Nữ giáo viên góp phần xây dựng Thủ đô trong thời kỳ số hoá

Nguyễn Lan Hương, giáo viên trường THPT Hoài Đức B - Hoài Đức - Hà Nội
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 16/7/1999, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đó chính là sự công nhận của bạn bè quốc tế về những cố gắng của Hà Nội trong việc cải thiện mọi mặt đời sống xã hội, mẫu mực trong phát triển văn hóa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục công dân và thế hệ trẻ.

Có một điều đặc biệt là cũng vào năm 1999 tôi tốt nghiệp đại học và trở thành một giáo viên trẻ ở trường THPT Hoài Đức B, thành phố Hà Nội. Công tác trong ngành giáo dục Hà Nội hơn 20 năm, tôi đã chứng kiến sự cố gắng không ngừng nghỉ của Thủ đô nói chung và ngành giáo dục đào tạo Hà Nội nói riêng trong công cuộc xây dựng một thành phố vì hòa bình, đổi mới và sáng tạo, trong đó có công sức không nhỏ của các nữ giáo viên chúng tôi.

 Tôi còn nhớ những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng cách đây hơn 20 năm, trường tôi còn nghèo lắm. Chúng tôi chỉ chủ yếu dựa vào các kiến thức sách giáo khoa để dạy học sinh. Phương tiện để truyền thụ kiến thức cho học sinh của chúng tôi ngày ấy chỉ là lời giảng, cùng với bảng đen, phấn trắng. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi, cuộc cách mạng 4.0 đã khiến cho việc dạy học của chúng tôi đang dần biến đối, không chỉ là sự truyền thụ kiến thức từ một phía, cô nói trò nghe, mà là sự tương tác cả hai phía giữa giáo viên với học sinh và ngược lại.

Sự bùng nổ về công nghệ đã khiến cho xu hướng giáo dục đang dần thay đổi: Thông minh hơn, nhanh nhạy hơn và tốn ít chi phí hơn. Những năm gần đây, công tác chuyển đổi số trong trường học tại Việt Nam nhất là trong các trường học ở Hà Nội được phát triển mạnh mẽ đạt nhiều kết quả và mang lại lợi ích thiết thực cho việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, cũng như mang lại những lợi ích không nhỏ cho người dân toàn thành phố.

Nữ giáo viên góp phần xây dựng Thủ đô trong thời kỳ số hoá - ảnh 1
Tác giả trong một tiết dạy

Quá trình hội nhập vào một thế giới đang toàn cầu hoá đã khiến thực tế cuộc sống có nhiều biến đổi, đòi hỏi giáo viên chúng tôi cũng phải tự thay đổi để thích ứng với thời cuộc. Người thầy hiện đại không những phải có một nhân cách đáng được tôn trọng mà còn phải có những năng lực về hoạt động giáo dục, năng lực nghiệp vụ sư phạm, năng lực công nghệ và ứng dụng công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh. Chính vì vậy mà tôi và các đồng nghiệp đã phải nỗ lực tự học để đáp ứng được nhu cầu đổi mới.

Công nghệ bùng nổ đã đẩy nhanh tiến trình giáo dục tại Thủ đô với nhiều phương pháp giảng dạy mới. Thú thật là ngày đầu tiếp cận công nghệ chúng tôi cũng khá vất vả. Song chúng tôi đã cố gắng học hỏi để chủ động hơn, sáng tạo hơn trong việc nắm bắt thông tin, ứng dụng các phần mềm trên nền tảng số vào thực hiện công việc của mình, góp phần vào công cuộc xây dựng Thủ đô số hoá, văn minh, hiện đại sánh vai với các cường quốc năm châu.

Chúng tôi giờ đây đã quen với những phương pháp giảng dạy mới kết hợp với máy chiếu, bảng điện tử, lắp đặt tại các phòng học. Các nữ giáo viên chúng tôi đã chủ động, sáng tạo hơn trong việc nắm bắt thông tin, ứng dụng các phần mềm trên nền tảng số vào thực hiện công việc của mình, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi số của nhà trường.

Nhờ có chuyển đổi số học sinh có thể tiếp thu kiến thức mọi lúc, mọi nơi. Giờ học giờ đây đã thoát ra khỏi không gian phòng học với bốn bức tường, công nghệ số đã mở ra một không gian học tập linh động hơn. Học sinh có thể tiếp thu kiến thức một cách thuận tiện và dễ dàng trên mọi thiết bị như máy tính, laptop, smartphone... Điều này đã mở ra một nền giáo dục mở hoàn toàn mới. Bất cứ thời điểm nào, tại bất cứ đâu, bất cứ ai đều có thể tiếp cận được các thông tin kiến thức một cách đa chiều nhất. Nó loại bỏ hoàn toàn những giới hạn về khoảng cách, tối ưu thời gian học và nâng cao nhận thức, tư duy của người học.

Nữ giáo viên góp phần xây dựng Thủ đô trong thời kỳ số hoá - ảnh 2
Giờ học Địa lý sôi nổi với ứng dụng phần mềm Plickers của cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến, giáo viên trường THPT Hoài Đức B.

Không chỉ trong công tác giảng dạy và giáo dục, giáo viên nữ chúng tôi với tư cách là giáo viên chủ nhiệm lớp cũng chính là những người truyền đạt và hướng dẫn và kết nối phụ huynh học sinh tiếp cận các chương trình chuyển đổi số quốc gia. Điển hình như các chương trình định danh điện tử, nộp học phí điện tử, cài đặt ứng dụng VNeID, VssID... đều được thông qua đội ngũ giáo viên để tuyên truyền và hướng dẫn phụ huynh và học sinh thực hiện.

Nếu như trước đây, người phụ nữ Việt Nam được khắc họa với hình tượng giàu đức hy sinh, tảo tần, lam lũ, kiên trung, bất khuất, thì ngày nay, bên cạnh những phẩm chất đẹp đẽ và cao quý đó, giáo viên nữ chúng tôi tự hào vì đã góp phần vào những đổi thay của đất nước, Thủ đô. Đó là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại, bản lĩnh, năng động, nhân hậu: có tri thức, có sức khỏe, có đạo đức, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; có kỹ năng tốt, đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng; nhạy bén với cái mới nhưng vẫn giữ gìn những giá trị truyền thống.

Nhìn các thế hệ học sinh của mình ngày một trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn, và năng động, sáng tạo hơn, những nữ giáo viên chúng tôi luôn cảm thấy tự hào về công việc của mình. Trong bối cảnh tất cả ngành nghề lao động trong xã hội đều hướng đến việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy tối đa trí thông minh nhân tạo, chúng tôi chính là những người truyền lửa, truyền kiến thức và kĩ năng để tạo ra một lực lượng lao động trẻ có khả năng phát triển các dự án nghiên cứu khoa học theo hướng thông minh, tăng khả năng ứng dụng vào thực tiễn.

Nhờ chuyển đổi số, ngành giáo dục Thủ đô Hà Nội đã và đang tạo ra những thế hệ thanh niên đầy sáng tạo, năng động và nhiệt huyết. Họ chính là những chủ nhân mới của Thủ đô ngàn năm văn hiến và góp phần không nhỏ trong quá trình hội nhập của Hà Nội vào một thế giới đang ngày càng phát triển.

Nếu được chọn lại tôi vẫn chọn nghề giáo và hạnh phúc lớn nhất mà tôi nhận được là thành công của các em học sinh của tôi, là chứng kiến các em đang từng ngày góp công góp sức để xây dựng một Thủ đô hòa bình, văn minh và sáng tạo.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sinh viên thế hệ mới: Sáng tạo và nhân văn

Sinh viên thế hệ mới: Sáng tạo và nhân văn

(PNTĐ) - Hành trình Sinh viên Thế hệ mới 2024 đã khép lại sau vòng thi chung kết (được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV3 ngày 9/11) giữa ba đội đến từ ba trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách khoa TP HCM và Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Các thí sinh cuộc thi đã cho thấy sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ dám làm của Gen Z.
Viết tiếp những thành tích đáng tự hào…

Viết tiếp những thành tích đáng tự hào…

(PNTĐ) - Ngày 20/11/2024, trường THCS Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã long trọng tổ chức “Lễ kỉ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô - Chào mừng 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11” nhằm tôn vinh truyền thống cao đẹp của nghề dạy học, bày tỏ sự tri ân tới các thầy cô giáo - những người thầm lặng, bao dung dâng hiến bao giá trị cho đời.
Người đưa đò gieo khát vọng sáng tạo cho học sinh

Người đưa đò gieo khát vọng sáng tạo cho học sinh

(PNTĐ) - Bằng niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề và tình yêu thương đối vớihọc sinh, cô giáo Phạm Thị Hạnh, Tổ trưởng Tổ Chuyên biệt-Tự chọn, Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội) đã luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình để ươm những mầm non, những thế hệ tương lai của đất nước. Cô giáo Hạnh là một trong những nhà giáo tiêu biểu được vinh danh giải thưởng Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo TP Hà Nội năm 2024.
Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về rèn đức, luyện tài

Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về rèn đức, luyện tài

(PNTĐ) - Cả nước hiện có 1,6 triệu nhà giáo ở tất cả các cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề, và đại học. Với trọng trách “trồng người”, nhiều thầy, cô giáo đã vượt qua mọi khó khăn, không ngừng học hỏi, sáng tạo, đổi mới để góp phần tích cực nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, trở thành những tấm gương sáng cho học sinh noi theo, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.