Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Làm việc về việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và giáo dục STEM tại huyện Thanh Trì

T. HỒNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 30/3, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Thanh Trì về việc triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và công tác giáo dục STEM trên địa bàn huyện.

Tham gia Đoàn có đồng chí Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ GD&ĐT; đồng chí Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội; lãnh đạo, chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội.

Làm việc về việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và giáo dục STEM tại huyện Thanh Trì - ảnh 1
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và các đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội dự giờ học tại Trường Tiểu học A Thị trấn Văn Điển

Lãnh đạo huyện Thanh Trì tiếp đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Hưng – UVBTV, Phó chủ tịch UBND huyện; Lãnh đạo, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện, Hiệu trưởng 25 trường Tiểu học trên địa bàn huyện.

Trong chương trình làm việc, Đoàn đã dự giờ học môn Khoa học bài Vật dẫn nhiệt – Vật cách nhiệt có áp dụng phương thức giáo dục STEM: Làm vật dụng giữ nhiệt thông minh tại lớp 4C để khảo sát tình hình triển khai dạy học phát triển phẩm chất, năng lực nói chung và dạy học STEM nói riêng của trường Trường Tiểu học A thị trấn Văn Điển. Lớp học được chia làm 6 nhóm, các em học sinh đã thuyết minh phác thảo ý tưởng, sử dụng các vật liệu như gỗ, nhựa làm vật cách nhiệt; trấu, xốp, giấy làm vật giữ nhiệt để tạo nên các sản phẩm hữu ích hằng ngày như bình nước, cặp lồng… và trả lời các câu hỏi của giáo viên sôi nổi, hào hứng, thuyết phục. Giờ học đã hiện thực hóa việc học đi đôi với thực hành, kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn trong hoạt động dạy học ở nhà trường. Sau giờ học, các đại biểu tham dự đánh giá nhà trường đã bước đầu hiểu và triển khai dạy học STEM theo đúng tinh thần Chương trình GDPT 2018, đã hiện thực hóa việc học đi đôi với thực hành, kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn. Đồng thời, ghi nhận đánh giá cao giờ học STEM lớp 4C của trường Tiểu học A thị trấn Văn Điển góp phần lan tỏa và sẻ chia.

Làm việc về việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và giáo dục STEM tại huyện Thanh Trì - ảnh 2
Tiết học môn Khoa học bài Vật dẫn nhiệt – Vật cách nhiệt lớp 4C Trường Tiểu học A Thị trấn Văn Điển

Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ GD&ĐT, đồng chí Phạm Văn Ngát – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết, để thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018 và đáp ứng nhu cầu tăng nhanh về mạng lưới trường lớp, dưới hướng dẫn của Sở GD & ĐT, Huyện ủy – UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT chủ động xây dựng và triển khai kịp thời việc thực hiện các đề án, kế hoạch, chương trình công tác của ngành, trong đó chú trọng công tác chuẩn bị cơ sở vật chất (trường, lớp học, thiết bị dạy học) triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với tổng kinh phí mua sắm thiết bị trên 63 tỷ đồng. Tham mưu UBND huyện triển khai Kế hoạch số 456/KH-UBND ngày 30/12/2021 thực hiện Đề án “Tăng cường cơ sở vật chất phát triển ngành giáo dục và đào tạo huyện Thanh Trì giai đoạn 2021-2026 " nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa trường, lớp học, phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập, xây dựng, duy trì trường học Đạt chuẩn Quốc gia, trường liên kết giáo dục Quốc tế thực hiện giảng dạy Chương trình song ngữ và trường thực hiện lộ trình cơ chế tự chủ về tài chính. Đến nay, toàn huyện có 64/73 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 87.67%, trong đó có 17 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Dự kiến đến hết năm 2025, thực hiện đề án phát triển giáo dục giai đoạn 2021 -2026, huyện sẽ đầu tư và xây dựng 9 trường đạt CQG nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 100%.

Các phòng học tiếng Anh đều có máy tính, màn chiếu, tivi, loa đài (kết nối internet); phòng học Tin học có máy tính kết nối mạng đảm bảo. Huyện xây dựng triển khai kế hoạch chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, đảm bảo đủ số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo quy định. 41 cán bộ quản lý và 41 giáo viên cốt cán đã hoàn thành lớp bồi dưỡng các Module của Chương trình GDPT 2018; 91 cán bộ quản lý và 1.678 giáo viên hoàn thành bồi dưỡng đại trà; 1.772 cán bộ, giáo viên được cung cấp tài khoản qua Hệ thống tài khoản LMS để tham gia bồi dưỡng Chương trình GDPT 2018; 163 giáo viên được bồi dưỡng và hoàn thành chứng chỉ giảng dạy những môn tích hợp.

Công tác lựa chọn, cung ứng, phát hành sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo đúng quy trình, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Phòng GD&ĐT đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức tập huấn việc khai thác và sử dụng sách giáo khoa cho 100% giáo viên giảng dạy. Phối hợp với Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội đa dạng hóa các phương thức phát hành với gần 1.517.500 bản đảm bảo cung ứng sách giáo khoa đủ theo nhu cầu đăng ký của học sinh và CMHS các nhà trường trước ngày khai giảng, không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa trên địa bàn huyện.

Qua triển khai thực hiện giáo dục STEM từ năm học 2020-2021 đến nay tại các trường học trên địa bàn huyện cho thấy: các trường chủ động xây dựng danh mục chủ đề/bài học STEM theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh trong các môn học.

Đối với các trường THCS đều thực hiện tổ chức dạy học các môn học thuộc lĩnh vực giáo dục STEM (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ) theo tinh thần dạy học liên môn, các đơn vị đã triển khai đến giáo viên trong các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn, hướng dẫn và tổ chức cho giáo viên xây dựng các chủ đề phù hợp đối với các bộ môn của tổ. Sau khi thực hiện các chủ đề có rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp khắc phục, bổ sung trong thời gian tới. Kết quả trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay toàn cấp THCS đã xây dựng và thực hiện được 532 bài học, tổ chức được 105 hoạt động STEM.

Đối với các trường Tiểu học: 100% các nhà trường thực hiện việc tổ chức dạy lồng ghép các stem trong các môn học chủ yếu ở các môn TNXH, Khoa học, Toán, Kĩ thuật, Công nghệ … Tổ chức 02 chuyên đề ở các môn Khoa học và Kĩ thuật lớp 4,5 có dạy lồng ghép Stem.

Toàn huyện có 432 dự án Khoa học kỹ thuật học sinh đã thực hiện tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh các trường THCS huyện Thanh Trì cấp trường và cấp huyện. Cấp tiểu học có 125 sản phẩm tham gia dự thi cấp Thành phố về sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng. Tham gia Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp Thành phố đạt nhiều giải cao.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn Bộ GD&ĐT yêu cầu huyện Thanh Trì làm rõ một số nội dung liên quan đến khó khăn, vướng mắc về vấn đề huy động nguồn kinh phí cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho chương trình giáo dục phổ thông 2018; hiệu quả của Mô hình giáo dục STEM tại các trường học.…

Là cơ sở giáo dục có những chuyển biến rõ nét trong quá trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và ứng dụng STEM vào giảng dạy cô giáo Đào Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đỗ Ngọc Du – xã Tả Thanh Oai cho biết, nhà trường luôn được sự quan tâm thường xuyên của Sở GD&ĐT, Phòng GDĐT, tập huấn cho đội ngũ giáo viên sử dụng sách giáo khoa mới; tổ chức nghiên cứu các văn bản về thay đổi nội dung nhằm giúp cho giáo viên cập nhật sự thay đổi về cả nội dung cũng như phương pháp dạy học mới. Đặc biệt các khối lớp của nhà trường áp dụng STEM vào trong các tiết dạy. Học sinh chủ động tiếp thu kiến thức, tích cực thực hiện hoạt động giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng mục tiêu của chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, kinh phí giáo dục được ưu tiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục được đầu tư đồng bộ.

Đồng chí Nguyễn Văn Hưng – UVBTV, Phó chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện cũng đã làm rõ một số ý kiến của các thành viên trong Đoàn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị huyện Thanh Trì tiếp tục thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng cường hơn nữa nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phải xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt, chủ động phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của địa phương, từng cơ sở giáo dục để đạt được mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng chương trình.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, giáo dục STEM có nhiều lợi ích tích cực. Một trong những điểm mạnh của hoạt động này là giáo dục theo hướng tích hợp liên môn thay dạy đa môn rời rạc. “Đây là cách tiếp cận mới, rất thiết thực, cần thiết giúp học sinh tìm tòi khám phá tri thức, từ đó hình thành phẩm chất năng lực.

Chương trình GDPT mới có mục đích cốt lõi cũng là hình thành phẩm chất năng lực thông qua việc học sinh đổi mới cách học, cách nghĩ. “Do đó, giáo dục STEM cần được tiếp tục đẩy mạnh trong các nhà trường. Đây thực sự là một phương pháp giáo dục hiện đại”, vì vậy huyện cần tiếp tục quan tâm, tổ chức tốt khâu bồi dưỡng, tập huấn giáo viên. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên để hoạt động giáo dục STEM ngày càng lan tỏa, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Trò chuyện cùng cô giáo 9X được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân

Trò chuyện cùng cô giáo 9X được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân

(PNTĐ) - 30 năm cống hiến hết mình, tích cực sáng tạo trong vai trò giảng dạy, cần mẫn như “người đi gieo hạt”, cô giáo Đỗ Thị Hồi (SN 1992, quê Sóc Trăng) vừa được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Ở độ tuổi 33, việc là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được phong danh hiệu này là điều rất vinh dự, tự hào.
Tuyền truyền kiến thức ATGT tại trường THCS Nguyễn Huy Tưởng

Tuyền truyền kiến thức ATGT tại trường THCS Nguyễn Huy Tưởng

(PNTĐ) - Tại trường THCS Nguyễn Huy Tưởng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), Đội CSGT Đường bộ số 15 đã phối hợp với nhà trường tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT). Gần 1.500 học sinh, giáo viên và phụ huynh đã tham dự, hưởng ứng tích cực.