Quá nhiều bộ sách giáo khoa có gây lãng phí?

Chia sẻ

Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ chính thức công bố trong tuần này những bộ SGK lớp 1 đã được Bộ thẩm định theo chương trình mới để các địa phương lựa chọn sử dụng trong năm học 2020-2021.

 
 
Quá nhiều bộ sách giáo khoa có gây lãng phí? - ảnh 1
Năm học 2020-2021 mỗi môn học có thể có nhiều bộ SGK

Khi sách giáo khoa không còn là “pháp lệnh”
 
Giữa tháng 6 vừa qua, Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chính thức chốt việc thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) thống nhất trên cả nước với nhiều sách giáo khoa (SGK). Quy định này cũng đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK.
 
Theo đó, chương trình GDPT quy định yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước. Dựa trên chương trình thống nhất này, mỗi môn học sẽ có một hoặc một số SGK. Luật quy định việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa, việc xuất bản SGK thực hiện theo quy định của pháp luật. SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn phải qua thẩm định mới được phát hành. 
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT trường THPT Đinh Tiên Hoàng, chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” là tiến bộ, phù hợp với xu thế của thế giới. Thực tế cho thấy, các đối tượng người học không giống nhau. Học sinh thành phố khác học sinh nông thôn, vùng đồng bằng khác miền núi, học sinh ở địa phương này khác với địa phương kia. Vì thế, khó có một bộ SGK nào phù hợp với học sinh trên cả nước. Thực hiện “một chương trình, nhiều SGK”, ông Lâm tin rằng các thầy cô giáo có thể lựa chọn SGK phù hợp với học sinh của mình để giúp các em tiếp thu tốt nhất kiến thức chương trình GDPT. 
 
GS Phạm Hồng Tung, trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đã có một thời gian dài, SGK được coi như “pháp lệnh”, buộc giáo viên, học sinh phải tuân theo. Tới đây, SGK sẽ chỉ còn là tài liệu. Nói cách khác, chương trình GDPT chỉ quy định mục tiêu, còn đi đến mục tiêu đó như thế nào sẽ do tác giả SGK và giáo viên lựa chọn. Việc có nhiều bộ SGK cũng sẽ xóa bỏ được tình trạng độc quyền của các NXB trong việc in ấn và phát hành SGK.
 
Theo GS.TSKH Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng thống nhất, ngày nay, kiến thức không chỉ đến từ một nguồn duy nhất là SGK, cũng không chỉ từ giáo viên mà học sinh có thể truy cập thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau. Một bộ SGK cũng chỉ mang “dấu ấn” của một nhóm tác giả, trong khi sự sáng tạo là rất đa dạng. Vì thế, việc có thêm nhiều SGK sẽ phản ánh được sự đa dạng giúp ích cho việc dạy và học tốt hơn.  
Nhưng cần làm từng bước
 
Quá nhiều bộ sách giáo khoa có gây lãng phí? - ảnh 2
Nhiều ý kiến đề xuất phải tham khảo ý kiến học sinh khi lựa chọn SGK 
Ảnh: Thanh Tùng

 
Thực ra, không phải đến bây giờ, chúng ta mới ghi nhận việc có nhiều SGK trong nhà trường. Trước năm 2000, chúng ta từng sử dụng hai bộ SGK THPT khác nhau ở hai miền Nam, Bắc. Sau đó lại chỉnh lý và hợp nhất để có một bộ SGK dùng chung thống nhất.  Năm 2007, Bộ GD-ĐT lại ban hành SGK mới, sách dùng cho chương trình Chuẩn và SGK thuộc chương trình Nâng cao dùng cho học sinh phân ban. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, mà việc sử dụng nhiều bộ sách cũng đã không đạt hiệu quả, thậm chí còn bị một số chuyên gia cho là tạo nên sự “hỗn loạn” trong dạy và học.
 
Rõ ràng, thực hiện “một chương trình, nhiều SGK” là tiến bộ, nhưng cũng sẽ có mặt trái, nếu thực hiện không tốt. Hiện nay, có nhiều câu hỏi đang được dư luận lo lắng đưa ra xung quanh chủ trương này. Chẳng hạn, ai sẽ là người có thẩm quyền chọn SGK? Nhiều SGK có dẫn tới loạn sách, loạn kiến thức và loạn cả thi? Có hay không sự lãng phí khi nhiều bộ SGK được biên soạn nhưng cuối cùng, lại không được hoặc được rất ít các trường lựa chọn?… 
 
GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng, dù “nhiều” nhưng cũng chỉ nên có 3-4 bộ SGK được trình bày theo các cách khác nhau dựa theo chương trình chuẩn là đủ, nếu không sẽ xảy ra tình trạng loạn sách. Để tránh tình trạng loạn sách dẫn tới loạn thi, tới đây việc quản lý, đánh giá phải thay đổi theo hướng đánh giá bằng chương trình, thi cử cũng theo chương trình chứ không phải theo SGK. Có như vậy thì học sinh, dù học bộ SGK nào cũng làm được bài. GS Phạm Minh Hạc cho rằng, khi thực hiện chủ trương mới, nếu nhà quản lý và người thực thi vẫn theo tư duy cũ thì sẽ bị thất bại. 
 
GS Phạm Hồng Tung lại quan tâm nhiều đến việc tới đây, ai sẽ có quyền thẩm định, chọn SGK. Theo định hướng của Bộ GD-ĐT, khi thực hiện nhiều SGK, UBND tỉnh, thành sẽ quyết định lựa chọn sử dụng SGK nào cho học sinh của tỉnh, thành mình. Trách nhiệm của các sở GD-ĐT là tham mưu cho UBND tỉnh, thành thành lập hội đồng thẩm định của tỉnh, thành để chọn ra bộ sách phù hợp nhất. Tuy  nhiên, ông Tung cho rằng, phương án tối ưu nhất vẫn là giao cho các trường học được quyền chọn sách. Ở đó, các hội đồng chuyên môn từng môn học của nhà trường sẽ quyết định chọn SGK nào để giảng dạy. Hoặc, hội đồng có thể chọn bài học A ở quyển SGK B, bài học B theo quyển SGK C… Làm được như vậy mới phát huy tối đa quyền tự chủ, sáng tạo của thầy giáo vì chỉ có người thầy mới hiểu rõ nhất học sinh của mình. 
 
Tuy nhiên, cũng theo ông Tung, trước mắt, nếu giao ngay quyền chọn sách cho các trường, sẽ khiến cả trường và giáo viên lúng túng vì điều này quá mới mẻ. Vì thế, ông ủng hộ Bộ GD-ĐT tạm giao cho địa phương lựa chọn sử dụng SGK. Song, ông đề nghị, hội đồng lựa chọn SGK của tỉnh, thành không chỉ bao gồm các nhà khoa học, cán bộ quản lý mà phải có cả giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy thuộc các loại hình trường ở địa phương, đại diện học sinh… Sau một thời gian triển khai, khi các nhà trường đã sẵn sàng thì cần trả lại quyền chọn sách cho nhà trường. Về lo ngại lãng phí sách, theo ông Tung, bộ SGK nào viết ra không được nhà trường, giáo viên chọn lựa thì các tác giả phải tự xem lại mình. Đây là sự đào thải tự nhiên, không phải lãng phí. 
 
Được biết, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang soạn thảo thông tư hướng dẫn các địa phương chọn SGK. Theo GS.TS Đinh Quang Báo để tránh tư duy áp đặt, đồng phục SGK thì hội đồng tư vấn sẽ làm nhiệm vụ giới thiệu chi tiết từng bộ SGK để giáo viên, học sinh có thông tin lựa chọn, bày tỏ quan điểm. Sau đó, Hội đồng sẽ tập hợp các ý kiến này và đưa ra khuyến cáo với các nhà trường bộ SGK nào phù hợp. Hội đồng thẩm định không nên áp đặt hay quyết định thay các nhà trường. Quyền chọn lựa cuối cùng bộ SGK nào phù hợp, hoặc kết hợp nhiều bộ SGK khác nhau trong giảng dạy vẫn sẽ thuộc về các nhà trường, giáo viên. “Việc triển khai một chương trình, nhiều SGK rất mới mẻ nên tới đây, Bộ GD-ĐT chắc chắn sẽ phải có hướng dẫn thực hiện, tập huấn giáo viên để tránh tình trạng lộn xộn”.
 
Còn với GS Tung, dù là đúng thì chủ trương cũng cần thực hiện thận trọng, bài  bản, từng bước và có thời gian để trải nghiệm. Nếu vội vã thì sẽ biến đúng thành sai. 
Hoàng Lan 

Tin cùng chuyên mục

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.