Vun đắp tâm hồn cho học sinh từ hội họa, âm nhạc

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 7/12, nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường và thạc sỹ - họa sĩ Hải Kiên (Giảng viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW) đã trao tặng hệ thống trường Phổ thông Liên cấp Alfred Nobel 10 bức tranh về các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới nhân dịp năm mới 2024. Đây là hoạt động phối hợp ý nghĩa giữa nhà trường và các họa sĩ, với mong muốn cùng vun đắp tâm hồn, khuyến khích sự phát triển tư duy dáng tạo cho các em học sinh.

Chia sẻ về hoạt động nhân văn và ý nghĩa này, ông Triệu Tuấn Ngọc - Giám đốc vận hành của hệ thống trường liên cấp Alfred Nobel cho biết: Từ khi đi vào hoạt động, nhà trường luôn theo đuổi và thực hành các phương pháp giáo dục hiện đại, khuyến khích sự phát triển tư duy sáng tạo, khả năng suy luận, hoạt động tự chủ và độc lập của học sinh; chú trọng phát triển kỹ năng sống và hình thành môi trường nuôi dưỡng các phẩm chất con người.

Mỗi học sinh tốt nghiệp từ ngôi trường sẽ là một con người văn minh, biết ứng xử với xã hội và môi trường, tôn trọng sự khác biệt, biết quan tâm tới người khác và cống hiến cho cộng đồng.

 Vun đắp tâm hồn cho học sinh từ hội họa, âm nhạc - ảnh 1
Thầy, trò trường liên cấp Alfred Nobel tham quan không gian sáng tác tranh của nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường tại Phố Hoài Studio

Để thực hiện mục tiêu đó, yếu tố nghệ thuật được đặc biệt quan tâm, đầu tư từ mầm non đến THPT, tiếp cận sâu với âm nhạc qua rất nhiều nội dung. Kể từ năm học 2023-2024, Hệ thống phổ thông liên cấp Alfred Nobel đã đưa môn học Kịch nghệ bằng tiếng Anh vào chương trình bên cạnh đó là ban nhạc ANS, dàn hợp xướng, câu lạc bộ nghệ thuật… 

Bộ môn kịch nghệ giúp các em rèn luyện khả năng lãnh đạo, phối hợp với nhau, tôn trọng góc nhìn của các nền văn hóa và cộng đồng, truyền đạt ý tưởng và cảm xúc qua phương tiện nghệ thuật, dám mạo hiểm, giữ gìn và trải nghiệm niềm vui khi biểu diễn tại sự kiện của ANS và xa hơn nữa…

"Ý tưởng về một môi trường giao thoa giữa âm nhạc - hội họa được thai nghén và xuất phát từ triết lý của nhà trường, là xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, trong đó có không gian sống hạnh phúc và sự tự do của học sinh trong hoạt động sáng tạo, phát triển sức khỏe thể chất song hành với vun đắp vẻ đẹp tâm hồn.

Nhưng ý tưởng đó có cơ hội thành hiện thực khi nhà trường có cơ duyên gặp gỡ các nhà văn, họa sĩ, trong đó có họa sĩ Trần Thị Trường. Và mục tiêu hướng đến của mọi người đó là tạo cảm hứng cho các em học sinh, đưa các em tiến gần hơn ới thế giới âm nhạc thông qua các tác phẩm nghệ thuật về chân dung những nhà soạn nhạc vĩ đại của thế giới" - ông Triệu Tuấn Ngọc cho hay.

 Vun đắp tâm hồn cho học sinh từ hội họa, âm nhạc - ảnh 2
Nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường chia sẻ về quá trình vẽ tranh chân dung về các nhà soạn nhạc nổi tiếng và mong muốn, tình cảm gửi gắm qua từng nét vẽ

Tham gia hợp tác cùng hệ thống trường liên cấp Alfred Nobel, nhà văn - họa sĩ Trần Thị Trường cũng đánh giá cao ý tưởng này và nhận định: "Sẽ thật sự là may mắn cho các em học sinh được học trong một ngôi trường mà yếu tố hội họa, âm nhạc được đầu tư, coi trọng, nơi dạy nhạc có không gian đầy cảm xúc cho các em thăng hoa như trường Alfred Nobel. Tôi hiểu rất rõ rằng, muốn hình thành nhân cách trong một con người thì phải xây dựng yếu tố văn hóa cho con người ấy từ lúc còn trẻ thơ, thông qua kiến thúc, âm nhạc, hội họa, văn học... Như bản thân tôi, từ một nhà văn, thông qua đọc sách nhạc mà thấu hiểu về cuộc đời thăng trầm của nhạc sĩ, họa sĩ, từ đó say mê âm nhạc, trở thành nhà báo viết về âm nhạc. Rồi khi quay lại với hội họa, tôi là một họa sĩ vẽ về nhạc sĩ. 

Bản thân tôi cảm thấy nhờ có sự trau dồi, vun đắp từ hội họa, âm nhạc đó, mình như được "tiêm vắc-xin" phòng bệnh những thói xấu, tật hư, những tệ nạn. Và tôi cũng mong thế hệ học sinh sau này cũng được tiếp xúc với những điều tốt đẹp, nhân văn nhất. Bởi vậy, khi tham gia vẽ lại chân dung của các nhạc sĩ, tôi và họa sĩ Hải Kiên đã gửi gắm vào đó rất nhiều tình cảm, kỳ vọng.

Những bức tranh chúng tôi lựa chọn đều là các nhạc sĩ cổ điển nổi tiếng thế giới, hình ảnh của họ đã ghi dấu ấn sâu sắc với biết bao thế hệ. Trước khi cầm bút vẽ, chúng tôi đã tìm hiểu rất nhiều, nghiên cứu những bức tranh đã có từ trước, nghiên cứu về cuộc đời của các nhạc sĩ, từ đó đưa cảm xúc của mình vào từng nét vẽ để tạo thành một bức tranh đầy đặn, vừa có tính kế thừa, toát lên rõ nét thần thái các nhạc sĩ nhưng cũng mang một chút dấu ấn riêng".

 Vun đắp tâm hồn cho học sinh từ hội họa, âm nhạc - ảnh 3
ThS.Trần Hiền Anh giới thiệu về các nhà soạn nhạc trong một tiết học tại trường

Trực tiếp thụ hưởng giá trị từ những bức tranh, ThS.Trần Hiền Anh - Giám đốc âm nhạc (hệ thống Phổ thông Liên cấp Alfred Nobel), cũng là giáo viên âm nhạc cho các bạn học sinh vui mừng bày tỏ: "Tôi đang trong quá trình dạy cho học sinh về các nhạc sĩ cổ điển. Thời gian thật sự rất hoàn hảo khi tôi được đón các bức tranh này vào đúng tiết học, giúp các con thấy trực tiếp hình ảnh từng nhạc sĩ gắn với những bản nhạc một cách sinh động. 

Giáo dục nghệ thuật là thành tố quan trọng của giáo dục toàn diện với tác động mạnh mẽ đến sự hình thành nhân cách và nhân sinh quan của các bạn học sinh ở mọi lứa tuổi. Bên cạnh phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu đặc biệt, việc triển khai các hoạt động giáo dục Nghệ thuật giúp học sinh nuôi dưỡng và phát triển óc sáng tạo, trí tưởng tượng và vun đắp tâm hồn. Những hình ảnh về các Nhà soạn nhạc nổi tiếng của thế giới sẽ giúp học sinh được truyền cảm hứng và qua đó sẽ tiếp cận và phát triển năng lực sáng tạo".

 Vun đắp tâm hồn cho học sinh từ hội họa, âm nhạc - ảnh 4
Những bức chân dung về các nhà soạn nhạc nổi tiếng được giới thiệu trong mỗi tiết học nhạc góp phần tạo cảm hứng nghệ thuật, sáng tạo cho các em học sinh

Bản thân Hiền Anh từng là cựu học sinh của trường Phổ thông Liên cấp Alfred Nobel. Cô từng chia sẻ với các học trò và đồng nghiệp của mình rằng, quãng thời gian đi học với cô vô cùng quý giá. Bởi thầy cô và bạn bè đã đưa cô đến thế giới âm nhạc tràn đầy niềm vui và hạnh phúc, được đi đó đây và tích lũy những kiến thức phong phú cho bản thân.

Ở thời điểm đó, Hiền Anh đã mạnh dạn chọn theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhưng sau này, cô đã chuyển hướng, quyết định thành giáo viên, đứng trên bục giảng để truyền thụ cảm hứng và niềm niềm đam mê nghệ thuật tới các em học sinh.

Hạnh phúc khi là một học sinh của hệ thống Phổ thông Liên cấp Alfred Nobel, em Phùng Phạm Minh Châu - lớp 7A1 bày tỏ: Được tiếp xúc nhiều loại nhạc cụ, đặc biệt là việc nhà trường đặt Piano ở sảnh và cho phép các bạn học sinh được tự do chơi là một điều khiến chúng con rất hứng thú. "Con thường xuyên dành thời gian sau giờ học để chơi đàn. Điều này giúp con thư giãn và đồng thời mở rộng tầm hiểu biết về các loại nhạc cụ. 

 Vun đắp tâm hồn cho học sinh từ hội họa, âm nhạc - ảnh 5
Em Phùng Phạm Minh Châu - lớp 7A1 say sưa chơi đàn bên bức chân dung nhạc sĩ Frederic Chopin được đặt tại sảnh của trường học

Con cũng như các bạn có thể chơi bất kỳ bản nhạc nào mà chúng con muốn, từ những giai điệu truyền thống đến những bản nhạc hiện đại. Sự đa dạng về loại nhạc cụ không chỉ giúp chúng con phát triển kỹ năng âm nhạc của mình mà còn tạo nên một không khí tích cực và sôi động trong trường. Hôm nay được xem tranh, chơi nhạc ngay dưới bức chân dung của nhạc sĩ thiên tài Frederic Chopin, con cảm thấy rất xúc động, cảm giác dường như các nhà soạn nhạc đang hiện hữu ở bên cạnh. Điều đó càng thôi thúc con say mê hơn với âm nhạc và văn hóa".

Tin cùng chuyên mục