Tuyển sinh đại học năm 2023:

Tái diễn tình trạng “trăm hoa đua nở”?

Nguyễn Hạ
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đến thời điểm này, đã có hơn 50 trường đại học trên cả nước công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2023. Điều đáng nói là năm nay, phương án tuyển sinh “trăm hoa đua nở” khi một số trường đưa ra phương thức xét tuyển riêng, với các ngành học mới, bên cạnh phương thức xét tuyển chung với các ngành học truyền thống.

Tái diễn tình trạng “trăm hoa đua nở”? - ảnh 1
Việc nhiều trường đại học mở thêm nhiều ngành mới sẽ tạo điều kiện cho thí sinh có cơ hội lựa chọn nghề nghiệp         Ảnh minh họa

Chạy đua mở ngành học mới
Ngay tháng 1/2023, hàng loạt trường đại học (ĐH) trong cả nước đã lần lượt công bố đề án tuyển sinh năm 2023. Đáng lưu ý năm nay, nhiều trường đã mở thêm các ngành học mới. Top 1 trường thông báo mở nhiều ngành mới nhất là Đại học Kinh tế TP HCM với 5 ngành học mới gồm: Công nghệ tài chính, Marketing công nghệ, Kinh doanh số, Kỹ sư robot và trí tuệ nhân tạo, Kỹ sư công nghệ logistic. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM cũng mở thêm 5 ngành là: Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính, Luật, Thương mại điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. 

 Đứng ở Top 2 là trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và trường ĐH Công nghệ TP HCM thông báo mở thêm 4 ngành mới. Cụ thể, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội mở thêm 4 ngành gồm: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Ngôn ngữ học và Công nghệ kỹ thuật điện tử); trường ĐH Công nghệ TP HCM thông báo tuyển thêm 4 ngành là: Công nghệ ôtô điện, Bất động sản, Luật thương mại quốc tế, Quản lý thể dục thể thao.

Các trường thông báo mở thêm 2-3 ngành mới có trường ĐH Ngoại thương thêm 2 ngành mới là Kinh tế chính trị và Kinh tế chính trị quốc tế; trường ĐH Thủy lợi mở thêm 3 ngành mới: Luật Kinh tế, Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Trung. Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM mở ngành mới là: Quản lý tài nguyên và môi trường, Công nghệ vật lý điện tử và tin học. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển thêm ngành Y dược cổ truyền…

Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), việc các trường đại học mở thêm các ngành học mới là xu hướng phù hợp với xu thế thời đại khi các trường đào tạo ngành nghề theo nhu cầu của thị trường lao động cần.


Tổ chức kỳ thi riêng: Nỗi lo “trăm hoa đua nở”?
Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), năm 2023, công tác tuyển sinh vẫn giữ ổn định như năm 2022, chỉ tăng cường các giải pháp về mặt kỹ thuật, phần mềm để hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở GD-ĐT và các thí sinh trong quá trình đăng ký và xét tuyển ĐH năm 2023. Thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng. Và, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển được thực hiện sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT.

 Tuy nhiên, năm nay cùng với việc mở thêm các ngành học mới, các trường ĐH đã tổ chức các kỳ thi tuyển sinh ĐH riêng cũng gia tăng. Điều này được các trường lý giải để phù hợp với y êu cầu riêng của từng trường.

Thời điểm này đã có một số trường ĐH chốt đề án tuyển sinh riêng như: ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM; ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM…

Cụ thể, trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố đề án tuyển sinh năm 2023 riêng với 4 phương thức xét tuyển đầu vào hệ chính quy gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của ĐH Bách khoa Hà Nội; xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển riêng của nhà trường (chiếm 70% chỉ tiêu).

Quy định mới với thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2023 
Toàn bộ thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023 sẽ đăng ký theo hình thức trực tuyến; thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, di chuyển đến phòng chờ và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi… là những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến triển khai vào đầu tháng 7.
Nội dung này được quy định tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT vừa công bố. Theo Thông tư đó, Bộ GD-ĐT bổ sung thêm một số điểm mới đối với thí sinh khi dự thi. Đó là: Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi; phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng thi và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi. Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí.
Toàn bộ thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023 sẽ đăng ký theo hình thức trực tuyến. Riêng thí sinh học xong THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi, nhưng chưa tốt nghiệp những năm trước, những người đã có bằng tốt nghiệp THPT, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả đăng ký xét tuyển (thí sinh tự do) đăng ký dự thi và đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT (nếu có) trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.
Về việc sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông tại điểm thi, các Hội đồng thi sử dụng thống nhất phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm do Bộ GD-ĐT cung cấp; thiết lập hệ thống trao đổi thông tin về kỳ thi chính xác, cập nhật giữa trường phổ thông với sở GD-ĐT, giữa sở GD-ĐT với Bộ GD-ĐT; thực hiện đúng quy trình, cấu trúc, thời hạn xử lý dữ liệu và chế độ báo cáo theo quy định trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT. 
Tại mỗi khu vực thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi của Hội đồng thi (bao gồm in sao đề thi, coi thi, làm phách bài thi tự luận, chấm thi, phúc khảo) phải bố trí 1 điện thoại cố định đặt tại phòng làm việc chung hoặc phòng trực hoặc phòng được bố trí riêng bảo đảm an ninh, an toàn.
P.V

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội công bố Đề án tuyển sinh năm 2023 riêng với việc sẽ tổ chức kỳ thi độc lập. Kỳ thi này dự kiến trường sẽ tổ chức một hoặc hai đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5/2023. Theo trường ĐH Sư phạm Hà Nội, với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2023 sẽ tăng tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển lên khoảng 20-30% tùy ngành. Số chỉ tiêu còn lại nhà trường vẫn sử dụng 4 phương thức tuyển sinh tương tự năm 2022 (xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành).

Đề án tuyển sinh riêng của trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM năm 2023 là sử dụng 4 phương thức xét tuyển: Xét tuyển dựa vào học bạ THPT; kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; kết quả thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức năm 2023; xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Còn Đề án tuyển sinh riêng của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM năm 2023 dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 1/3/2023 đến hết ngày 6/6/2023. Nhà trường dùng hai phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển học bạ THPT năm 2023. 

 Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, việc các trường ĐH chủ động hợp tác, hoặc liên kết để tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, tổ chức kỳ thi xét tuyển ĐH riêng là để đáp ứng với yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Bởi từ năm 2025 trở đi, thí sinh sẽ tốt nghiệp PTTH theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Dù kỳ thi tốt  nghiệp THPT chung vẫn được tổ chức, nhưng kết quả sẽ khó đáp ứng yêu cầu xét tuyển đầu vào của một số trường ĐH do mỗi trường có yêu cầu khác nhau. Vì vậy, về phía Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH chủ động phương án tuyển sinh riêng để đáp ứng yêu cầu riêng của cơ sở đào tạo đó; nhưng các trường cần có sự phối hợp trong việc tổ chức kỳ thi riêng, tránh tình trạng có quá nhiều kỳ thi, gây khó khăn cho thí sinh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về việc ngày càng có trường ĐH tổ chức các kỳ thi xét tuyển riêng. Điều này sẽ có nguy cơ thi ĐH sẽ quay về như trước đây, mỗi trường thi một kiểu, và thí sinh sẽ phải tham gia nhiều kỳ thi ĐH, vừa tốn kém chi phí, vừa mất thời gian. Việc cải tiến, đổi mới tuyển sinh ĐH bằng việc lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ xét tuyển sẽ không còn ý nghĩa. Như vậy, mục đích đổi mới trong tuyển sinh ĐH như kỳ vọng sẽ không đạt được như mong muốn.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.