Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024):
Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về rèn đức, luyện tài
(PNTĐ) - Cả nước hiện có 1,6 triệu nhà giáo ở tất cả các cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề, và đại học. Với trọng trách “trồng người”, nhiều thầy, cô giáo đã vượt qua mọi khó khăn, không ngừng học hỏi, sáng tạo, đổi mới để góp phần tích cực nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, trở thành những tấm gương sáng cho học sinh noi theo, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Những thầy, cô giáo tâm huyết với đổi mới, sáng tạo
Cô giáo Vũ Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Sở GD-ĐT Yên Bái là một trong số các nhà giáo tiêu biểu vinh dự được đón nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2024. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất quế Văn Yên - một huyện miền núi vùng cao xa xôi của tỉnh Yên Bái, từ nhỏ, cô Hạnh đã ước mơ mình được làm cô giáo. Và cô đã theo đuổi mơ ước ấy đến cùng. Tốt nghiệp THPT, giữa lúc bạn bè chọn ngành Y, ngành Dược, Thương nghiệp, Ngoại thương… riêng cô Hạnh chọn thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
“Từ khi trở thành cô giáo, trong đầu tôi luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: "Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy như thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh". Vì vậy, mỗi giờ học tôi đều đầu tư nghiên cứu để tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp” - cô Hạnh cho biết.
Không chỉ truyền thụ kiến thức, cô Hạnh tâm niệm rằng giáo dục không chỉ bằng trí óc mà còn bằng cả con tim, còn phải “dạy người” cho các học sinh. Tình yêu thương chân thành và sự quan tâm đúng mực của mỗi nhà giáo có thể dìu dắt học trò vượt qua những khó khăn, thử thách và trở thành học sinh tiêu biểu, những công dân có ích cho xã hội.
Suốt 34 năm qua đứng trên bục giảng, dù còn muôn vàn khó khăn vất vả, nhưng cô Hạnh khắc phục tất cả vì học sinh thân yêu, vì nhiệm vụ thiêng liêng của nghề giáo. Cô luôn là người đi đầu trong việc đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, quản lý, giảng dạy đạt chất lượng, hiệu quả cao. 20 năm liên tục, cô Hạnh được công nhận phụ nữ “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”, 4 lần được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 14 lần được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở. Cô đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2017, được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2020. Cô Hạnh đã có 5 sáng kiến cấp tỉnh, 15 sáng kiến cấp cơ sở được áp dụng hiệu quả trong và ngoài đơn vị, được Sở GD-ĐT, UBND tỉnh công nhận. Các sáng kiến này đã được áp dụng có hiệu quả tại Trường THPT Chu Văn An và nhiều trường THPT trong toàn tỉnh.
Tại lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024, cô Hạnh cho biết: “Được nhận danh hiệu vinh dự cao quý nhất do Nhà nước trao tặng cho nhà giáo, đọc dòng chữ “Đã có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc”, bản thân tôi vô cùng xúc động nhưng đồng thời không khỏi lo lắng, trăn trở. Xúc động bởi đây là một vinh dự vô cùng to lớn, là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước với những cống hiến của bản thân tôi suốt 34 năm qua cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Lo lắng, trăn trở bởi từ nay, trách nhiệm của mình sẽ cao hơn, phải sống, làm việc và cống hiến sao cho xứng đáng với danh hiệu cao quý được Đảng và Nhà nước phong tặng”.
Với tâm niệm: “Một người thầy giỏi giống như ngọn nến; luôn đốt cháy chính mình để soi sáng cho những người khác”, thầy giáo Phùng Chí Tân Trường THCS Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) không ngừng học hỏi, tìm tòi phương pháp, kĩ thuật dạy học để tạo nguồn cảm hứng và phát hiện, bồi dưỡng tài năng của học sinh. Trong năm học 2023 - 2024, thầy Tân đã nghiên cứu và thực hiện giải pháp:“Tạo hứng thú và nâng cao kết quả học phần Giáo dục địa phương trong môn Lịch sử cho học sinh” được đánh giá cao.
Cụ thể, thầy Tân kết nối học sinh với các di sản văn hóa ở địa phương, với các nghệ sĩ, nhân chứng lịch sử, để học sinh trải nghiệm, nghiên cứu, học tập. Thầy yêu cầu học sinh tự tìm hiểu nghiên cứu, tiếp thu thông tin. Sau đó, thiết kế video giới thiệu, thuyết minh về di tích, di sản hoặc một danh nhân văn hóa ở địa phương. Trong quá trình học sinh nghiên cứu, tìm hiểu, thầy quan sát và hỗ trợ để có những video chất lượng phục vụ cho dạy và học.
Điểm nổi bật, thầy Tân tiến hành tổ chức lớp học mở, lớp học kết nối đã góp phần tăng cường giao lưu, tăng cường công nghệ thông tin cho học sinh, tăng cường khả năng giao tiếp, đặc biệt là việc sử dụng Tiếng Anh giới thiệu về lịch sử địa phương với người nước ngoài. Qua đó bồi dưỡng tình yêu các giá trị văn hóa dân tộc cho học sinh. Đặc biệt, thầy tổ chức cho học sinh kết nối với du khách và bạn bè quốc tế trong chương trình “Nét đẹp đọc sách ngày xuân”, giao lưu với các cô giáo Myanmar, Indonesia, nhà văn Ý Michael cùng 6 trường bạn ở Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An.
Những sáng tạo mà thầy Tân thực hiện đã lan tỏa đến nhiều giáo viên và trường học trên địa bàn huyện, thành phố và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Sáng kiến sáng tạo của thầy đã đạt giải Nhất Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố môn Lịch sử.
Thầy Tân là 1 trong số 196 nhà giáo vừa được Sở GD-ĐT Hà Nội trao giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024. Giải thưởng tôn vinh những nhà giáo nhiệt tình, tâm huyết với nghề; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Đội ngũ nhà giáo phải được tôn vinh và tạo điều kiện để cống hiến
Với quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, lực lượng nhà giáo tiếp tục được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm với những tín hiệu vui về chế độ chính sách để phát triển đội ngũ về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, mới đây, trong Kết luận 91-KL/TƯ của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đã khẳng định “Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn” và đặt ra yêu cầu “cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo”. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT quyết tâm xây dựng Luật Nhà giáo để lực lượng nhà giáo đón nhận Luật với tâm thế “thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh” theo như lời Tổng Bí thư đã nói.
Tại buổi lễ gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu trên toàn quốc nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 diễn ra ngày 15/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mỗi nhà giáo là khởi nguồn bất tận thổi bùng trong thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, ươm mầm khát vọng, chắp cánh bay cao, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo; bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Vì thế, mỗi thầy giáo, mỗi cô giáo hãy là tấm gương sáng về rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, có cách tiếp cận mới trong dạy và học…
Để các nhà giáo yên tâm với sự nghiệp giáo dục, Thủ tướng yêu cầu, tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại…
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, làm giáo dục là một việc khó, giáo dục chân chính, giáo dục cho đúng đạo lý, giáo dục hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học, lan tỏa được tinh thần sáng tạo và cảm hứng học tập bất tận cho người học lại càng khó. Để đạt được danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhà giáo tiêu biểu, các thầy cô đã tận tụy và yêu nghề, đã có rất nhiều đóng góp, đã vượt qua những khó khăn thử thách để thể hiện bản thân và lan tỏa các giá trị tốt đẹp.