Tập huấn Giáo viên về:
Nâng cao sự tự tin về ngoại hình và nhận thức giá trị bản thân cho học sinh THCS
(PNTĐ) - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) phối hợp cùng Unilever Việt Nam và nhãn hàng Dove vừa tổ chức khóa tập huấn cho 50 đại diện Ban giám hiệu và giáo viên từ 5 trường THCS tại thành phố Hà Nội trong việc “Nâng cao sự tự tin về ngoại hình và nhận thức giá trị bản thân cho học sinh THCS”.
Khóa tập huấn thuộc Dự án “Nâng cao nhận thức giá trị bản thân - Dove Self-Esteem Project" lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Khóa tập huấn có sự tham gia của các đại biểu đến từ Vụ Trung học - Bộ GD&ĐT, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Unilever Việt Nam, nhãn hàng Dove, Trung tâm Giáo dục và Phát triển, cùng 50 đại diện Ban giám hiệu và giáo viên từ 5 trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm: THCS Bình Minh, THCS Cao Viên, THCS Nam Từ Liêm, THCS Dịch Vọng và THCS Thực Nghiệm Khoa học Giáo dục.
Giáo dục sự tự tin về ngoại hình sẽ giúp trẻ em phát triển tốt hơn về mặt tâm lý
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững đầu năm 2023, 55% trong số 2000 phụ nữ Việt Nam từ 16 đến 40 tuổi không tự tin vào ngoại hình của mình, khuôn mặt và hình thể là hai yếu tố họ thấy thiếu tự tin nhất. Việt Nam là một quốc gia rất tiển bộ về bình đẳng giới nhưng phụ nữ Việt Nam vô hình chung vẫn bị đóng khung trong những khuôn mẫu về vẻ đẹp và vai trò của mình trong xã hội, điều này tạo ra một rào cản rất lớn đối với chính những người phụ nữ. Điều đáng lo ngại là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự tự ti này lại do chính người phụ nữ tự tạo ra, họ tự đánh giá thấp bản thân mình. Hậu quả gây ra bởi sự thiếu tự tin ở phụ nữ và các bé gái rất nghiêm trọng, 8 trong số 10 bé gái sẽ trốn tránh gặp gỡ gia đình, bạn bè; 7/10 bé gái thiếu tự tin khi nêu ý kiến bản thân; 7/10 bé gái áp dụng các biện pháp cải thiện sắc đẹp như nhịn ăn, tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc vào việc chăm sóc sắc đẹp.
Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) cũng đã tiến hành khảo sát nhanh với 426 học sinh THCS trên địa bàn Hà Nội trong tháng 9 năm 2023, có tới 69% số học sinh từng bị người khác trêu chọc hoặc bình luận tiêu cực về ngoại hình. Cụ thể, hơn 55% các em học sinh được khảo sát đã trải qua một vài lần, gần 14% số học sinh đã trải qua nhiều lần bị người khác trêu chọc hoặc bình luận. Theo khảo sát, các em thường bị trêu chọc về cân nặng, khuôn mặt và chiều cao.
Người hay đưa ra bình luận về ngoại hình nhất là bạn bè chiếm 55.6% (249), tiếp theo là bố mẹ 15.63% (70), người thân 13.4% (60), ông bà 6.9% (31), và một tỷ lệ ít là từ thầy/cô giáo và mạng xã hội.
Có 386 học sinh trả lời câu hỏi về sự tự tin vào ngoại hình, có 41 (10.6%) em cảm thấy không tự tin về ngoại hình và 116 (30.1%) em không chắc chắn về ngoại hình. Trong khi đó chỉ có 30 (7.8%) em rất tự tin, 69 (17.9%) em tự tin về ngoại hình và 130 (33.6%) em khá tự tin về ngoại hình.
Học sinh tham gia khảo sát cho rằng, tác động của việc nhận xét và bàn luận về ngoại hình là khác nhau, giảm tự tin là tác động mà các em cho rằng lớn nhất 299 (33.7%), tiếp theo là gây tổn thương tâm lý 291 (32.8%), ảnh hưởng đến học tập và phát triển cá nhân 217 (24.5%).
Trên cơ sở những khảo sát, nghiên cứu của các tổ chức cho thấy, giáo dục sự tự tin về ngoại hình sẽ giúp trẻ em phát triển tốt hơn về mặt tâm lý, tăng cường khả năng giao tiếp và hợp tác, giảm thiểu nguy cơ bị bắt nạt trong trường học hoặc làm cho trẻ em tự ti không tham gia hoạt động, thậm chí không muốn tới trường. Đây cần là nhiệm vụ của cả gia đình và xã hội, để tạo ra một môi trường an toàn và thân thiện cho trẻ em phát triển toàn diện.
Thúc đẩy lòng tự trọng và nâng cao nhận thức giá trị bản thân
Dự án “Nâng cao nhận thức giá trị bản thân - Dove Self-Esteem Project" là một sáng kiến toàn cầu của Dove, được khởi xướng từ năm 2004, nhằm mục đích thúc đẩy sự tự tin, lòng tự trọng và nâng cao nhận thức về bản thân, đặc biệt là ở các cô gái trẻ. Dự án đã được thực hiện tại 153 quốc gia, tiếp cận được 94 triệu bạn trẻ thông qua các giáo viên, giảng viên và các chuyên gia.
Tại Việt Nam, Dự án “Nâng cao nhận thức giá trị bản thân” (Dove Self-Esteem Project) được Unilever Việt Nam, nhãn hàng Dove phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) triển khai thí điểm từ tháng 9/2023 đến tháng 1/2024. Dự án đã xây dựng và Việt hóa bộ tài liệu mang tên “Tôi Tự Tin”, chính thức khởi động thông qua 03 khóa tập huấn tiến hành trong tháng 12/2023 dành cho 150 giáo viên nòng cốt từ 15 trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội, tỉnh Khánh Hòa và Sóc Trăng. Dự kiến, trong giai đoạn thí điểm sẽ có 10.000 học sinh THCS trên địa bàn 3 tỉnh, thành trên được tập huấn bởi chương trình.
Mục tiêu của các khóa tập huấn nhằm giúp nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ quản lý và các giáo viên để triển khai sử dụng hiệu quả bộ tài liệu “Tôi Tự Tin” trong nhà trường như một nguồn học liệu bổ sung cho các nội dung thuộc chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trong khóa tập huấn, tài liệu về các phương pháp đào tạo tiên tiến theo cách tiếp cận hai chiều được áp dụng và thực hành. Giáo viên sẽ tiến hành các tiết học tạo hứng thú cho học sinh, khuyến khích và hỗ trợ học sinh biết tự tìm hiểu thông tin thông qua các hoạt động, trò chơi, hoặc có thể khám phá thêm từ các bạn trong lớp và từ giáo viên thông qua thảo luận, chia sẻ. Từ đó các em nhận ra được giá trị của bản thân, phát huy được những điểm mạnh của bản thân, mỗi ngày các em sẽ sống tích cực và khỏe mạnh hơn.
Bộ tài liệu “Tôi Tự Tin” được phổ biến tại khóa tập huấn là những kiến thức hoàn toàn mới, lần đầu tiên được đưa vào chương trình giáo dục của Việt Nam. Bộ Tài liệu gồm 05 bài học, mỗi bài học gồm 03 phần: Hướng dẫn dành cho GV, Bài trình bày của HS, Phiếu hoạt động của HS. Bài 1: Ngoại hình lý tưởng; Bài 2: Thông điệp truyền thông; Bài 3: Đương đầu với sự so sánh; Bài 4: Gạt bỏ bàn luận về ngoại hình; Bài 5: Hãy là người mang lại sự thay đổi. Các bài học giúp các em học sinh nâng cao lòng tự trọng và nhận ra các giá trị của bản thân, bất kể ngoại hình như thế nào, tuổi tác hay cân nặng, các em học sinh được tự do phát triển bản thân và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Các em được tự tán dương bản thân bất kể ngoại hình như thế nào và được trao quyền để tôn trọng và tôn vinh sự đa dạng xung quanh mình.
Theo GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES), giáo dục sự tự tin về ngoại hình cho trẻ em là một nội dung rất thiết thực và phù hợp với mục tiêu tổng thể của chương trình Giáo dục phổ thông mới. Chương trình này không chỉ cung cấp các bài giảng và hướng dẫn cho giáo viên về giáo dục nâng cao nhận thức giá trị bản thân cho học sinh mà còn góp phần nâng cao năng lực cho giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục 2018, thông qua các hoạt động giáo dục tích cực, sáng tạo trong nhà trường.
Để nâng cao được nhận thức của học sinh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) - Bà Tô Kim Liên cho rằng, trước hết giáo viên phải là những người tiên phong mang lại sự thay đổi. Giáo viên chuyển tải các bài học một cách hiệu quả sẽ giúp học sinh tránh bàn luận hay quá tập trung vào ngoại hình, thay vào đó tập trung vào những phẩm chất và sở thích khác của bản thân, những điều làm cho mỗi cá nhân trở nên độc đáo, giúp các em trở nên tự tin hơn trong cuộc sống.
Thông tin tại khóa tập huấn, đại diện Tập đoàn Unilever Việt Nam Lê Thị Hồng Nhi bày tỏ: Dự án "Nâng cao nhận thức giá trị bản thân" khẳng định nỗ lực của Unilever trong việc khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái tự tin tôn vinh vẻ đẹp cá nhân, thoát khỏi những định kiến giới tiêu cực và áp lực từ xã hội. Thông qua hoạt động của các nhãn hàng và nỗ lực hợp tác với các tổ chức chính phủ, xã hội và quốc tế, Unilever mong muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ bằng những thông điệp tích cực về niềm tin vào bản thân và các giá trị nội tại.
Sau buổi tập huấn, cô Vũ Bích Phương trường THCS Dịch Vọng cho hay: Các bài học “Tôi Tự Tin” phù hợp với các nội dung giáo dục nâng cao nhận thức giá trị bản thân trong chương trình giáo dục 2018, chính vì thế có thể đưa vào khai thác trong các môn học và hoạt động giáo dục liên quan, ví dụ như môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Ngữ văn, Giáo dục công dân. Chủ đề Tôi Tự Tin có thể áp dụng trong nhiều hoạt động ở nhà trường, đầu năm nhà trường thường có một khóa học hè để các em học sinh lớp 6 làm quen với môi trường học tập cấp 2, đưa chủ đề này vào trại hè rất phù hợp. Ngoài ra có nhiều môn học và chủ đề phù hợp với chương trình như môn Giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp từ lớp 6 đến lớp 8, môn Khoa học lớp 8 chủ đề về cơ thể người…