Hội LHPN Nam Từ Liêm: An sinh xã hội cho phụ nữ làm nghề ve chai

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đa số, phụ nữ làm nghề thu lgom, phân loại rác thải môi trường (được gọi là lao động “ve chai”). Họ là đội ngũ lao động không chính thức, có nhận thức về an toàn lao động, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế…

Tái chế rác thải: Nghề thầm lặng!

Với mục tiêu nâng cao nhận thức về an toàn lao động, vệ sinh và bảo vệ môi trường cho nhóm phụ nữ tham gia quá trình thu gom và xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên về truyền thông sức khỏe, an toàn môi trường xã hội cho nhóm phụ nữ thu gom rác thải và phế liệu, lớp tập huấn cho phụ nữ tham gia thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa quận Nam Từ Liêm do Hội LHPN quận phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và cộng đồng (CECR) tổ chức ngày 9/9 vừa qua đã thu hút sự tham gia của 55 cán bộ Hội Phụ nữ quận, phường và 50 chị em làm công tác thu gom ve chai, phế liệu trên địa bàn quận.

Hội LHPN Nam Từ Liêm: An sinh xã hội cho phụ nữ làm nghề ve chai - ảnh 1

Phụ nữ nhặt ve chai gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm khi làm nghề (ảnh minh họa)

Các chị được các chuyên gia truyền đạt, hướng dẫn, tập huấn về giáo trình để triển khai các lớp tập huấn tại các phường với nội dung chia sẻ về kết quả khảo sát, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, kỹ năng thương thảo giá, kỹ năng truyền tải thông tin hiệu quả, thông tin tổng quan về các văn bản pháp luật về chất thải rắn sinh hoạt, thách thức trong vấn đề thu gom phân loại rác thải tại nguồn…, từ đó, nâng cao nhận thức về an toàn lao động, vệ sinh môi trường cho nhóm phụ nữ tham gia quá trình thu gom “ve chai”.

Tại Hội nghị tập huấn, bà Đoàn Vũ Thảo Ly - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cho biết, phụ nữ hộ gia đình hộ kinh doanh là người trực tiếp tiếp xúc với rác và hơn 90% tham gia phân loại rác tại nguồn và thu gom. Tuy nhiên phụ nữ làm nghề “ve chai” đang gặp nhiều thách thức khi làm nghề. Đó là thiếu hướng dẫn, chính sách cụ thể về phân loại rác, thiếu dụng cụ kỹ thuật để phân chia các loại rác; bảo hộ lao động không bảo đảm; điều kiện lao động ô nhiễm, độc hại; phương tiện lao động thô sơ; bị ảnh hưởng tới sức khỏe; kỹ năng thương thảo giá cả còn hạn chế.

Theo ông Nelson Bustamante - Chuyên gia về An toàn xã hội và môi trường của Hiệp hội tái chế rác thải toàn diện tại Colombia (iWRc), những người thu gom phi chính thức không giống nhau. Họ có những cách riêng để thu gom rác thải tốt nhất theo khả năng, năng lực và nhu cầu cá nhân. Trong đó, một số người sử dụng xe đạp để đi khắp đường phố thu gom rác thải  từ các hộ gia đình và các hộ kinh doanh. Trong khi một số người có các mối liên hệ tốt hơn để tiếp cận các địa điểm có rác thải giá trị cao (Ví dụ: Công trường xây dựng, bãi chôn lấp..). Họ kiếm khoảng 100-200 nghìn đồng mỗi ngày, nhận việc thu gom rác thái, đem lại nguồn thu nhập bổ sung từ các công việc khác. Một số người làm việc trên đường phố để nhặt rác, một số người làm việc tại các cửa hàng phế liệu để buôn bán chất thải có giá trị, một số khác là chủ doanh nghiệp và là một phần của chuỗi cung ứng chất thải.

Hội LHPN Nam Từ Liêm: An sinh xã hội cho phụ nữ làm nghề ve chai - ảnh 2
Họ phải đối mặt với nhiều rủi ro và nguy cơ (Ảnh minh họa)

Những người thu gom chất thải phi chính thức dù có đóng góp đáng kể cho xã hội nhưng không được đối xử với giá trị và sự tôn trọng mà họ đáng có. Tuy nhiên, ngày nay, càng có nhiều sự công nhận về mặt pháp lý đối với công việc này, đảm bảo các thành viên nhận thức được rằng, mọi người ở nơi làm việc phải được đối xử với phẩm giá và sự tôn trọng.

Theo ông Nelson Bustamante, cần đảm bảo các thành viên nhận thức được rằng mọi người ở nơi làm việc phải được đối xử công bằng trong ngành nghề thu gom rác thải. An toàn, sức khỏe và điều kiện làm việc tốt hơn sẽ cải thiện năng suất lao động của người thu gom rác thải. Họ có quyền được an toàn, sức khỏe và hạnh phúc tại nơi làm việc; quyền được trải nghiệm an toàn khi làm việc, kể cả làm việc độc lập.

“Để giữ an toàn, người lao động nên quan tâm đến sự an toàn của chính họ; chịu trách nhiệm về sự an toàn của những người có thể bị ảnh hưởng bởi các hành vi hoặc thiếu sót của họ; tuân thủ các hướng dẫn an toàn; sử dụng các thiết bị an toàn và thiết bị bảo hộ một cách chính xác”- ông Nelson Bustamante khuyến nghị người lao động.

Ông cũng phân tích những rủi ro chung mà người lao động cần nhận biết, đó là kim tiêm, thủy tinh, kim loại và phế liệu sắc nhọn, chất thải y tế, chất thải thực phẩm, chất thải hóa học, nguy hiểm về mặt sinh học, nguy hiểm ừ động vật (cắn, đốt và bệnh dại), … cùng các rủi ro khác.

Đặc biệt, ông Nelson Bustamante nhấn mạnh các vấn đề kỳ thị xã hội, căng thẳng, trầm cảm, rối loạn lo âu, mất cân bằng quyền lực, phụ thuộc (ma túy, rượu), bạo lực trong cộng đồng; bạo lực tại nơi làm việc và gia đình, khối lượng công việc tăng gấp đôi/gấp ba mà người lao động cần biết. Ông cũng mong muốn truyền tải tới các phụ nữ lao động "ve chai" tự bảo vệ chính mình khỏi những rủi ro khi tiếp xúc với các rác thải độc hại và tăng cường việc thu gom rác thải hiệu quả hơn.

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa

Từ tháng 8/2021, Hội LHPN phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã triển khai mô hình thu gom và phân loại rác thải tại nguồn. Đây là mô hình được thành lập dưới sự chỉ đạo của Hội LHPN quận Nam Từ Liêm, đơn vị tài trợ là Trung tâm bảo tồn Đại Dương và Trung tâm môi trường và phát triển cộng đồng. Hội LHPN phường Mễ Trì đã thành lập tổ nòng cốt gồm các Chi hội trưởng, chi hội phó Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ và các hội viên tiêu biểu, triển khai mô hình điểm là Chi hội 8 và Chi hội 11.

Các chị em được tập huấn và có mẫu tờ rơi về tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Các chị không quản ngại thời gian, cứ lúc nào rảnh, hoặc có cơ hội, các chị lại đến từng hộ gia đình để vận động người dân tự phân loại rác tại nhà. Cuối tuần, các chị trong tổ - cũng làm nghề ve chai trên địa bàn phường đến thu gom để đưa đến điểm tập kết.

Hội LHPN Nam Từ Liêm: An sinh xã hội cho phụ nữ làm nghề ve chai - ảnh 3

Bà Lê Thị Bích Hà – Quận ủy viên – Chủ tịch Hội LHPN quận Nam Từ Liêm phát biểu tại hội nghị tập huấn

“Thời gian đầu, ai cũng lo lắng khi triển khai mô hình sẽ khó thành công. Tuy nhiên, nhận được sự ủng hộ của các chị em làm nghề ve chai, đồng thời, nhiều gia đình nhận thấy đây là việc làm có ích nên đã tham gia, hợp tác. Đến nay, chúng tôi đã thu gom được 8.000kg vỏ hộp sữa và túi nilon. Công ty Lagom hỗ trợ thu gom phế liệu tại nơi tập kết, với giá 1,5 nghìn đồng/kg vỏ hộp sữa, và 3 nghìn đồng/kg túi nilon. Khu tập kết ở Mễ Trì Hạ do bà Nguyễn Thị Vân phụ trách nhận tiền hỗ trợ từ công ty Lagom động viên các bà ve chai tham gia, khu tập kết Mễ Trì Thượng 1 nửa chia cho các bà ve chai, thành viên tổ nòng cốt tham gia và tặng quà cho 4 cháu có hoàn cảnh khó khăn dịp 1/6, rằm Trung Thu…” – bà Liên nói.

Theo bà Liên, các cán bộ Hội Phụ nữ và những người làm nghề ve chai trong tổ thu gom phế liệu đã đi nhặt và thu gom tại các hộ gia đình đưa về điểm tập kết, sau đó bán cho công ty Lagom đầu ra.

“Nhiều cá nhân tiêu biểu trong phong trào thu gom, phân loại rác thải nhựa như bà Nguyễn Thị Vân, Lê Thị Kim Phượng... nhận nhiệm vụ tập kết, bán ve chai, hay bà Ngô Thị Hòa, thành viên tổ giám sát đi tuyên truyền vận động và trực tiếp đến các hộ gia đình để thu gom rác giá trị thấp. Đi đường, mỗi khi thấy rác ni lon vỏ sữa ở đường, bà cũng nhặt về và phân loại. Nhiều người còn kêu bà làm việc vô ích, đi nhặt rác làm mất danh dự bản thân và gia đình, nhưng bà đáp lại, đó là việc làm vì cộng đồng và môi trường nên rất tâm huyết” – bà Liên cho biết, và mong muốn thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hơn để môi trường ngày càng xanh, sạch, mô hình được nhân rộng không chỉ ở phường, quận Nam Từ Liêm mà còn các quận khác trên địa bàn Hà Nội.

Bà Lê Thị Bích Hà – Quận ủy viên – Chủ tịch Hội LHPN quận Nam Từ Liêm cho biết, dự án “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các hoạt động phân loại, tái chế bền vững” thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cùng đơn vị tài trợ là Tổ chức Bảo tồn Đại dương được triển khai quận Nam Từ Liêm từ năm 2020 đến nay với sự tham gia tích cực của các cấp Hội phụ nữ.

Hội LHPN Nam Từ Liêm: An sinh xã hội cho phụ nữ làm nghề ve chai - ảnh 4

Các chị em phụ nữ phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm thu gom phế liệu tại điểm tập kết

Các hoạt động đã và đang được triển khai trong trong giai đoạn I của dự án với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm và hiệu quả của Hội như: Mô hình thu gom, phân loại, tái chế rác thải giá trị thấp từ hộ gia đình; Chương trình hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho 200 phụ nữ thu gom phế liệu ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng số tiền 800 triệu đồng và tổ chức ra quân làm sạch ao Bồ Đề hưởng ứng ngày Nước thế giới 22/3 và tổ chức chương trình đổi rác tái chế lấy quà tặng.

Tiếp tục triển khai giai đoạn II của dự án, sau khi Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng triển khai phối hợp với Hội LHPN quận khảo sát để nắm bắt các thông tin về an toàn lao động và vệ sinh môi trường, ngày 9/9, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Nam Từ Liêm phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Môi trường (CECR) và Cộng đồng tổ chức tập huấn cho phụ nữ tham gia thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa tại quận Nam Từ Liêm.

“Trong thời gian triển khai dự án giai đoạn I gắn với hoạt động công tác Hội, các chị đã có kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động thu gom phế liệu, ve chai. Giai đoạn II của dự án sẽ nhằm nâng cao nhận thức về an toàn lao động, vệ sinh và bảo vệ môi trườngcho nhóm phụ nữ tham gia quá trình thu gom và xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên về truyền thông sức khỏe, an toàn môi trường xã hội cho nhóm phụ nữ thu gom rác thải và phế liệu, các chuyên gia đã truyền đạt, hướng dẫn, chia sẻ về kết quả khảo sát, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, kỹ năng thương thảo giá, kỹ năng truyền tải thông tin hiệu quả, thông tin tổng quan về các văn bản pháp luật về chất thải rắn sinh hoạt, thách thức trong vấn đề thu gom phân loại rác thải tại nguồn…” – bà Lê Thị Bích Hà cho biết.

Hội LHPN Nam Từ Liêm: An sinh xã hội cho phụ nữ làm nghề ve chai - ảnh 5

Những phụ nữ làm nghề thu gom rác thải nhựa và cán bộ phụ nữ tham gia lớp tập huấn

Bà Đoàn Vũ Thảo Ly cũng khuyến nghị: Cần tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình phụ nữ tham gia vào thu gom, phân loại, tái chế rác giá trị thấp tại cấp cơ sở. Thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ để khuyến khích phụ nữ tham gia quản lý chất thải nhựa, đặc biệt là ở giai đoạn phân loại và thu gom. Tổ chức và tập hợp lại nhóm lao động này lại thành các hợp tác xã/hiệp hội/tổ đổi công/câu lạc bộ về thu gom rác thải, có tư cách pháp nhân để cải thiện điều kiện lao động, sức khỏe, có cơ hội nhận hỗ trợ từ các cấp.

Tại hội nghị Hội LHPN quận đã công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ thu gom phế liệu với 23 thành viên gồm 13 cán bộ Quận hội và cơ sở và 10 nữ thu gom ve chai của 10 phường. Câu lạc bộ có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện phân loại rác thải góp phần bảo vệ môi trường và hướng dẫn các phụ nữ lao động thu gom ve chai đảm bảo an toàn lao động khi thực hiện công việc.

Các thành viên câu lạc bộ và đại biểu tham gia hội nghị đã được hướng dẫn thảo luận để lập kế hoạch triển khai hoạt động “Dấu vân tay xã hội” tại các phường nhằm tăng cường nhận thức về an toàn lao động cũng như trao đổi thảo luận để giải quyết những khó khăn của công việc thu mua đồng nát.

Bằng phương pháp, hình thức tập huấn phong phú, đa dạng và thảo luận tích cực, Hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức cũng như huy động được sức mạnh của tập thể Hội và phụ nữ thu gom ve chai chung tay giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp đồng thời đảm bảo an toàn lao động trong công tác thu gom phế liệu.

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

(PNTĐ) -Sáng ngày 25/4/2024, được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Đoàn Chủ tịch TW Hội và Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng vận động, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ Hội không chuyên trách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố năm 2024.
Hội LHPN quận Hoàng Mai: Tập huấn chuyên đề về học tập và làm theo Bác Hồ

Hội LHPN quận Hoàng Mai: Tập huấn chuyên đề về học tập và làm theo Bác Hồ

(PNTĐ) - Thiết thực hưởng ứng các hoạt động chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024),  Hội LHPN quận  Hoàng Mai phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Quận tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cho 250 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.