Thiết bị công nghệ không phải để “giữ trẻ miễn phí”

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chỉ cần 1 cái ipad hoặc iphone, bố mẹ có thể thảnh thơi làm việc mà không bị con quấy nhiễu. Thế nhưng, trong khi bố mẹ bận rộn với công việc, thì nhiều trẻ em cũng đánh mất thời gian quý giá trước màn hình tivi hay điện thoại do sử dụng thiết bị công nghệ quá nhiều.

Cấm, ép, đánh…  không giúp trẻ rời xa công nghệ

Mỗi lần cần rảnh rang hay khi cho con ăn, chị Hồng Nhung đều có thói quen đưa cho con cái ipad, điện thoại. Suốt cả ngày, các con chị dán mắt vào đồ công nghệ. Đợt gần đây, thấy con hay học theo các câu nói, hành động trên các clip ngắn, chị mới để ý nội dung con xem. “Cháu lớn thì học các clip đấm, đá, sử dụng kiếm, gầm gào như siêu nhân, thậm chí dùng các từ ngữ khiếm nhã… Cháu nhỏ thì mẹ không cho mượn điện thoại là lăn ra khóc ăn vạ. Cả nhà tôi như một cái chợ, mẹ quát mắng, con gào khóc. Nhiều hôm tôi tìm cách giấu điện thoại đi nhưng con vẫn tìm ra…” - chị Nhung thở dài.

Nhiều phụ huynh cũng đang gặp tình cảnh tương tự như chị Nhung khi phó thác điện thoại cho con sử dụng. Thậm chí có người lại cho con xem vì “xem điện thoại, trẻ thông minh hơn” hoặc tính đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ rằng hậu quả vô cùng lớn về sau. Một người mẹ có con 18 tháng tuổi chia sẻ: Bé thích cầm điện thoại và xem những video suốt ngày. Bé biết bật vào kênh youtube và tự mở xem. Nếu lấy lại, bé sẽ khóc và ăn vạ.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, những tác hại của smartphone vô cùng lớn đến trẻ. Trước tiên là sự suy giảm thính lực. Sau nữa, trẻ sử dụng nhiều smartphone sẽ bị mất tập trung, thiếu kiên nhẫn, giảm khả năng ghi nhớ. Nhiều trẻ đến tuổi teen chưa biết quản lý thông tin đưa lên mạng xã hội, dễ gặp phải những cú sốc tâm lý khi gặp phải bình luận ác ý, thậm chí có trẻ gặp những chuyện như bị kẻ xấu dụ dỗ, xâm hại, gạt tiền, bị bôi nhọ trên mạng xã hội… Trẻ còn chưa phân biệt được người tốt, người xấu nên dễ gặp những chuyện như bị dụ dỗ, bị xâm hại, bị gạt tiền…

“Đáng sợ nhất là trẻ bị nghiện mạng xã hội và gặp phải những vấn đề như các bệnh nhân nghiện các chất khác. Khi không vào được mạng xã hội, trẻ sẽ bứt rứt, khó chịu. Các trẻ thường ngồi trên máy nhiều giờ đồng hồ trong ngày. Có trẻ thức đêm để vào mạng đến 2-3h sáng mà không dứt ra nổi. Việc học hành và sức khỏe của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng” – TS Thu Hương cho biết.

Thiết bị công nghệ không phải để “giữ trẻ miễn phí” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y khoa trẻ em Mỹ và Hội Y khoa Canada đăng trên tạp chí Huffingtonpost (Mỹ) đã đưa ra tuyên bố, trẻ em từ 0 - 2 tuổi không nên dính líu gì đến các sản phẩm công nghệ, trẻ em từ 3 - 5 tuổi cần hạn chế 1 giờ/ngày và trẻ từ 6 - 18 tuổi hạn chế 2 giờ/ngày.

Theo đó, nghiên cứu này chỉ ra hậu quả mà trẻ tiếp xúc quá nhiều thiết bị điện tử gồm: tác động xấu đến não bộ; gia tăng các bệnh về trầm cảm, lo lắng, rối loạn gắn bó, có vấn đề về hành vi; dễ bị béo phì, đồng nghĩa với nguy cơ cao về tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ sớm. Các nội dung bạo lực, tình dục đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông có thể gây nên sự rối loạn về tinh thần ở trẻ. Trẻ dễ mắc chứng mất trí nhớ kỹ thuật số; nghiện các thiết bị công nghệ…

Victo Victoria Prooday - một chuyên gia trị liệu có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với trẻ, phụ huynh và giáo viên tại Canada thừa nhận: Con cái chúng ta đang ngày càng kém về mặt xã hội, cảm xúc, học tập và các vấn đề khác. “Bố mẹ đang sử dụng công nghệ như một “dịch vụ giữ trẻ miễn phí”, nhưng trên thực tế chúng ta lại đang phải trả giá cho các khoản phí đó bằng hệ thống thần kinh, sự chú ý và khả năng trì hoãn sự hài lòng của con cái.

So với thế giới ảo thì cuộc sống hàng ngày khá nhàm chán. Những vụ bắn phá, tiếng nổ đồ họa và các hiệu ứng đặc biệt mà chúng thường thấy trên màn hình tivi, điện thoại, máy tính hoặc máy tính bảng thu hút trẻ hơn gấp nhiều lần những bài giảng trên lớp.

Trẻ em biết nói, học được cách giao tiếp, biết cảm nhận cảm xúc từ người đối diện, biết điều chỉnh cảm xúc của mình… thông qua giao tiếp hàng ngày. Ở giai đoạn 0-6 tuổi, trẻ em phát triển mạnh nhất và hai con đường chính để phát triển là thông qua vận động và giao tiếp với người lớn. Vì vậy, khi trẻ ngồi một chỗ để xem tivi, ipad nhiều giờ liền trong lúc người lớn bận rộn, công nghệ đã cướp mất cơ hội quý giá nhất để phát triển.

Thiết bị công nghệ không phải để “giữ trẻ miễn phí” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Đừng “phó thác” thiết bị công nghệ cho trẻ

Chuyên gia Anh Nguyễn, tác giả cuốn sách “Làm mẹ không áp lực” cho rằng, tốt nhất, cha mẹ nên hạn chế tối thiểu giới thiệu các thiết bị màn hình điện tử như ipad, điện thoại, hay TV cho trẻ dưới 5 tuổi. Đặc biệt không dùng những thiết bị để “mua thời gian” yên tĩnh hay để “giết thời gian” của trẻ.

Nếu cho trẻ xem, cha mẹ cần lựa chọn các video mang tính giải trí (video có âm nhạc hoặc có các nhân vật hoạt hình, hình ảnh đẹp) hoặc các video mang tính truyền tải hoạt động gần gũi (vừa vui nhộn vừa có tính giải trí với trẻ nhỏ, nhưng cũng truyền tải những nội dung về các hoạt động hằng ngày của trẻ. Ví dụ như đi tắm, đánh răng, đi ngủ, đi picnic hoặc chơi công viên)...

Đối với những trẻ quen sử dụng nhiều điện thoại, cha mẹ cần có lộ trình thiết lập thời gian sử dụng cho con phù hợp. TS Vũ Thu Hương cho biết, muốn con cai nghiện được điện thoại, người lớn cũng cần loại bỏ thói quen xấu này, hạn chế tối đa việc lạm dụng các thiết bị điện tử, smartphone… Khi trẻ còn nhỏ, tuyệt đối tránh việc sử dụng điện thoại khi ở gần con, nếu cần hãy ra khỏi phòng nơi bé nằm mới sử dụng.

Mặc dù bận rộn, cha mẹ cũng hãy dành thời gian chơi và quan tâm đến trẻ. Khi đi làm về, bạn có thể rủ con cùng vào bếp, cùng dọn dẹp nhà cửa, trò chuyện, hỏi han con về các hoạt động trong ngày của con. Mỗi ngày, các bố mẹ có thể nghĩ ra các trò chơi, hoạt động để tạo sự hứng thú cho trẻ ví dụ: Cùng con vẽ một bức tranh, xếp hình, cắt dán lọ hoa, đọc truyện, tô màu…

“Điều này không chỉ tăng thêm sự gắn kết gia đình, mà các trò chơi trên còn kích thích sự sáng tạo và khả năng tưởng tượng của bé. Đặc biệt, trẻ cũng sẽ không còn thời gian “rảnh” mà nghĩ đến việc sử dụng điện thoại” – TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần lập cho con một thời gian biểu hoạt động thật kín kẽ, khoa học và hướng dẫn con thực hiện theo thời gian biểu đó. Ngoài các hoạt động sinh hoạt thường ngày, trẻ cần được sắp xếp thời gian cho việc đọc sách, tìm hiểu cuộc sống xung quanh, chơi các môn thể thao vận động và làm các công việc nhà. Khi thời gian rảnh rỗi không có, trẻ sẽ không bị cuốn hút vào thế giới công nghệ.

Nếu con bị nghiện công nghệ, cha mẹ cần phải lên 1 kế hoạch thực hiện nghiêm túc. “Thứ nhất, cha mẹ dựa vào mức độ lỗi con đã gây ra để tịch thu điện thoại hoặc máy tính của con trong thời gian 2 giờ. Trong thời gian đó, cha mẹ yêu cầu con làm việc nào đó thay thế và giám sát con làm cho hết 2 giờ. Cha mẹ cũng cần quy định thời hạn sử dụng mạng xã hội chỉ 1h/ngày và có thể giảm dần cùng với tiếp tục tăng các hoạt động khác như thể thao, đọc sách” – TS Hương chia sẻ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội phát động phong trào “Tháng tự học ngoại ngữ”

Hà Nội phát động phong trào “Tháng tự học ngoại ngữ”

(PNTĐ) - Ngày 9/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát động phong trào "Tháng tự học ngoại ngữ". Đây là giải pháp nhằm cụ thể hóa kế hoạch thu hẹp khoảng cách về chất lượng dạy, học ngoại ngữ giữa các trường học khu vực nội thành và ngoại thành của thành phố Hà Nội.