Hơn 100 phụ nữ được hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong quản lý kinh doanh
(PNTĐ) - Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030”, ngày 26/9, tại huyện Thạch Thất, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn chuyên đề về các kỹ năng quản lý kinh doanh, ứng dụng công nghệ số trong liên kết chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Tham gia lớp tập huấn có hơn 100 đại biểu là ban quản trị, thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm liên kết và nữ chủ hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Thạch Thất.
Chia sẻ tại chương trình, giảng viên là Thạc sĩ Nguyễn Thị Vịnh, Giám đốc Công ty cổ phần đào tạo Kinh Bắc, giảng viên trường Cao đẳng nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Bộ. Thạc sĩ Nguyễn Thị Vịnh giới thiệu về một số mô hình hợp tác xã ở Hà Nội và các tỉnh thành do phụ nữ làm chủ đang có những thành công trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, xây dựng chuỗi liên kết các giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Tại buổi tập huấn, giảng viên đã có những tương tác với các nữ chủ hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Thạch Thất để có cái nhìn rộng hơn, sâu hơn trong điều hành quản lý cũng như trong xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Vịnh nhấn mạnh về việc xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm rằng chúng ta không chỉ bán cái khách hàng cần mà bán sản phẩm có để đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng việc lắng nghe cảm nhận của khách hàng, nhận xét của khách hàng về giá trị và sự thoả mãn của khách hàng đối với sản phẩm.
Tại buổi tập huấn, các nữ chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh huyện Thạch Thất chia sẻ những kinh nghiệm và các vấn đề quan tâm để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, các kỹ năng giới thiệu và bán sản phẩm.
Buổi tập huấn là một trong những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”; Kế hoạch số 235/KH-ĐCT ngày 21/3/2023 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 01).
Từ đó, nâng cao vai trò, nhận thức và trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và xã hội về các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (trên địa bàn thành phố trong giai đoạn mới.
Đồng thời, phát huy nội lực của các thành viên Hợp tác xã trong xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ; thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong khu vực kinh tế tập thể.
Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ưu tiên các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làng nghề đặc trưng của Hà Nội; dịch vụ du lịch trải nghiệm; ứng dụng khoa học công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Mục tiêu cụ thể kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án“Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024:
1. Hội LHPN thành phố Hà Nội hỗ trợ, tư vấn thành lập mới 03 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ.
2. 100% nữ quản lý của hợp tác xã (Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị hợp tác xã; Giám đốc hợp tác, thành viên Ban kiểm soát) được các cấp Hội tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.
3. Củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 15 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; các HTX tạo nhiều việc làm cho lao động nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
4. Hỗ trợ tạo việc làm ổn định cho ít nhất 300 thành viên, lao động nữ trong hợp tác xã và 200 lao động nữ trong tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành.
5. 100% HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành được các cấp Hội hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn mác, truy xuất nguồn gốc và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm dịch vụ.
6. 100% cán bộ Hội các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX được tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể.