Tăng tốc học thi

HUYỀN TRANG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Xưa nay, thi cử được xem là thước đo đánh giá mức độ hiểu biết cũng như khả năng nhận thức của mỗi người đối với các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Những áp lực trong giai đoạn thi cử là tình trạng chung của hầu hết các sĩ tử và người thân.

Học từ sáng tới khuya vẫn chưa thấy đủ

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo thi Tốt nghiệp THPT và kế hoạch tuyển sinh năm 2024. Khoảng 200 cơ sở giáo dục đại học cũng đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Đó là chưa kể các học sinh lớp 9 tại nhiều địa phương cũng chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, kỳ thi được đánh giá là quan trọng và căng thẳng hàng đầu trong đời học sinh. Nhận thức được tính khốc liệt, cạnh tranh của mùa thi, nhiều học sinh đã bắt đầu ra sức ôn luyện ngày đêm, quên ăn quên ngủ…

Với kỳ vọng đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi cuối kỳ, nhiều học sinh đã và đang phải nỗ lực học tập, ôn luyện ngày đêm. Thậm chí, nhiều em còn không có ngày nghỉ cuối tuần vì lịch học quá dày đặc.

Vừa kết thúc buổi học chính khoá tại trường, A.Q, học sinh một trường THPT trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã phải tiếp tục di chuyển đến một lớp học thêm khác, cách trường khoảng 2km. Suốt gần 1 tháng nay, số lần Q về nhà trước 8h tối chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để có thể đạt được kết quả tốt nhất cho kỳ thi cuối kỳ, không chỉ có Q mà nhiều bạn học cùng lớp với em đã không biết đến ngày nghỉ cuối tuần. Các em được nghỉ ở trường sẽ đến các lớp học thêm, hoặc lập nhóm để tự ôn tập.

Tăng tốc học thi - ảnh 1
Ảnh minh họa.

Với K.B, học sinh lớp 12 tại quận Hoàng Mai, bố mẹ cô bé đã lựa chọn cách thuê gia sư tại nhà để con gái đỡ vất vả di chuyển. B cho biết năm nay, em muốn dùng kết quả học THPT để xét tuyển đại học, nhằm giảm bớt áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Tuy nhiên, áp lực điểm số với cô bé lại khá lớn, khi B đặt mục tiêu các môn xét tuyển phải đạt từ 8-9 điểm trở lên.

“Cả ngày em kín lịch học trên lớp, sau khi ở lớp về, em ăn, nghỉ ngơi 1 lúc rồi học gia sư đến 9h30 mới nghỉ. Sau đó, em tiếp tục xem lại bài ở lớp, làm tiếp bài tập gia sư giao và các bài nâng cao đến hơn 12 giờ mới hết bài. Có hôm làm không hết bài, em lén giấu bố mẹ uống thêm cà phê để tỉnh táo học bài” - B chia sẻ.

Không chỉ có các học sinh chuẩn bị “bàn đạp” thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, nhiều học sinh chuẩn bị “vượt vũ môn” lên lớp 10 cũng đã phải chuẩn bị tâm lý từ sớm. Chị P, mẹ học sinh N.N, lớp 9 tại quận Hà Đông cho biết, con gái chị xác định nộp hồ sơ thi vào 3 trường chuyên: Chuyên Amterdam và Chuyên Nguyễn Huệ và Chuyên Khoa học xã hội nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Do đó, cháu lên kế hoạch “dày đặc” vừa ôn vừa luyện. Buổi sáng, cháu dậy từ 5h để học bài. Sau giờ học ở trường, cháu lại đi học thêm đến tối muộn mới về. Hôm nào không có lịch học thêm, một nhóm bạn lại tụ tập cùng nhau học bài. Có hôm, vừa về đến nhà, cháu chỉ ăn vội mấy thìa cơm rồi lại vào bàn học tiếp, đến 2-3 giờ sáng mới đi ngủ. “Để tỉnh táo học bài, con gái tôi ngày nào cũng uống 2 ly cà phê. Có hôm, cháu uống đến… 7 gói cà phê hoà tan” - chị P lo lắng chia sẻ.

Không chỉ học sinh tự áp lực về điểm số, nhiều phụ huynh cũng căng thẳng không kém. Chị M.A, ở quận Thanh Xuân cho biết, năm nay, chị lên mục tiêu cho con thi đỗ vào trường công lập THPT ở Hà Nội, phần thưởng là sẽ cho các con đi du lịch Nha Trang 4 ngày.

Tăng tốc học thi - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chị M.A nói, năm nay là năm học cuối cấp nên rất quan trọng với con. Lo con thi trượt lớp 10 công lập, chị cho con tiếp cận kiến thức lớp 9 từ năm con đang hợp lớp 8 để tạo nền nóng tốt cho con ngay từ đầu năm học. Chị xác định con thi khối D nên đầu tư thời gian cho con học tốt Toán, Văn, luyện tiếng Anh thường xuyên ở các trung tâm. Chị không bắt con làm việc nhà, chỉ có ăn, học và ngủ. “Con chỉ có mấy tháng này để chạy đua vào các trường theo ý muốn, nên tôi hỗ trợ cho con dành trọn thời gian ôn luyện để đạt kết quả tốt nhất” - chị M.A nói.

Rối loạn lo âu do áp lực học tập

 Áp lực thi cử, học hành, áp lực từ chính bản thân, bạn bè, thầy cô, cha mẹ… khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu và mắc các chứng rối loạn do stress. Hầu hết vào các mùa thi, học sinh nhập viện điều trị trầm cảm do áp lực học hành, hoặc phải tìm đến chuyên gia tâm lý không hiếm.

Khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận, điều trị cho một nữ sinh 12 tuổi bị trầm cảm vì áp lực học hành, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng và luôn hoảng sợ vào dịp cao điểm ôn thi năm 2023. Theo người nhà, bệnh nhân có tính cách hiền lành, ngoan ngoãn, học lực giỏi. Tuy nhiên, do áp lực phải đạt được vị trí đứng đầu lớp mới được vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi của trường nên nữ sinh luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và mất ngủ.

Tình trạng này kéo dài khiến nữ sinh này cảm thấy sợ đi học và không dám đến trường học. Kết quả học tập giảm càng khiến nữ sinh lo lắng vì bị bạn bè chê cười, xem thường và thầy cô giáo khiển trách. Em rơi vào trạng thái chán nản và không còn thiết tha mọi thứ trong cuộc sống… Hay một nữ sinh khác học lớp 9 ở Hà Nội cũng nhập viện trong tình trạng bồn chồn không yên, khó ngủ, lo lắng, hay khóc…

Tình trạng này diễn ra liên tục khi kỳ thi đến gần khiến phụ huynh vô cùng lo lắng và đã đưa trẻ đến khám, điều trị. Cả hai bệnh nhi trên được các bác sĩ xác định có các rối loạn tâm lý liên quan áp lực học tập căng thẳng…

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số các trẻ đến khám và điều trị vì các biểu hiện lo âu, trầm cảm và căng thẳng, nhiều em được đánh giá ngoan, có thành tích học tập khá giỏi. Những trẻ này thường hay tự tạo áp lực với bản thân mình để giữ hình ảnh với bạn bè, gia đình, thầy cô khiến trẻ nỗ lực không ngừng.

Điều này khiến trẻ dễ bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, thậm chí trầm cảm, nhất là khi không đạt được kỳ vọng như mong muốn. Nguyên nhân của rối loạn trên thường là khối lượng kiến thức quá nhiều, trẻ chuẩn bị cho kỳ thi chưa tốt, tâm lý chưa vững vàng và áp lực từ nhà trường, bố mẹ…

Tăng tốc học thi - ảnh 3
Ảnh minh họa

TS Ngô Anh Vinh - Phó Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ với báo chí: Năm 2022, khoa Sức khỏe Vị thành niên của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường THCS ở Hà Nội. Kết quả cho thấy 38% trẻ được nghiên cứu có các biểu hiện lo âu, 33% bị stress và trầm cảm là 26,1%.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới WHO, hiện có hơn 13% trẻ em, thanh thiếu niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu đang sống chung với chứng rối loạn tâm thần.

Tại Việt Nam, “Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT công bố, thì 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khoẻ tâm thần và chỉ có 8,4% các em được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn. Hơn nữa, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề cảm xúc và hành vi. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, nhiều phụ huynh gây áp lực buộc con em mình phải thành công và có những tiêu chuẩn cao khiến các em phải học 24/24h.

Các loại hình vấn đề sức khoẻ tâm thần phổ biến nhất trong các em Việt Nam là vấn đề hướng nội (như lo âu, trầm cảm, cô đơn) và các vấn đề hướng ngoại (như tăng động, giảm chú ý). Trong đó, vấn đề tự tử trong thanh thiếu niên Việt Nam đang được coi là vấn đề đáng lo ngại hiện nay.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

(PNTĐ) - Trước giờ, nghe đến cụm từ “kế hoạch” chúng ta hẳn sẽ nghĩ rằng dành cho người lớn. Nhưng theo “mẹ bỉm” Hồng Phấn (trú tại TP Hồ Chí Minh) xây dựng kế hoạch tuần để áp dụng cho con là việc làm khoa học, cần thiết.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.