Tăng học phí đại học:

Sinh viên nghèo gặp khó

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo lộ trình, từ năm học 2022-2023, nhiều trường đại học sẽ tiếp tục tăng học phí, trong đó mức tăng cao có thể tới hơn 10 triệu đồng/năm. Theo lý giải của các trường, tăng học phí là tất yếu để đảm bảo thu bù chi song từ góc độ sinh viên, học phí tăng có thể khiến con đường tới giảng đường của nhiều sinh viên nghèo thêm gập ghềnh.

Học phí là xu hướng tất yếu

Cụ thể, so với mức học phí năm học 2021-2022, học phí mới của năm học 2022-2023 tăng cao nhất ở khối ngành Y Dược (tăng 71,33%). Các khối ngành khác tăng khoảng từ 20-30%.
Năm học 2022-2023 mức học phí dự kiến cho chương trình đại trà của trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM khoảng 27,5 triệu đồng/năm, tăng khoảng 2,5 triệu so với năm học 2021-2022.

Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Mnh cũng dự kiến mức học phí mới ở mức 16-24 triệu đồng tùy ngành cho chương trình đại trà, tăng gần gấp 2 so với năm học trước. 

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra mức học phí hệ đại trà là 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ, tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021.

Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh 2022 ở mức 4,2 triệu đồng/tháng, tăng so với mức học phí đang áp dụng trong năm học 2021-2022 là 3,5 triệu đồng/tháng.

Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo mức học phí đào tạo đại học năm học 2022-2023 dao động từ 17,4 triệu đồng/năm đến 26,1 triệu đồng tùy ngành, tăng hơn so với định mức học phí đào tạo đại học hệ chính quy đối với các chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng cao các khóa đã tuyển sinh từ năm 2021 (13,5 triệu đồng). 

Theo TS Lê Trường Tùng, Đại học FPT, bài toán tài chính cho các trường đại học bao giờ cũng nan giải. Không giải quyết được vấn đề tài chính (có nền tảng tài chính vững chắc) thì các trường đại học không phát triển được. Tài chính của trường đại học có thể đến từ nhiều nguồn, từ học phí người học (tự đóng hoặc vay tín dụng), từ ngân sách Nhà nước, từ hiến tặng, từ các nguồn thu qua hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ và đấu tư. 

Vấn đề hiện nay hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang phải đối mặt là ngân sách nhà nước hạn chế, ngân sách giáo dục cần dành chi nhiều hơn cho giáo dục phổ thông. Mức chi phí trung bình đào tạo đại học ở Việt Nam dưới 1000 đô la Mỹ/năm/sinh viên, chỉ bằng 1/20 chi phí của Australia.

Trong các năm tới, Việt Nam cần phải nâng chi phí đào tạo lên, từ nhiều nguồn, chắc phải gấp 5 con số này trong 10 năm tới (tương đương với Thái Lan và bằng 5-10% Mỹ, Australia hiện nay) để có điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ở mức tối thiểu. 

Sinh viên nghèo gặp khó - ảnh 1
Sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành Ảnh: NTT

Làm gì để không hạn chế quyền đến trường của sinh viên nghèo?

Theo Thạc sĩ Lê Thị Thu Hoài, trường Đại học Hà Tĩnh, thực tế cho thấy, học phí cho năm học 2020-2021 bậc đào tạo cử nhân tại các trường đại học công lập tự chủ cao hơn từ 2,1 đến 3,5 lần so với các trường đại học không tự chủ. Do đó, việc tăng học phí trong các trường đại học công lập tự chủ có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học.

Theo Ths Lê Thị Thu Hoài, khi thực hiện tăng học phí cần đảm bảo lợi ích của cơ sở giáo dục đại học, nhưng phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội đất nước. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người học, ví dụ chính sách về tín dụng đào tạo, chính sách học bổng, chính sách miễn, giảm học phí đối với đối tượng chính sách...

TS Nguyễn Hoàng, trường Đại học Thương Mại cũng cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên trong giá dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập, đảm bảo nguyên tắc lấy thu đủ bù đắp chi phí đào tạo trong học phí.

Tuy nhiên, kèm theo cơ chế này cần có chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa về mức học phí… tạo điều kiện cho mọi người đều được tiếp cận giáo dục đại học.

TS Lê Trường Tùng bày tỏ quan điểm, do ngân sách hạn chế, Việt Nam chỉ thể tăng chi phí đào tạo/sinh viên theo 3 cách: Thực hiện lộ trình tự chủ gắn với lộ trình tăng học phí trường công; tăng tỷ trọng sinh viên trường tư song song với giảm tỷ trọng sinh viên trường công để tối ưu việc sử dụng ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục đại học và cuối cùng là tín dụng.

Cách đầu tiên do không thể tăng học phí quá nhiều nên sẽ đến lúc phải dùng đến cách thứ hai là giới hạn sinh viên trường công từ khoảng 85% hiện nay xuống còn khoảng 65% (chẳng hạn mỗi năm giảm 5% chỉ tiêu trường công), cũng để tỷ lệ sinh viên trường công trường tư tương xứng với các nước khác trong khu vực. Cách cuối cùng là cần có giải pháp và cách đi phù hợp, vì liên quan đến cả tín dụng đầu tư và tín dụng sinh viên. 

Còn theo PGS.TS. Lê Khánh Tuấn, trường Đại học Sài Gòn, học phí được quyết định bởi hai yếu tố là chỉ tiêu đào tạo và mức thu. Tuy nhiên, chỉ tiêu đào tạo thì phụ thuộc vào điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ GDĐT và mức thu học phí thì bị giới hạn bởi khung thu của Chính phủ. TS Lê Khánh Tuấn kiến nghị, Nhà nước cần xác định mức bình quân để hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo (ví dụ là 50/100) theo số người học mà trường đã tuyển sinh theo quy định của nhà nước.

Người học ở trường công lập và trường ngoài công lập đều được hỗ trợ như nhau. Giải pháp này trước hết để tạo ra sự công bằng trong trách nhiệm chi trả của Nhà nước đối với việc sử dụng sản phẩm, sau đó là giúp các trường ngoài công lập có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn. 

Sau khi có sự hỗ trợ của Nhà nước, với phần chi phí đào tạo còn lại cần tính toán để xác định trách nhiệm đóng góp của người học bằng phương thức học phí (mức tính có thể theo thu nhập bình quân chung của dân cư cả nước). Đối với trường hợp người học không có khả năng đóng góp, bằng các chính sách xã hội, Chính phủ thực hiện việc miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập. 

Cuối cùng, TS Lê Khánh Tuấn cho rằng, cũng cần quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu trong phối hợp, chia sẻ chi phí đào tạo. Doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp đều phải đảm nhận một khâu của quá trình đào tạo, xem đó là trách nhiệm chi trả chi phí đào tạo.

Thực hiện tốt giải pháp này cũng góp phần bù đắp chi phí vào giá thành đào tạo.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.