Rối bời chọn tổ hợp môn thi vào lớp 10

Nguyễn Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) -Kỳ thi lớp 10 sắp diễn ra nhưng thời điểm này việc chọn tổ hợp các môn học lớp 10 của học sinh vẫn còn rối bời, nhiều băn khoăn. Bởi dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã cho phép học sinh có thể chọn lại tổ hợp môn vào lớp 10 nếu lỡ chọn “sai”, nhưng thực tế để thay đổi tổ hợp không hề đơn giản.

Rối bời chọn tổ hợp môn thi vào lớp 10 - ảnh 1
Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, lên lớp 10, học sinh sẽ phải học theo tổ hợp lựa chọn.
Ảnh minh họa

Băn khoăn không biết nên chọn tổ hợp nào
Bắt đầu từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 học chương trình GDPT 2018. Theo đó, học sinh lớp 10 phải học 8 môn bắt buộc bao gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử.

Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ lựa chọn 4 trong 9 môn bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật.

Đứng trước sự lựa chọn tổ hợp môn học, nhiều phụ huynh, học sinh cảm thấy lo lắng, băn khoăn khi không biết lựa chọn tổ hợp thế nào cho đúng với năng lực, nghề nghiệp sau này. Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, “trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng muốn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng sẽ xem xét quyết định và báo cáo Sở GD-ĐT". Như vậy, học sinh có thể đổi nguyện vọng nếu lỡ chọn “sai”. Tuy nhiên, từ thực tế tìm hiểu, phụ huynh thấy việc thay đổi này không hề đơn giản.

Chị Nguyễn Quỳnh Mai (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, chị cùng gia đình vẫn đang lưỡng lự trong việc chọn tổ hợp cho con. Chị rất muốn con gái chọn theo ban tự nhiên, sẽ có nhiều ngành nghề rộng mở, thu nhập tốt trong tương lai. Nhưng con gái lại muốn theo ban xã hội.

“Con học cũng không hẳn xuất sắc, nổi trội hẳn, mà “làng nhàng” giữa cả tự nhiên và xã hội nên thực sự rất khó quyết. Con không muốn học tự nhiên, nên tôi sợ nếu ép con học thì con sẽ học vất vả, thậm chí không theo được. Dù Bộ GD-ĐT cho phép học sinh được đổi lại tổ hợp, tuy nhiên, theo tôi được biết, ít nhất phải sau 1 học kỳ, có trường phải sau 1 năm, và lại phải học bổ sung kiến thức, có điểm ở môn định chuyển thì mới được đổi. Nên thực sự là rất lo lắng”- chị Mai tâm sự.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, cùng với tâm trạng lo cho con thi vào lớp 10 THPT, cũng “rối bời” trong việc chọn tổ hợp môn học, bởi nó liên quan tới quá trình học tập cũng như tuyển sinh đại học của con trong tương lai.

Một số giáo viên cho rằng, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, “trong trường hợp đặc biệt”, học sinh có thể đổi tổ hợp, tuy nhiên, công văn không nói rõ “đặc biệt” là gồm những trường hợp nào, điều này sẽ gây khó khăn cho các trường khi thực hiện. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng cần có hướng dẫn rõ hơn về việc dạy bổ sung kiến thức cho học sinh, việc bố trí giáo viên sẽ như thế nào, nguồn kinh phí từ đâu… Với những trường hợp học sinh chuyển trường, nếu “lệch” môn tổ hợp, hiện sẽ không thể chuyển được, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ, tránh gây khó khăn cho các em. 

Thận trọng khi chọn tổ hợp
Trao đổi với PV Báo Phụ nữ Thủ đô, ThS Lê Thị Hương Giang (Trường THPT Đại Mỗ, Hà Hội) cho biết, phụ huynh và học sinh phải rất thận trọng, suy nghĩ kỹ khi lựa chọn tổ hợp môn lớp 10. Việc chọn lựa này phải căn cứ trên năng lực, sở thích và ngành nghề mà học sinh đó muốn hướng tới trong tương lai.

Chẳng hạn, nếu học sinh học tốt, có năng lực về các môn Toán, Lý, Hóa, và các lĩnh vực ngành nghề tuyển sinh theo tổ hợp này thì nên lựa chọn. Còn nếu không học được, mà chỉ là sở thích của bố mẹ, thì sẽ không theo nổi. Khi chọn “sai”, các em có thể được đổi lại tổ hợp, nhưng phải sau 1 năm chứ không thể “chuyển ngang” sang luôn.

“Thực tế, có học sinh khi vào học một thời gian rồi mới “tá hỏa” khi nhận ra mình không phù hợp với tổ hợp đã chọn, hoặc không thể học được, muốn xin đổi. Tuy nhiên, để đổi tổ hợp, các em phải học bổ sung kiến thức, có điểm môn ở tổ hợp định chuyển sang. Điều này không đơn giản, vì còn phụ thuộc vào giáo viên, bố trí lớp…”- cô Hương Giang nói.

Cô Lê Thị Hương Giang cho biết, khi phụ huynh, học sinh chọn tổ hợp, giáo viên cũng có tư vấn cho các gia đình. Tuy nhiên, vì các em mới từ bậc THCS lên, các thầy cô không thể biết được mặt mạnh, yếu của các em để có thể tư vấn một cách chính xác nhất. Cho nên, điều quan trọng vẫn là các phụ huynh phải rất hiểu con mình. Và bản thân các em cũng phải hiểu được năng lực cũng như mong muốn của bản thân. Thậm chí, có cả trường hợp cứ “chọn bừa”, nghĩ học sao cũng được, nhưng rồi đã không theo được.

Theo cô Giang, một điều nữa phụ huynh và học sinh cũng cần lưu ý, đó là với những trường hợp học sinh chuyển trường, cần phải xem trường định chuyển tới có tổ hợp môn mà mình đang học ở trường hiện tại hay không. Đã có trường hợp, học sinh được trường nơi có nguyện vọng chuyển tới đồng ý tiếp nhận, tuy nhiên, sau đó mới phát hiện ra trường mới không có tổ hợp mà học sinh đang học, không thể chuyển được. 

Điều này xuất phát từ việc phụ huynh và học sinh chưa nắm được quy định, lại không được tư vấn kỹ, đã dẫn tới những trục trặc, khó khăn, ảnh hưởng tới quá trình học tập của các em.

Đồng quan điểm với ThS Lê  Thị Hương Giang, ThS Đặng Thị Liễu (Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) cho hay, việc lựa chọn tổ hợp rất quan trọng, bởi nó liên quan tới việc xét tuyển đại học của các em sau này. Ngoài ra, nếu chọn không đúng, muốn thay đổi tổ hợp, các em sẽ phải bổ sung kiến thức môn học theo tổ hợp muốn chuyển, phải có điểm tổng kết, mất công sức, thời gian… Lượng kiến thức môn học sau 1 năm cũng khá nhiều, các em sẽ phải vừa học lớp 11, vừa học bổ sung kiến thức lớp 10, điều đó không dễ dàng. Cho nên, phụ huynh và học sinh cần cân nhắc, có sự lựa chọn đúng.
“Công tác hướng nghiệp cho học sinh cũng cần được chú trọng, bởi việc lựa chọn tổ hợp liên quan đến chọn ngành nghề, lĩnh vực nghề nghiệp mà học sinh muốn theo đuổi sau này. Nếu không được tư vấn, nhiều phụ huynh và học sinh cũng rất khó khăn trong việc xác định nghề nghiệp phù hợp với năng lực của con để lựa chọn tổ hợp môn học cho chính xác” - cô Liễu nói.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…