Vừa mừng, vừa lo

Chia sẻ

Mừng vì sau thời gian dài học trực tuyến, ngày 6/12/2021, một số trường THPT, Trung tâm GDTX  tại một số quận, huyện của Hà Nội đã mở cửa đón học sinh đi học trực tiếp. Tuy nhiên, theo sau các em vẫn là không ít lo lắng về việc đi học vào thời điểm này có thực sự an toàn khi học sinh còn chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Bên cạnh đó, có những địa phương, trường học… vẫn quyết định chưa cho học sinh đi học trở lại. 

Ngày 5/12/2021, do tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biễn phức tạp, số ca F0 tăng đột biến so với trước, trong đó có nhiều ca cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường học, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có quyết định điều chỉnh việc tổ chức dạy học trực tiếp.
Theo đó, các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, 2 cho phép học sinh trở lại trường học từ ngày 6/12/2021 nhưng thực hiện luân phiên theo từng lớp.

Học sinh khối lớp 12 của các trường THPT, các trung tâm GDNN-GDTX trên thành phố đi học trực tiếp theo phương án 50% số lớp 12 học trực tiếp thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu; 50% học trực tiếp thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy; các ngày còn lại học trực tuyến; đối với các huyện, thị xã, khối lớp 9 tiếp tục học trực tiếp theo kế hoạch. Học sinh cấp tiểu học và khối lớp 6, 7, 8 của cấp THCS và lớp 10, lớp 11 các trường THPT, các trung tâm GDNN-GDTX tiếp tục học trực tuyến; đối với các quận, học sinh cấp tiểu học, cấp THCS và khối lớp 10, lớp 11 các trường THPT, các trung tâm GDNN-GDTX học trực tuyến.

Trẻ mầm non trên toàn địa bàn thành phố tiếp tục nghỉ học tại nhà.

Nỗ lực vì sự an toàn của học sinh

Ngay trong sáng 6/12, Sở GD-ĐT Hà Nội đã triển khai 4 đoàn kiểm tra nắm tình hình phòng, chống dịch tại các trường học trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, các trường học đều thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, nỗ lực tối đa để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Tại trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, thực hiện quy định của Sở GD-ĐT, nhà trường đã lên kịch bản chi tiết đối với từng tình huống diễn biến của dịch để sẵn sàng ứng phó, giáo viên đều nắm vững quy tắc an toàn, phòng, chống dịch… Học sinh đến trường được thực hiện phân luồng chiều đến và chiều đi, thực hiện đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay, sử dụng bình nước cá nhân trong thời gian học tại trường, không tập trung trong giờ nghỉ. Trường cũng đã làm công tác tư tưởng cho PHHS yên tâm, không quá lo lắng…

Tại quận Hoàng Mai, theo ông Lê Việt Dương, hiệu trưởng trường THPT Trương Định, trường đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của trường học an toàn để đón học sinh trở lại trường. 16 lớp 12 của trường được chia thành 2 nhóm, 8 lớp học tại trường vào thứ Hai, Tư, Sáu; 8 lớp còn lại học vào ngày thứ Ba, Năm, Bảy. Trong thời gian tại trường, các em thực hiện nghiêm chỉnh quy định 5K, trường không tổ chức bán trú, học sinh ra về sau buổi học để đảm bảo phòng, chống dịch.

Tại quận Hà Đông, trường THPT Trần Hưng Đạo, sáng 6/12 có 6 lớp 12 đi học trực tiếp vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu. 7 lớp còn lại sẽ học trực tiếp các ngày thứ Ba, Năm, Bảy. Bên cạnh đó, trường cũng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho học sinh trong thời gian học trực tiếp tại trường.

Ngay trước thời điểm học sinh đi học trở lại, Sở GD-ĐT và Sở Y tế Hà Nội đã ban hành văn bản liên sở hướng dẫn các trường học phòng chống dịch Covid-19 khi có trường hợp mắc Covid-19 (F0), nghi mắc, F1, F2. Với trường hợp tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được coi là F1 cần cách ly ngay tại lớp đó.

Học sinh, giáo viên ở lớp khác là F1 thì tách ngay ra một khu vực riêng để tổ chức cách ly theo quy định. Phối hợp lấy mẫu xét nghiệm F1 theo chỉ định của y tế địa phương; tổ chức cách ly F1 theo quy định. Tùy tình hình dịch tễ có thể tổ chức ngay việc lấy mẫu test nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên, người lao động đang ở trường hoặc lấy theo khu hoặc dãy lớp học hoặc theo tầng lớp học. Trong đó, người có triệu chứng nghi mắc và F1 thì lấy mẫu xét nghiệm đơn. Người khác thì nên lấy mẫu xét nghiệm gộp 5-10.

Đây là cơ sở để các trường có căn cứ xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình học sinh học tại trường.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương (thứ 2 từ phải qua) cùng đoàn kiểm tra tại trường THPT Việt Đức sáng 6/12Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương (thứ 2 từ phải qua) cùng đoàn kiểm tra tại trường THPT Việt Đức sáng 6/12

Nhiều nơi vẫn tạm dừng trở lại trường

Mặc dù Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, tuy nhiên, nhìn chung, học sinh, PHHS vẫn không tránh khỏi lo lắng.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, cố vấn chuyên môn Hội đồng quản trị Trường THCS- THPT Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy, PHHS đề nghị chưa cho con đi học trực tiếp cho tới khi được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Sự lo lắng của PHHS này là hợp lý, hợp tình và để đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, trường đã quyết định lùi thời gian học sinh đến trường học trực tiếp sang đầu tháng 1/2022 sau khi học sinh đã được tiêm mũi thứ 2 và có đủ 14 ngày sau tiêm để đảm bảo cơ thể đã sản sinh kháng thể với virus SARS-CoV-2.

Trường THPT Khoa học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, ngay trong chiều ngày 5/12 cũng đã quyết định dừng cho học sinh trở lại trường vào ngày 6/12 dù trước đó thông báo đã được gửi đi tới toàn thể PHHS. Theo đó, căn cứ vào thực tế dịch bệnh đang phức tạp tại thành phố, HS của trường đến từ nhiều địa bàn khác nhau, số lượng HS tiêm mũi 2 chưa phủ rộng nên chưa an toàn cho học sinh cũng như trên cơ sở lắng nghe nguyện vọng của đông đảo phụ huynh, Ban giám hiệu nhà trường đã quyết định tiếp tục cho học sinh học online theo thời khóa biểu.

Tại huyện Sóc Sơn, theo bà Trần Thị Thanh Huế, trưởng phòng GD-ĐT huyện, dù được đánh giá là vùng có cấp độ dịch mức độ 2, nhưng, Sóc Sơn lại nằm trên đường xuyên tỉnh, giáp với các tỉnh thành như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang… cũng như có sân bay quốc tế Nội Bài và nhiều khu công nghiệp.

Thêm vào đó, học sinh tại nhiều trường THPT trên địa bàn đến từ các vùng lân cận, như xã Kim Anh có học sinh từ Mê Linh, Xuân Hòa, Đông Anh nên nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh vẫn có thể xảy ra. Hiện nay, Sóc Sơn có tới 25/27 xã, thị trấn có F0. Trước quyết định của Sở GD-ĐT Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện đã họp với Bí thư, Chủ tịch các xã, thị trấn, hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn để đánh giá, thấy rằng việc cho học sinh khối lớp 9, 10, 11, 12 trở lại trường học trực tiếp vào thời điểm này vẫn chưa thích hợp.

Vì vậy, huyện Sóc Sơn đã quyết định lùi thời gian cho học sinh tại 6 trường THPT công lập, 5 trường dân lập và 1 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên đi học trở lại. Như vậy, trong ngày 6/12, học sinh trên toàn huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục học trực tuyến.

Học sinh trường THPT Việt Đức trong ngày đầu tiên trở lại trườngHọc sinh trường THPT Việt Đức trong ngày đầu tiên trở lại trường (Ảnh: VH)

Nên chờ tới thời điểm học sinh tiêm 2 mũi vắc-xin

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, việc bố trí cho học sinh lớp 12 học trực tiếp luân phiên giúp giảm mật độ học sinh tập trung tại trường học. Sau đó, tùy vào tình hình, diễn biến của dịch tại các địa phương và đề nghị của UBND các quận, huyện, thị xã, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp, trình UBND TP lộ trình kế hoạch cho học sinh trở lại trường học bảo đảm an toàn.

Theo thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, cố vấn chuyên môn Hội đồng quản trị Trường THCS- THPT Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy, học sinh hiện đã chuẩn bị bước vào kỳ thi kết thúc học kỳ 1, Sở GD-ĐT có thể đợi các em thi xong học kỳ và chọn thời điểm bước sang học kỳ 2 (khi học sinh đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và có đủ thời gian 14 ngày sau tiêm) để mở cửa trường học trở lại. “Chúng ta đang chuyển hướng sống chung với dịch nhưng sống chung phải an toàn. Nếu đi học mà giáo viên, học sinh, PHHS đều lo lắng thì cũng không đảm bảo được chất lượng”, ông Bình cho biết.

Tại trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, ông Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Theo đánh giá của đoàn kiểm tra của UBND quận Cầu Giấy, trường đã đảm bảo 16 tiêu chí của trường học an toàn. Gần 100% giáo viên của trường đã được tiêm đủ 2 mũi, 97% học sinh được tiêm một mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, dịch vẫn diễn biến phức tạp, trường thấy rằng học sinh đi học trở lại vào thời điểm này chưa thích hợp. Đa phần PHHS đều mong muốn nên đợi tới khi học sinh đã được tiêm đầy đủ cả 2 mũi vắc-xin.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội, quận Nam Từ Liêm cũng cho biết, ngày 4/12, trường cũng đã lấy ý kiến thăm dò của PHHS về việc cho học sinh trở lại trường. Kết quả cho thấy, tại cơ sở Mỹ Đình có tới 82,35% phụ huynh chưa muốn cho con tới trường; cơ sở Văn Phú có 74,3% phụ huynh chưa muốn con tới trường. Đa số phụ huynh muốn con học trực tuyến thêm một thời gian nữa cho tới khi con được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…