Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới: Có nhiều cái thiếu

Chia sẻ

PNTĐ-Chỉ vài tuần sau khi công bố Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị với các địa phương để bàn giải pháp triển khai chương trình...

 
Những vấn đề đặt ra tại hội nghị này, cũng chính là nội dung mà báo Phụ nữ Thủ đô đã nêu ra trong bài báo “Chương trình học mới của tương lai”, ra ngày 2/1/2019…
 
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới: Có nhiều cái thiếu - ảnh 1
Sẽ còn nhiều khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới

 
Thiếu giáo viên khi triển khai chương trình 
 
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến tháng 10/2018, cả nước có hơn 1,1 triệu giáo viên mầm non, phổ thông. Tỉ lệ giáo viên (GV)/lớp toàn quốc như sau: Nhóm trẻ: 1,77 GV/nhóm trẻ (thấp hơn so với định mức quy định là 0,73 GV/nhóm trẻ); mẫu giáo: 1,68 GV/lớp (thấp hơn so với định mức quy định là 0,52 GV/lớp); tiểu học: 1,43 GV/lớp (so với định mức quy định giáo viên tiểu học còn thiếu chủ yếu ở các môn Ngoại ngữ, Tin học); THCS: 1,99 GV/lớp (cơ bản đủ so với định mức quy định, GV THCS nhưng vẫn thừa, thiếu cục bộ); THPT: 2,25 GV/lớp (cơ bản là đủ so với định mức quy định GV THPT).
 
Theo báo cáo của các sở GD-ĐT, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số GV còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người. Riêng cấp THCS, hiện tại toàn quốc thiếu hơn 10.000 GV một số môn nhưng vẫn thừa 12.165 GV THCS môn khác).
 
Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, GV là lực lượng quan trọng. Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ cho rằng, chương trình có hay đến mấy mà thiếu các điều kiện đồng bộ thì cũng không triển khai được. Chẳng hạn như riêng tại Phú Thọ cũng đang thiếu hơn 1.000 GV phổ thông. Trong đó cấp tiểu học còn thiếu hơn 800 GV. Vì thế, các địa phương rất cần được quan tâm, đầu tư, hướng dẫn để giải quyết bài toán thừa thiếu GV.
 
Bộ GD-ĐT cho rằng, tới đây sẽ phải đào tạo thêm GV cho những môn học mới chưa có trong chương trình giáo dục hiện hành. Cụ thể thực hiện đào tạo GV Âm nhạc, Mỹ thuật để dạy môn học giáo dục nghệ thuật ở cấp THPT; đào tạo GV chuyên ngành tiếng Anh, Tin học ở tiểu học vì trong chương trình mới, những môn học này đã chuyển từ tự chọn sang bắt buộc…; đào tạo GV theo từng chuyên ngành do tăng quy mô trường, lớp, HS và thay thế số GV nghỉ hưu (khoảng 2%/năm). Ngoài ra, cần tập huấn cho đội ngũ GV hiện có theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
 
Bộ GD-ĐT yêu cầu ngành GD-ĐT các địa phương tiến hành rà soát đội ngũ GV hiện có ở từng trường để dự kiến số lượng GV còn thiếu, số lượng GV dôi dư theo từng môn học, cấp học làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, điều chuyển, bố trí, sắp xếp GV hợp lý, không để tình trạng thiếu GV khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình mới, nhất là GV dạy những môn học mới.
 
Khó giải bài toán quá tải trường lớp
 
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, khi thực hiện chương trình, cấp tiểu học đảm bảo yêu cầu 1 lớp/phòng để học 2 buổi/ngày. Cấp THCS và cấp THPT bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn. Ngoài ra, các cấp học cần các phòng học bộ môn và chức năng như: Giáo dục nghệ thuật, Khoa học - Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, khoa học tự nhiên. Sở dĩ phải có điều kiện học 2 buổi/ngày vì HS cần được tăng cường giáo dục toàn diện, cụ thể là các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, văn hóa - nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống.
 
Hiện nay, theo Bộ GD-ĐT cả nước có 567.012 phòng học, trong đó vẫn còn gần 30% chưa kiên cố. Với phòng học bộ môn, cấp THCS và THPT trung bình mỗi trường có khoảng 4-5 phòng học. Tuy nhiên, ở bậc THCS, chỉ có 70% số phòng học bộ môn đáp ứng quy định; ở cấp THPT, tỉ lệ này là gần 77%. Bên cạnh đó, thiết bị dạy học tối thiểu ở nhiều cơ sở giáo dục vẫn còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy chương trình giáo dục hiện hành, chưa nói tới chương trình giáo dục phổ thông mới được cho là “tiên tiến hơn, tăng tính thực tiễn” nhiều hơn. 
 
Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khó khăn của địa phương này là học sinh ngày càng đông do áp lực tăng dân số cơ học, trong khi đó, quỹ đất để xây mới trường học lại không còn. Hiện, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đồng ý đầu tư xây mới 22 trường; ngoài ra, tiếp tục đầu tư hàng năm cho cơ sở vật chất trường lớp. Tuy nhiên, bài toán quá tải chưa thể giải quyết hoàn toàn. Vì thế, ông Chử Xuân Dũng đề nghị cần sớm có các quy định tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất, phòng học bộ môn cũng như được định hướng với một số địa phương sĩ số học sinh/lớp còn đông.
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Bộ đang phối hợp với Bộ Xây dựng để điều chỉnh chuẩn quy định nhà trường cho phù hợp và khả thi, đặc biệt là với điều kiện HS đông ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, địa phương vẫn cần phải chủ động xây dựng quy hoạch trường lớp đồng bộ mới có thể “đối phó” với tình trạng  nhà cao tầng ngày càng nhiều. Về thiết bị dạy học, Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục thiết bị dạy học theo lộ trình thực hiện chương trình mới trên nguyên tắc kế thừa những thiết bị đã có, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
 
Nhiều chuyên gia đánh giá, Bộ đã cho thấy quyết tâm tìm giải pháp nhằm triển khai thành công chương trình giáo dục mới, dẫu rằng khó khăn hiện có đang rất bề bộn.
 
Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ có 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). 
Ở cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2). Bậc học này xuất hiện môn học mới là Tin học và Công nghệ.
 
Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Ở bậc học này là môn Tin học trở thành bắt buộc (khác với trước đây là tự chọn). 
 
Ở cấp THPT, có 5  môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học được lựa chọn: theo nhóm khoa học xã hội, nhóm khoa học tự nhiên, nhóm công nghệ và nghệ thuật. Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
 
 
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

 Ngày 4/5, Khai mạc Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024

Ngày 4/5, Khai mạc Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024

(PNTĐ) - Ngày hội Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024 có chủ đề “Đẩy mạnh Chuyển đổi Số và giáo dục STEM trong ngành Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) theo định hướng giáo dục thông minh” diễn ra từ ngày 4-5/5/2024, tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông.
Hướng nghiệp sớm: Đúng, nhưng phải trúng!

Hướng nghiệp sớm: Đúng, nhưng phải trúng!

(PNTĐ) - Việc chọn đúng ngành nghề rất quan trọng, vì vậy công tác hướng nghiệp cần được làm từ sớm và có hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, việc hướng nghiệp mới chỉ ở hình thức, chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu mong muốn của học sinh.