Nghịch lý “điểm thi thấp, điểm học bạ cao”!

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Kết quả học bạ THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT là những thước đo đánh giá kết quả học ở bậc THPT của học sinh. Tuy nhiên, dù cùng “đo” trên một chủ thể nhưng năm nay lại có nghịch lý, điểm học bạ THPT của thí sinh đẹp nhưng kết quả thi lại thấp.

Nghịch lý “điểm thi thấp, điểm học bạ cao”! - ảnh 1
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Theo kết quả đối sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn của Bộ GD-ĐT cho thấy, ở một số địa phương có sự chênh lệch lớn giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ.

Chẳng hạn ở môn Toán, điểm trung bình học bạ của học sinh cả nước là 7,51 điểm nhưng điểm thi trung bình là 6,47 điểm. Một số địa phương có độ chênh lệch lớn giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp là Hải Phòng. Cụ thể, điểm trung bình học bạ là khoảng 8,14 thì điểm thi trung bình môn Toán chỉ ở mức 6,92; Đồng Tháp có điểm học bạ môn Toán ở ngưỡng khá giỏi với trung bình 8 điểm nhưng kết quả thi tốt nghiệp THPT trung bình chỉ đạt khoảng 6,5 điểm. 

Với môn Hóa, điểm phổ biến mà học sinh đạt được ở mức khá 8 điểm nhưng kết quả thi tốt nghiệp THPT trung bình của thí sinh lại chỉ ngưỡng dưới 7 điểm. Một số địa phương có sự chênh lệch lớn là Hà Nội với điểm học bạ môn Hóa là gần 8,3 điểm nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT môn học này ở mức khoảng 6,3 điểm. 
Môn Vật lý, điểm trung bình trong học bạ của học sinh Hà Nội đạt trên 8 điểm, nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT khoảng 6,8 điểm. 

Với môn Sinh học, điểm trung bình học bạ của học sinh Hà Nội đạt ngưỡng khá giỏi (gần 8,4 điểm) nhưng điểm thi thực tế khoảng 4,6 điểm. Môn Sinh học cũng là môn có phổ điểm thi tốt nghiệp THPT trên cả nước thấp nhất, trong đó dẫn đầu là Tuyên Quang cũng chỉ đạt mức 5,9 điểm.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ THPT được đặt ra. Năm 2018, kỳ thi THPT quốc gia cũng gây chú ý khi có cơn mưa điểm thi thấp kỷ lục. Nhiều môn thi có 50% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Trong tổng số 917.494 bài thi, chỉ có 25,15% bài thi đạt từ 6-10 điểm. Mặc dù điểm thi của thí sinh thấp nhưng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc vẫn cao, đạt 97,57%; trong đó GD THPT đạt 98,36%; GDTX đạt 88,37%; 
Bình luận về thực tế này, thạc sĩ Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anxtanh cho rằng, do theo quy định, điểm các bài thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh được từ 5 điểm trở lên sẽ được công nhận tốt nghiệp. Chính việc cho phép dùng điểm học bạ “cõng” điểm thi nên dù điểm thi của thí sinh thấp thì tỷ lệ tốt nghiệp vẫn luôn cao.  

Trở lại với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cũng với vai trò quan trọng của học bạ trong việc tính điểm thành phần để giúp thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT cũng như quy định một số trường đại học xét tuyển đầu vào dựa vào học bạ dẫn tới tình trạng được cho là “nới lỏng” điểm học bạ tại các trường THPT. Cụ thể, theo quy chế xét tốt nghiệp THPT 2022, công thức tính điểm xét tốt nghiệp gồm điểm các bài thi, điểm ưu tiên, khuyến khích và điểm trung bình cả năm lớp 12 theo tỷ lệ: (70% điểm thi THPT và 30% điểm trung bình lớp 12%). 

Theo một hiệu trưởng, thầy cô giáo dạy học sinh thường có tâm lý thương học sinh trong đánh giá để giúp học sinh có học bạ đẹp. Bằng cách đó, nhà trường cũng có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao và học sinh cũng tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học. Tuy nhiên, khi so sánh đối chiếu sẽ cho thấy kết quả học bạ sẽ luôn cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT. Năm 2018, dư luận từng đặt câu hỏi vì sao điểm học bạ của thí sinh tốt nhưng nhiều em thi tốt nghiệp THPT lại chỉ đạt điểm liệt?

Theo ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ Phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, thực tế này đã cho thấy tính chính xác trong đánh giá năng lực của học sinh phổ thông qua học bạ. Chính vì đánh giá ở trường THPT chưa tạo được độ tin cậy nên ông Khuyến cho rằng, vẫn cần thi tốt nghiệp THPT vì đây là kỳ thi được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc. Nhiều trường đại học, nhất là đại học top đầu cũng nói không với tuyển sinh đầu vào bằng học bạ do chưa yên tâm với kết quả đánh giá này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.