữ Thủ đô nhận được bài viết của chuyên gia giáo dục Lã Minh Luận - tác giả của nhiều đề tài, nhiều cuốn sách luyện môn Văn phổ thông và nhiều cuốn sách viết về tâm lí giáo dục được đông đảo các chuyên gia, giáo viên và học sinh đón nhận. Trong bài viết này, tác giả bàn về thực trạng dạy - học Văn và đề xuất giải pháp để học sinh yêu thích môn Văn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
Kỳ 1: Vì sao học sinh
Khá nhiều học sinh phổ thông chưa thích học Văn
 
Môn Ngữ văn là một trong những môn chủ chốt có mặt trong suốt quá trình học và thi của học sinh. Bộ môn được xếp thứ nhất trong 12 môn học phổ thông, chứng tỏ nó là một môn học vô cùng quan trọng, nhưng vì sao trong quá trình học tập, học sinh lại không lấy làm trọng, sợ học, ngại học, thậm chí "li khai", dẫn đến chất lượng trong các kì thi điểm không cao?
 
Bộ GD-ĐT đã có chủ trương đổi mới phương pháp dạy - học từ mấy thập kỉ nay, trong đó môn Văn là một trong những môn được quan tâm hàng đầu về đổi mới. Và cũng đã có quá nhiều sách của các giáo sư đầu ngành viết về phương pháp, đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều giờ dạy mẫu cho từng cụm trường dự để học tập lẫn nhau về phương pháp dạy - học mà sao vẫn không mấy cải thiện?
 
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường tiên phong trong phong trào đổi mới như những trường chuyên ở các tỉnh, thành phố lớn, hay một số trường ngoài công lập có tiếng. Song vẫn còn vô số các trường lúng túng với hai chữ "đổi mới", có khi hiểu và thực hiện một cách quá cực đoan, có khi chẳng hiểu thế nào là mới là cũ. Thế nên, lối dạy và học vẫn cũ kĩ, bảo thủ, trì trệ, lạc hậu... Đây là một thực trạng đáng buồn, tồn tại dai dẳng trong ngành giáo dục, gây mất niềm tin trong xã hội.
 
Thực tế cho thấy, có những người rất thông minh, rất phát triển về lí trí, nhưng viết một báo cáo hay hoặc thuyết trình một vấn đề nào đó trước đám đông, hay gửi một email cho đối tác, hoặc lập trình một dự án cũng gặp nhiều khó khăn, chứ chưa nói đến nghệ thuật giao tiếp và ứng xử. Một nhà nghiên cứu văn học nước ngoài đã dành tặng cho kiểu người này một khái niệm "mù chữ cấp hai", nghĩa là thoát nạn mù chữ.
 
Thế nghĩa là công dụng của môn Văn đối với cuộc sống là vô cùng lớn. Chức năng của nó không chỉ đem lại nhận thức thế giới, giáo dục tư tưởng, tình cảm, tâm hồn cho con người mà còn mang lại giá trị thẩm mĩ và tính giải trí cao... Vậy sao nhiều người dạy và học lại không xem trọng môn Văn? Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đó?
Trước hết phải nói về phía người học, các em chưa hiểu được giá trị thiết thực của văn và đời để có thái độ học tập nghiêm túc. Đặc biệt, chưa có phương pháp học môn Văn, các em sợ và ngại học bởi tiếp nhận văn học không dễ.
 
Nó là một bộ môn khoa học về lí trí, tâm hồn, tình cảm con người; là "bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống", phong phú, đa dạng, hấp dẫn và không kém phần trừu tượng. Nó đòi hỏi người học Văn phải có tâm hồn, tình cảm, cảm xúc, có tình yêu và khả năng cảm thụ văn chương... mà trong khi đó, nhiều em lại không có. Hơn nữa, bộ môn cũng đòi hỏi các em phải đầu tư khá nhiều thời gian cho nó, trong khi đó các em còn phải học quá nhiều môn cùng một lúc, và quan trọng hơn trong mắt các em, nó không phải là môn "thời thượng".
 
Còn nữa, theo suy nghĩ thực dụng của nhiều người, môn Văn không giúp gì cho việc "kiếm tiền" sau này. Tuy nhiên, còn có một nguyên nhân nữa là chất lượng giờ dạy Văn. Giờ dạy Văn khô khan, nhàm nhạt, khó hiểu, thiếu hấp dẫn, không đáp ứng được kì vọng của những em yêu thích môn Văn.. dẫn đến giết chết ham muốn học Văn mà "khai tử" môn Văn...
 
Đây chính là nguyên nhân cơ bản thứ hai thuộc về người thầy. Thầy dạy Văn tâm huyết và có phương pháp truyền thụ khoa học, hấp dẫn thì vô cùng hiếm. Thầy dạy Văn mà "vô cảm với cuộc đời, với số phận con người thì dạy Văn thế nào được" (Nguyễn Đăng Mạnh). Thầy dạy Văn mà nét mặt vô cảm, phương pháp truyền thụ yếu, hoặc đến lớp chỉ mong dạy cho hết giờ, hoặc bớt lại kiến thức để học sinh phải đến học thêm. Kiểm tra thì ra đề thật dễ để lấy thành tích, ra đề cũng thiếu chuẩn mực thì sao nói có tâm với nghề? Hơn nữa, đứng trước những thách thức của thời đại hội nhập, trước xu hướng đổi mới và đặc biệt là trước cơn lốc của thông tin và công nghệ thông tin hiện đại mà thầy vẫn bế quan tỏa cảng, ôm khư khư cái phương pháp đọc chép, dạy nhồi nhét, rập khuôn máy móc thì làm sao phát huy được khả năng sáng tạo, tính chủ động, độc lập tư duy của học sinh?
 
Trong khi đó, phong cách ngôn ngữ và khả năng truyền thụ của người thầy trong giờ dạy Văn có ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng cảm thụ của học trò. Phong cách ấy, ngôn ngữ ấy có tác dụng lay động tới tận miền sâu thẳm của hồn trí người học. Để lại ấn tượng khó phai trong kí ức các em mãi về sau. Sự ảnh hưởngcó thể còn làm thay đổi cả một cuộc đời con người.
 
Nguyên nhân thứ ba phải kể đến đó là công tác quản lí và chỉ đạo chuyên môn của các Sở, Phòng GD-ĐT cơ sở. Chỉ đạo chuyên môn vẫn nặng về tính hình thức, thành tích; ra đề không có gì đổi mới, sai sót nhiều. Nếu lang thang trên mạng mà tìm đề thi thử 9 vào 10, đề thi thử TN THPT QG của Sở hay của một trung tâm ôn luyện thi trực tuyến nào đó ra, hay đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện ở một số địa phương và ngay chính tại Hà Nội... thì không thiếu những đề sai sót.
 
Có thể lấy một ví dụ gần đây nhất, Đề thi thử môn Ngữ văn TN THPT QG (ngày 20, 21, 22/3/2017) của Sở GD-ĐT Hà Nội cũng có nhiều điểm đáng phải bàn. Ví dụ phần 1 (đọc hiểu), cho một ngữ liệu thơ, câu 1 (hỏi): "Tác phẩm có đoạn trích trên viết theo thể loại nào?" Chắc chắn thí sinh sẽ phải nát óc về từ "thể loại". Vì khái niệm "thể loại" khác với "thể thơ". Người ra đề không phân biệt được hai khái niệm này thành ra thí sinh lúng túng không biết phải trả lời sao cho trúng ý người ra đề.
 
Hoặc câu 3 vẫn trong phần này, câu lệnh phải hỏi "cặp từ trái nghĩa" chứ không là "từ trái nghĩa". Hay phần 2 (câu 1) nghị luận xã hội, vẫn cái cách ra đề chung chung, nhàm chán, chả có gì đặc biệt. Rồi câu cảm thụ văn học (5 điểm) cũng thế, đưa ra một nhận định rất khái quát về phong cách Nguyễn Tuân nhưng lại gò vào việc phân tích, chứng minh qua một ngữ liệu lấy trong tuỳ bút “Người lái đò sông Đà”. Vậy làm sao thí sinh có thể định hướng, làm thoả mãn được ý định của người ra đề? Tất nhiên phải là người sắc sảo, nắm chắc tác phẩm, có tầm khái quát tốt, biết sàng lọc, sắp xếp ý sao cho hợp lí mới có thể viết hay được.
 
Trên đây chỉ là một ví dụ, cần biết ra đề thi có ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và học. Người dạy thì luôn dựa vào hướng ra đề, cấu trúc đề để ôn luyện cho học trò theo cách "gió chiều nào che chiều ấy", rập khuôn máy móc, dạy lệch - học tủ; người học thì không phát huy được tính độc lập sáng tạo của mình, bởi cũng luôn bị gò - ép vào một cái khuôn - mẫu cứng nhắc, nhàm chán theo định hướng của thầy. Thế nên bảo sao không chán học?
 
(Kỳ sau đăng tiếp)

Lã Minh Luận

Tin cùng chuyên mục

Khung pháp lý và những đổi mới trong quản lý tài sản mã hóa

Khung pháp lý và những đổi mới trong quản lý tài sản mã hóa

(PNTĐ) - Ngày 24/4, Học viện Tài chính (AOF) phối hợp với trường Kinh doanh - Đại học Hồng Kông (HKU Business School) đồng tổ chức workshop với chủ đề “Regulatory Frameworks and Innovations in Crypto Assets”. Sự kiện quy tụ gần 400 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến, bao gồm đại diện các cơ quan quản lý, nhà làm chính sách, nhà nghiên cứu, học giả, và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính, công nghệ và blockchain.
Căng mình ôn thi “chống trượt“

Căng mình ôn thi “chống trượt“

(PNTĐ) - Số lượng gần 32.000 bài kiểm tra dưới 3 điểm từ kết quả khảo sát chất lượng lớp 12 toàn thành phố Hà Nội vừa qua đã báo động nguy cơ tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp khá cao trong kỳ thi thật tới đây. Việc này, đòi hỏi nhà trường, học sinh phải có giải pháp ôn thi hiệu quả hơn trong giai đoạn nước rút, nhất là trong bối cảnh việc ôn thi từ học thêm bị hạn chế khi thực hiện Thông tư 29.