Nhà vệ sinh trường học: Chưa thân thiện với học sinh nữ

QUỲNH ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Kết quả khảo sát tại 23 trường THPT cả nội và ngoại thành trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nhà vệ sinh trường học vẫn là nỗi ám ảnh, đặc biệt đối với học sinh nữ. Để giải quyết vấn đề này, một hội thảo do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức ngày 21/10 đã đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng nhà vệ sinh trong trường học.

Nhà vệ sinh trường học: Chưa thân thiện với học sinh nữ  - ảnh 1
Nhà vệ sinh thân thiện của trường tiểu học Gia Thuỵ (quận Long Biên, Hà Nội)
Ảnh: Mai Khôi

Vệ sinh kinh nguyệt - khoảng trống trong trường học
Chia sẻ kết quả đánh giá mức độ thân thiện của hệ thống vệ sinh trường học", với sự tham gia của giáo viên và học sinh 23 trường trên địa bàn Thành phố thuộc dự án “Tự tin là chính mình” cho thấy, chưa đến 50% số học sinh đánh giá nhà vệ sinh (NVS) tại trường mình thoáng gió. Hầu hết học sinh tại Ba Vì đánh giá dụng cụ NVS chưa phù hợp, hầu hết các trường chưa có thiết bị vệ sinh cho người khuyết tật, chưa trang bị băng vệ sinh dự phòng cho học sinh nữ. 

Một trong những vấn đề còn bỏ ngỏ nhưng lại ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe sinh sản của các em, nhất là học sinh nữ, đó là việc giải quyết nhu cầu kinh nguyệt tại trường. Theo báo cáo, 100% các ý kiến đề xuất mong muốn sẽ được trang bị băng vệ sinh dự phòng đặt tại phòng y tế hoặc các NVS, để các em không phải “nhịn” thay BVS suốt thời gian ở trường vì NVS quá thiếu thốn và không đủ riêng tư. “Hầu hết học sinh huyện Ba Vì đánh giá NVS hiện nay chưa phù hợp, chưa thân thiện”, bà Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN Hà Nội – thành viên ban quản lý dự án cho biết.
Cũng trong khuôn khổ dự án, TS.BS Lê Minh Thi, Trưởng bộ môn Dân số, sức khỏe sinh sản, trường Đại học Y tế Công cộng đã có một khảo sát mô tả thực trạng thực hành quản lý vệ sinh kinh nguyệt (VSKN) của các em gái từ 10-18 tuổi tại 7 trường thuộc Hà Nội và Quảng Bình. Kết quả cho thấy, 6/7 trường chưa đạt tiêu chí về quản lý VSKN. Nhà vệ sinh quá tải, không sạch và thiết kế nhà vệ sinh không thân thiện với học sinh nữ (nhà vệ sinh nam và nữ khối THCS thiết kế thông vách trên, không riêng tư) là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới thái độ và sự tự tin của học sinh nữ.

“Không chỉ chú trọng xây dựng và làm sạch NVS, phụ huynh và nhà trường cần thiết phải trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý vệ sinh và VSKN cho học sinh, quan tâm hơn nữa đến học sinh nữ tuổi dậy thì”- BS Thi khuyến nghị.

Để nhà vệ sinh không còn là nỗi ám ảnh 
Trường Tiểu học Phú Phương được ghi nhận là điểm sáng trong xây dựng hệ thống NVS hiện đại, thân thiện của huyện Ba Vì. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lương, sau khi được sự án “Tự tin là chính mình” tổ chức tập huấn, nhà trường đã đầu tư, vừa trang trí cho NVS sạch, đẹp, vừa tích cực tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên và học sinh về giữ gìn vệ sinh trường, lớp. 

Từ góc độ chính quyền địa phương, ông Phùng Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, huyện Ba Vì cho biết, xã thường xuyên có những giải pháp trao đổi với ban giám hiệu 3 trường trên địa bàn sửa chữa, khắc phục cơ sở vật chất kịp thời. Ngoài ra, địa phương còn triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác vệ sinh học đường thông qua phong trào thi đua “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” nhằm thúc đẩy ý thức giữ gìn vệ sinh trong nhà trường. 

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Đặng Thị Kim Tuyến thừa nhận, vệ sinh trong nhà trường không chỉ là vấn đề của riêng trường học. Đã từng có thời điểm, NVS nữ ở hầu hết các trường của huyện không được trang bị băng vệ sinh để phục vụ giáo viên nữ, học sinh nữ. 

Trưởng Ban quản lý Dự án thuộc Hà Nội, bà Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho rằng, cần xem nhà vệ sinh là công trình chính chứ không phải công trình phụ như quan niệm từ xưa đến nay. Khi có ý thức và coi trọng nhà vệ sinh trường học, lãnh đạo địa phương cũng như nhà trường sẽ có sự quan tâm xác đáng đến mức độ thân thiện của nó với các em học sinh. Để nhà vệ sinh trong trường học không còn là nỗi ám ảnh của học sinh mỗi khi bước chân đến, rất cần sự quan tâm đồng bộ của các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể cùng chung tay đầu tư, nâng cấp, sửa chữa... để không ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt, vui chơi của các em, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và tiến trình bình đẳng giới.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.