Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…

Tham dự buổi lễ có nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; ông Nguyễn Xuân An Việt - Vụ phó Vụ Chính trị Công tác học sinh sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đại diện Bộ Y Tế bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm; ông Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Giáo dục sức khỏe Trung ương; Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong; Nhà báo Kiều Thanh Hùng-Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội cùng đại diện các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp đang đào tạo và sử dụng nguồn lao động.

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“ - ảnh 1
Các đại biểu tham dự sự kiện.

Chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" do Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức nhằm thực hiện Quyết định số 1660/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 2/10/2021 về việc Phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh...; mong muốn tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối các chuyên gia, nhà giáo, nhà báo, phụ huynh, học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp có sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về sức khỏe học đường, kiến nghị, đề xuất giải pháp, góp một phần nhỏ thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường của Chính phủ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“ - ảnh 2
Tổng Biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học Tô Phán công bố Lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước".

“Đây là một chủ đề đã thu hút sự quan tâm của dư luận sau rất nhiều những vấn đề “nóng” của sức khỏe học đường đã diễn ra trong thời gian qua. Đó là những vụ học sinh, sinh viên bị bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần, những lớp học thiếu thốn phương tiện sinh hoạt và học tập, mất vệ sinh, những bữa ăn trường học thiếu dinh dưỡng, những vụ ngộ độc thực phẩm, ma túy xâm nhập vào trường học..., áp lực và căng thẳng học tập khiến một số ít học sinh có những quyết định dại dột...

Những vụ việc đó như những vết dao đâm vào tim những người làm cha làm mẹ và của tất cả chúng ta. Sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, sinh viên có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của họ, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực tương lai.

Chắc chắn rằng chúng ta đều mong muốn phải hành động vì một thế giới học đường “trong sạch”, lành mạnh... Chúng ta đều muốn con em chúng ta không những khỏe mạnh về thể chất và tinh thần mà còn “khỏe mạnh” về học vấn,  “khỏe mạnh” về khát vọng cống hiến. Chúng ta đều muốn kết nối những tấm lòng, cùng chung tay các cấp chính quyền, các trường học, các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh sinh viên và các doang nghiệp xây dựng môi trường sống và  học tập lành mạnh, vì một tương lai tốt đẹp cho thế hệ trẻ - thế hệ tương lai của đất nước”- Tổng Biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học Tô Phán nhấn mạnh về mục đích thực hiện chuỗi Tọa đàm và cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". 

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“ - ảnh 3
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao sáng kiến của Tạp chí Công dân và Khuyến học.

Trên thực tế, sức khỏe học đường không chỉ là vấn đề của ngành giáo dục, đào tạo, dạy nghề, của một trường học cụ thể hay một cá nhân, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, của các ngành các cấp. Sức khỏe học đường lành mạnh và khoa học là điều kiện quan trọng không chỉ giúp học sinh, sinh viên thể hiện tốt năng lực trong học tập và hoạt động thể chất, mà còn thúc đẩy tinh thần học tập và làm việc tích cực, tăng cường sự tự tin và phát triển tiềm năng của bản thân. 

Điều này không chỉ giúp học sinh, sinh viên trở thành những công dân khỏe mạnh về thể chất và tinh thần mà còn đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Tuy nhiên, để đảm bảo môi trường học đường khoa học và lành mạnh, cần có một cơ sở hạ tầng vững chắc, chương trình giáo dục đa dạng và thú vị, cũng như các biện pháp hỗ trợ về dinh dưỡng, tâm lý, và thể chất, điều kiện sinh hoạt, học tập, từ bữa ăn, nước uống hàng ngày.

Bên cạnh đó, cần tạo ra một môi trường học đường an toàn về nhiều mặt để học sinh và sinh viên có thể phát triển toàn diện mà không phải lo lắng.

"Qua chuỗi tọa đàm và cuộc thi viết này, Tạp chí Công dân và Khuyến học mong muốn nâng cao nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, các cấp chính quyền và hệ thống giáo dục, dạy nghề, từ đó quan tâm và đầu tư đúng mức vào Chương trình sức khỏe học đường"- Tổng biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học Tô Phán bày tỏ.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đánh giá chuỗi tọa đàm và cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" của Tạp chí Công dân và Khuyến học là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 

“Chương trình sức khỏe học đường của Chính phủ đề ra nhiều giải pháp. Trong đó nhấn mạnh đến công tác truyền thông và vận động xã hội tham gia. Xây dựng chuyên mục thông tin chương trình phổ biến kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến để các trường học và xã hội về chủ trương, chính sách hướng đến sức khỏe học đường; nâng cao sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, phát triển cho các học sinh, sinh viên.

Chuỗi tọa đàm và cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" sẽ góp phần nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, nhận thức của các trường học, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên về xây dựng môi trường học tập an toàn. Nâng cao nhận thức cho mỗi gia đình, các tầng lớp nhân, thúc đẩy tích cực hơn tham gia vào chương trình giáo dục học đường của chính phủ với thông điệp "trường học an toàn, học sinh khỏe mạnh". Làm được như vậy sẽ góp phần tích cực trong việc bồi dưỡng nhân lực tương lai, có đủ đức, trí, thể, mĩ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”- ông Lê Mạnh Hùng nói.

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“ - ảnh 4
Chủ tịch Hội Nhà báo Viêt Nam Lê Quốc Minh hy vọng sẽ có nhiều sáng kiến, giải pháp hay từ chuỗi tọa đàm và cuộc thi. 

Chủ tịch Hội Nhà báo Viêt Nam Lê Quốc Minh đánh giá cao sáng kiến của Tạp chí Công dân và khuyến học, ông bày tỏ hy vọng thông qua đó sẽ mang lại nhiều sáng kiến, giải pháp, giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Theo ông, chuỗi tọa đàm và cuộc thi "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nức" là rất kịp thời trong bối cảnh xu thế báo chí hiện nay có tình trạng né tránh tin tức khi độc giả phải đọc quá nhiều thông tin tiêu cực. Những nội dung mang tính chất giải thích, kiến giải hoặc mang tính chất giải pháp sẽ có vai trò kéo độc giả trở lại với báo chí.

Tại Lễ ra mắt cũng đã diễn ra cuộc giao lưu ý nghĩa với các chuyên gia xoay quanh câu chuyện sức khỏe học đường và chất lượng nguồn nhân lực đất nước.

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“ - ảnh 5
Các chuyên gia tham gia giao lưu xoay quanh nội dung sức khỏe học đường và chất lượng nguồn nhân lực đất nước.

Tham gia giao lưu, Nhà báo Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội chia sẻ, cuộc thi của Tạp chí Công dân và Khuyến học thực sự rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà có những việc nhỏ liên quan đến sức khỏe học đường cũng không được xử lý triệt để như nạn bán hàng ăn vặt kém chất lượng ở hầu hết các cổng trường học.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cho biết đã nhiều năm làm công tác giáo dục gắn bó với đời sống sinh viên nên vấn đề sức khỏe học đường thực sự cần thiết phải quan tâm sắc.

“Sức khỏe không chỉ là một trạng thái không bệnh, không tật mà còn là sự thoải mái về tâm thần, thể chất. Tâm thần là cả vấn đề tâm lý và thần kinh”- GS  Phạm Tất Dong cho biết.  

Chuỗi tọa đàm truyền hình internet về "Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều góc nhìn về vấn đề sức khỏe học đường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai. Chuỗi tọa đàm sẽ có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà giáo, phụ huynh, đại diện các Bộ, ngành, đại diện các doanh nghiệp và được đăng tải trên Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học và phát lại trên các nền tảng số như Facbook, Youtube, Ticktok, Zalo, Google News…

Cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước" kêu gọi sự tham gia của tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam và nước ngoài. Khuyến khích các đơn vị giáo dục, dạy nghề, cao đẳng, đại học, các cá nhân làm việc trong các cơ sở giáo dục, đào tạo nói chung.

Nội dung tác phẩm viết về sức khỏe học đường ở các đơn vị giáo dục phổ thông, đơn vị dạy nghề, các trường cao đẳng, đại học. Nêu bật những đóng góp quan trọng của hệ thống giáo dục, dạy nghề, cao đẳng, đại học đối với công tác bảo đảm sức khỏe học đường (thể chất và tinh thần), từ đó có đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

Xây dựng ngành giáo dục, hệ thống dạy nghề, cao đẳng, đại học hoạt động theo pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng, phát triển bền vững; giới thiệu những điển hình tiên tiến, rút ra bài học, lý giải kinh nghiệm của những đơn vị, tổ chức điển hình làm tốt công tác về xây dựng và bảo đảm sức khỏe học đường; gương giáo viên, cán bộ hoạt động tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp, tuân thủ tiêu chuẩn và đạo đức trong quá trình hoạt động vì sức khỏe học đường… Đóng góp ý kiến, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện thể chế pháp luật và các quy định liên quan đến lĩnh vực sức khỏe học đường.

Hạn gửi bài dự thi từ 16/4/2024 đến 31/8/2024.

Bài dự thi gửi qua email của Tòa soạn Công dân và Khuyến học: toasoan@congdankhuyenhoc.vn  hoặc địa chỉ Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến  học, Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại hotline: 02473.098.555; Di động: 0904.899.413.

Giải thưởng cuộc thi gồm 1 Giải Nhất: 10.000.000 đồng/giải; 2 Giải Nhì: 5.000.000 đồng/giải; 3 Giải Ba: 3.000.000 đồng/giải; 5 Giải Khuyến khích: 2.000.000 đồng/giải; 1 Giải đơn vị có nhiều tác giả tham gia nhất: 3.000.000 đồng/giải và 1 Giải thưởng được yêu thích nhất: 2.000.000 đồng/giải.

Tin cùng chuyên mục

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

(PNTĐ) - Trước giờ, nghe đến cụm từ “kế hoạch” chúng ta hẳn sẽ nghĩ rằng dành cho người lớn. Nhưng theo “mẹ bỉm” Hồng Phấn (trú tại TP Hồ Chí Minh) xây dựng kế hoạch tuần để áp dụng cho con là việc làm khoa học, cần thiết.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.