Kỳ cuối: Để giáo viên theo kịp chương trình mới

Chia sẻ

Trong chương trình SGK lớp 6 được triển khai từ năm học 2021-2022, lần đầu tiên xuất hiện 2 môn Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên. Đây là điểm mới đòi hỏi giáo viên phải thay đổi cả về phương pháp giảng dạy, bổ sung kiến thức tổng hợp thay vì trước đây, họ chỉ được đào tạo dạy đơn môn.

Từ năm học tới, học sinh lớp 6 sẽ học môn Khoa học tự nhiên tích hợp của 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh họcTừ năm học tới, học sinh lớp 6 sẽ học môn Khoa học tự nhiên tích hợp của 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học

Được đào tạo 1 môn nhưng dạy… liên môn

Với chương trình SGK mới, 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học lớp 6 sẽ không còn giảng dạy độc lập mà được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên. Môn Lịch sử và Địa lý được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành Lịch sử, Địa lý.

Lý giải cho thay đổi này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, dạy tích hợp sẽ góp phần giảm tải, tránh trùng lặp kiến thức, tiết kiệm thời gian dạy -học cho giáo viên, học sinh. Đây cũng là mục tiêu của đổi mới giáo dục, giúp học sinh ứng dụng kiến thức được học vào thực tiễn thay vì học theo kiểu ghi nhớ, thuộc lòng. Khi xây dựng nội dung môn Khoa học tự nhiên, các tác giả đã cắt giảm nội dung trùng lặp giữa các môn học Vật lý, Hoá học, Sinh học.

Qua ghi nhận, phần lớn các trường THCS ở cả nội và ngoại thành Hà Nội cho biết trước khi có chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên đã dạy tích hợp nhưng chỉ ở dạng “sơ khai”. Để dạy tích hợp sâu, nhuần nhuyễn nhiều môn học thành một môn như với môn Khoa học tự nhiên thì tại các trường, gần như chưa có giáo viên đảm nhiệm.

Theo cô Lê Thúy Trang, Hiệu trưởng trường THCS Đông Thái, quận Tây Hồ, hiện nay, giáo viên mới chỉ được đào tạo dạy đơn môn. Với giáo viên Vật lý, để dạy giỏi môn Vật lý đã khó chưa nói đến việc dạy tốt cả môn Sinh học và Hóa học. Tương tự, giáo viên Hóa học có thể biết về Sinh học, nhưng không thể chuyên sâu như giáo viên được đào tạo dạy Sinh học.

Năm 2018, Viện Nghiên cứu giáo dục, trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tiến hành nghiên cứu về tình hình giáo viên phổ thông có khả năng dạy tích hợp cho thấy, tỷ lệ dưới 30% giáo viên các môn Khoa học tự nhiên có khả năng dạy 2 môn Vật lý-Hóa học hoặc Hóa học-Sinh học, rất ít GV có thể dạy đồng thời 3 môn hoặc 2 môn Vật lý-Sinh học; chỉ 16% giáo viên Lịch sử, Địa lý có khả năng dạy được cả 2 môn.

Sẽ “đổi mới” từng bước

Trước những lúng túng mà các trường đang gặp phải, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định trong giai đoạn trước mắt, Bộ GD-ĐT chưa yêu cầu giáo viên phải cùng lúc dạy tích hợp cả 3 môn. Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang theo hướng tích hợp cao ở các lớp, cấp học thấp và phân hóa dần ở các lớp, cấp học cao.

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018 cho biết, hiện nay, yêu cầu tích hợp mới chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải để phù hợp với giáo viên phổ thông. Giáo viên các môn độc lập hiện nay sẽ vẫn dạy các phần độc lập còn chủ đề chung sẽ do nhóm/tổ giáo viên cùng thiết kế.

Qua nghiên cứu, thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ nhận thấy, việc tích hợp hiện nay mới dừng ở mức độ “cơ học”, nghĩa là trong môn Khoa học tự nhiên, các phần kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học vẫn có ranh giới, phân chia khá rõ ràng, độc lập. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, để dạy được môn tích hợp theo chương trình mới, các nhà trường căn cứ trên cơ sở nội dung bài học để phân định đó là kiến thức của môn học nào, sau đó phân công giáo viên giảng dạy nội dung đó phù hợp.

Tại trường THCS Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, để chuẩn bị dạy tích hợp cho học sinh lớp 6 bắt đầu từ năm học 2021-2022, trường đã tiến hành rà soát lại đội ngũ, phân công giáo viên tìm hiểu về chương trình nhằm làm rõ mạch kiến thức, liên hệ các môn học với nhau từ đó xác định nội dung dạy học từng môn. Theo cô Hồ Thuận Yến, Hiệu trưởng, trường sẽ đào tạo, bổ sung kiến thức ở các bộ môn mà giáo viên không được đào tạo, tạo điều kiện sinh hoạt chuyên môn liên môn để hỗ trợ giáo viên.

Cô Lê Thị Hồng Phượng, Hiệu trưởng trường THCS Mỗ Lao, quận Hà Đông cho biết, trong năm học tới, khi tiến hành dạy tích hợp, các nhà trường sẽ phải thay đổi, linh hoạt hơn trong việc xếp thời khóa biểu vì một giáo viên không thể cùng dạy một chủ đề cho tất cả các lớp khối 6. Trường đang hình dung, học sinh sẽ được học giống như học tín chỉ ở bậc đại học. Nghĩa là, trong cùng một học kỳ, lớp 6 này học nội dung môn Vật lý trước, lớp 6 kia học chủ đề về Sinh học, lớp 6 khác học chủ đề Hóa học rồi lại hoán đổi giáo viên. Ngoài ra, trường cũng đang chờ được hướng dẫn về việc đánh giá môn Khoa học tự nhiên thế nào vì sẽ có 3 thầy cô, giảng dạy 3 phần độc lập nhưng lại chỉ có 1 đầu điểm chung cho môn Khoa học tự nhiên.

“Hiện nay, còn nhiều điểm mới mà khi thực sự triển khai đổi mới mới phát sinh nhưng quan điểm của trường là khó ở đâu sẽ gỡ ở đó” - cô Phượng cho biết.

Trước những khó khăn trong triển khai chương trình mới... Bộ GD-ĐT cho biết, từ năm 2018, các trường đại học Sư phạm trên toàn quốc đã bắt đầu đào tạo giáo viên dạy môn Lịch sử-Địa lý và môn Khoa học tự nhiên. Bên cạnh đó, giáo viên có thể đăng ký học thêm một số tín chỉ để bổ sung kiến thức của một số môn khác để chuẩn bị dạy tích hợp.

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.