"Luật trường" đang gây tranh cãi

Chia sẻ

PNTĐ-Đầu năm học mới, chuyên gia Lã Minh Luận -giáo viên môn Ngữ văn THPT, tác giả của nhiều đề tài và cuốn sách viết về tâm lí giáo dục đã chia sẻ quan điểm về vấn đề “luật trường”...

 
Thời gian qua, một số trường học đã ra nhiều quy định lạ đời, gây tranh cãi trong dư luận như: Không nhận học sinh có hình xăm trổ vào trường; không nhận học sinh đồng tính hay có bệnh nguy hiểm, truyền nhiễm vào nội trú; cấm giáo viên yêu sinh viên, cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp; cấm học sinh like mà chưa đọc status (Facebook)... Đầu năm học mới, chuyên gia Lã Minh Luận - giáo viên môn Ngữ văn THPT, tác giả của nhiều đề tài và cuốn sách viết về tâm lí giáo dục đã chia sẻ quan điểm của bà về vấn đề “luật trường” và nghệ thuật giáo dục con người.
 
Chuyên gia Lã Minh Luận
 
Thưa bà, từ góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, bà đánh giá thế nào về những điều cấm kị ở trên đã khiến dư luận xôn xao trong thời gian qua?
 
Qua phản ứng của dư luận, thì một số điều cấm kị trên là chưa hợp lí, thiếu tính khả thi, khắt khe và có điều kì lạ. Tôi xin bổ sung thêm là còn thiếu tính nhân văn và tính giáo dục.
 
Ví dụ như: không nhận học sinh có hình xăm trổ phản cảm vào trường chẳng hạn. Vậy, thế nào là hình xăm phản cảm hay cứ có hình xăm trổ trên cơ thể thì đều cho là phản cảm? Điều này không rõ ràng. Ở Việt Nam, nhiều người còn nhìn vấn đề này ở góc độ tiêu cực. Nhưng trên thế giới, người ta lại nhìn xăm trổ trên cơ thể ở góc độ vẻ đẹp của nghệ thuật. Họ không đánh đồng giữa hình thức và nhân cách. Thu hẹp lại trong trường học Việt Nam, các em đang độ tuổi đến trường không nên xăm trổ "hoành tráng" trên cơ thể của mình. Còn nếu các em đã trót thì nhà trường nên khuyên các em xoá bỏ hơn là chối bỏ các em.
 
Không nhận học sinh đồng tính, có bệnh nguy hiểm... vào học nội trú cũng là điều thiếu tính nhân văn của giáo dục. Trong khi xã hội đang cố gắng xóa đi cái nhìn kì thị, những rào cản giữa người bình thường với người ở giới tính thứ ba thì nhà trường lại duỗi bỏ. Điều đó không phải là kì thị, cách ứng xử thiếu nhân văn, thiếu khoa học hay sao? Những em như vậy, nhà trường càng cần phải tạo điều kiện cho các em có cơ hội được hội nhập với bạn bè, xã hội, giúp các em tự tin và sống tốt mới đúng.
 
 Hoặc cấm giảng viên yêu học viên vì sợ "yêu điểm", "đổi tình lấy điểm"; cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp... Có thể nói đây là những điều cấm khá kì quặc, mặc dù không phải không có cơ sở. Tình yêu là thế giới của con tim, nhưng nó không có bến bờ và giới hạn, không ai có thể tắt nắng, buộc gió và giam cầm được con tim. Mặc dù ai đó có thể dùng lí trí để sai khiến nó, nhưng chỉ một phút yếu mềm thôi cũng đủ thiêu cháy cả sự nghiệp hoặc tạo nên những sự kiện kì lạ khó tin. Có điều, để tránh tình yêu bị nhuốm màu thực dụng thì chính người trong cuộc phải tỉnh táo trước khi con tim bị chìm vào mê muội, mù quáng. Mặt khác, yêu đương là quyền tự do của mỗi người mà cấm bởi những lí do kia thì nghe kì lắm!
 
Theo bà, những lệnh cấm kỳ quặc, thiếu nhân văn có thể gây ra hậu quả gì?          
 
Theo tôi, những điều cấm kị hay nói nhẹ hơn là những quy định riêng của một số trường, như trên đã nói là có những điều chưa hợp lí, thiếu tính giáo dục và tính thuyết phục, có phần vi phạm quyền tự do cá nhân. Điều đó sẽ gây ra tranh cãi và  ít có tính khả thi. Hoặc đưa ra mà không kiểm soát được thì lại thành "nhờn luật", vô tác dụng.
 
Chẳng hạn như cấm học sinh like mà chưa đọc status. Vậy giáo viên có kiểm tra được việc này không?
 
Hay không nhận học sinh có hạnh kiểm trung bình trở xuống, lực học yếu phải thi lại; hoặc đã có "tiền sự" đánh nhau, hút thuốc lá... Chính những điều kiện khắt khe này lại làm nảy sinh ra bao vấn đề tiêu cực khác như: chạy làm lại hồ sơ, mua điểm, xin điểm...
 
Ngành giáo dục đặc thù là giáo dục mà trường nào cũng ra những luật riêng thế, thì những em bị đẩy ra sẽ đi về đâu? Liệu các em có những suy nghĩ tiêu cực không? Nếu bị ném ra xã hội thì các em có trở thành gánh nặng cho xã hội không? Nếu trường nào cũng chỉ nhận các em "không có vấn đề gì" thì có phải là "mơ" không, là giáo dục không?
 
Không thể dùng mệnh lệnh một cách cứng nhắc trong trường học
 
Vậy đâu là giải pháp cho nhà trường, không cần đưa ra những lệnh cấm mà vẫn có thể xây dựng được một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh?
 
 Thực ra, đưa ra thêm những quy định riêng của mỗi trường cũng nhằm đáp ứng được đặc thù riêng của các trường và nhằm giúp các em đi đúng hướng, không sa vào những tệ nạn xã hội hoặc quá mải mê chơi bời mà xao nhãng việc học tập. Song các quy định đưa ra phải cân nhắc kĩ, xem có vi phạm quyền công dân và có gây ra hiệu ứng xã hội, có khả năng thực thi hay không?  Nhà trường và giáo viên phải làm thế nào khi không cần sử dụng "vũ khí nội quy, kỉ luật sắt" mà vẫn chuyển hoá được học sinh cá biệt? Đó là cả một công trình nghệ thuật giáo dục con người. Bởi giáo dục con người là khó nhất, gian nan nhất, nhiều khi không thể dùng mệnh lệnh.
 
Trong môi trường sư phạm, có muôn vàn tình huống, có những tình huống được lặp lại với tần số cao, đòi hỏi giáo viên phải xử lí hết sức bình tĩnh và thông thái. Luôn đặt kỉ cương, tình thương và trách nhiệm lên hàng đầu. Nhất là nên mở lòng bao dung với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, thấu hiểu tâm lí và biết chia sẻ, tôn trọng những học sinh cá biệt, những học sinh cá tính hơn là đặt ra những điều cấm kị khó khả thi.
 
Ngược lại, học sinh đến trường phải tuân thủ các nội quy, quy định của trường lớp một cách nghiêm túc. Với cha mẹ học sinh, phải có sự kết hợp và thống nhất trong cách giáo dục, tránh tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược mà hậu quả không ai khác lại chính là con mình phải gánh. Với xã hội, cần có những sự hiểu biết nhất định về giáo dục, có những đóng góp xây dựng chân thành, không nên hơi một tí là la ó, khiếm nhã. Có như vậy mới tạo nên được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, văn minh.
 
Xin cảm ơn bà!

Trung Thu (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.