15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:Vì một Hà Nội hiện đại, giàu bản sắc

Kỳ 2: Hà Nội xứng đáng là đầu tàu kinh tế

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ngày 1/8/2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội. Đây là sự kiện trọng đại, thể hiện niềm tin, sự kỳ vọng lớn lao của Đảng, Nhà nước và nhân dân với tầm vóc phát triển của Thủ đô. Hà Nội đã đi những bước vững chắc, bài bản, xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển. Kinh tế Thủ đô giữ vị trí đầu tàu, tiếp tục khẳng định là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, và đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Kỳ 2: Hà Nội xứng đáng là đầu tàu kinh tế - ảnh 1
Diện mạo mới của huyện Mê Linh sau 15 năm sáp nhập vào Hà Nội. Ảnh: C.Thọ

Tròn 15 năm kể từ ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội (1/8/2008-1/8/2023), từ một Thành phố (TP) có quy mô diện tích và dân số nhỏ, Thủ đô Hà Nội ngày nay đã mang tầm vóc của một đô thị lớn thứ 17 trên thế giới, với diện tích hơn 3.328km2, dân số hơn 8,56 triệu người. Quyết định mang ý nghĩa lịch sử này thể hiện tầm nhìn chiến lược, đã mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô. 

Kinh tế công nghiệp tăng trưởng cao
Là Thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ; sự phối hợp giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị, địa phương, của các nhà trí thức, nhà khoa học và sự ủng hộ, động viên to lớn của nhân dân cả nước. Một số cơ chế, chính sách được ban hành đã tạo điều kiện cho Hà Nội huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đối ngoại.
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, lĩnh vực công nghiệp, thương mại trên toàn TP đã gặt hái được nhiều thành công, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô. TP luôn duy trì tăng trưởng cao hơn (ngoại trừ năm 2018) và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. 

Trong Đề án Phát triển Công nghiệp Văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ - làng nghề truyền thống trở thành ngành “công nghiệp sáng tạo” có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Theo đánh giá của các chuyên gia, nghề thủ công truyền thống có cơ sở để được kỳ vọng là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2008-2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011-2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm; trong đó, dịch vụ tăng 6,77%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,19%; nông nghiệp tăng 2,87%. Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2022, GRDP tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (giá hiện hành), gấp 1,45 lần cả nước gấp 3,5-3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng).

Về năng suất lao động của Hà Nội được cải thiện, năm 2022 đạt 291,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), cao gấp 2,34 lần năm 2011 (124,5 triệu đồng/lao động) và tăng gấp 1,6 lần bình quân cả nước (181,1 triệu đồng/lao động); tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2012-2022 là 5,24%.

Hà Nội có tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2022 là hơn 58 tỷ USD, tăng gấp 1,93 lần so với năm 2008 (hơn 30 tỷ USD). Về lạm phát được kiểm soát tốt, Hà Nội thực hiện quản lý, điều hành hiệu quả giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 còn 3,4% năm 2022, điều này góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô cả nước.

Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao; tổng thu NSNN trên địa bàn giai đoạn 2008-2022 đạt 2,94 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 11,5%/năm. Các nguồn thu được quản lý đầy đủ và chặt chẽ; cơ cấu thu NSNN trên địa bàn có sự chuyển dịch tích cực, bền vững; tỷ trọng thu nội địa đã tăng từ mức 80,5% năm 2008 lên 91,7% vào năm 2023.

Thành phố đã thu hút mới trên 4,5 nghìn dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD; các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các DN, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Thành phố đã thu hút đầu tư phát triển hạ tầng 101 cụm công nghiệp, tổng diện tích 2.143ha, trong đó có 70 cụm công nghiệp đã xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động, tổng diện tích 1.392ha; 31 cụm công nghiệp thành lập mới và 12 cụm công nghiệp có quyết định thành lập giai đoạn 2 với tổng diện tích 751ha. 

Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) (đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước. 

15 năm hợp nhất, các địa phương tăng trưởng mạnh  
Nhìn lại thời điểm mới sáp nhập từ Vĩnh Phúc về Hà Nội, khi ấy Mê Linh còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, ngay cả trụ sở Huyện uỷ-HĐND-UBND và các cơ quan thuộc huyện, hạ tầng kỹ thuật yếu kém. Mê Linh là huyện thuần nông, việc thực hiện một số cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh Vĩnh Phúc trong đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, đền bù giải phóng mặt bằng, giải quyết đất dịch vụ chưa đồng bộ, còn nhiều vướng mắc. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Trần Thanh Hoài cho biết, 15 năm qua, kinh tế huyện Mê Linh duy trì phát triển với tốc độ tương đối cao; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh dịch vụ. Tốc độ phát triển kinh tế trong 15 năm của huyện đạt mức tăng bình quân khá cao 9,8%/năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện Mê Linh bình quân hàng năm đạt 693,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 60 triệu đồng/người, gấp 5,4 lần so với năm 2008 (11,04 triệu đồng/người). Tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp, xây dựng dịch chuyển ở mức 85% trở lên. Tốc độ phát triển công nghiệp khá cao, bình quân 10,4%/năm; sau 15 năm, quy mô ngành công nghiệp tăng gấp 3,98 lần. 

15 năm hợp nhất về Thủ đô, 14 huyện, thị xã, quận thuộc Hà Tây được mệnh danh là đất trăm nghề, mang theo “đặc sản” là các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã phát huy thế mạnh vị thế Thủ đô và các chương trình khuyến công, đã xây dựng thương hiệu nổi tiếng trên cả nước và quốc tế, như: Mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ); mây tre đan cỏ tế Phú Túc (Phú Xuyên); khảm trai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên); lược sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín); điêu khắc Dư Dụ (xã Thanh Thùy huyện Thanh Oai)... 

Toàn thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó có 318 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống. Hoạt động sản xuất kinh doanh tại các làng nghề đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân ở khu vực nông thôn. Tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề trên địa bàn Hà Nội ước đạt bình quân trên 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, nhằm góp phần gìn giữ và phát triển làng nghề, Thành phố đã có nhiều hoạt động hỗ trợ như: Giai đoạn 2012-2019, tổ chức 625 lớp truyền nghề, nâng cao tay nghề cho gần 22.000 lao động nông thôn với các ngành nghề như: Dệt may, da giầy, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, cơ khí... Giai đoạn 2012-2022, Thành phố tổ chức 137 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng... cho hơn 15.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn.

Định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tiếp theo, Hà Nội phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước; huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ cao làm trục xuyên suốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên sử dụng hiệu quả các nguồn lực trí tuệ - sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ưu tiên phát triển một số chuỗi sản xuất công nghiệp - công nghệ cao, dịch vụ tài chính - ngân hàng, logistics; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là du lịch văn hóa.

(Còn nữa)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Chiều 26/12/2024, Hội LHPN Việt Nam và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo "Phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; nghiên cứu, trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới.
Phụ nữ Thanh Trì bàn giao “Mái ấm tình thương” cho hội viên khó khăn xã Duyên Hà

Phụ nữ Thanh Trì bàn giao “Mái ấm tình thương” cho hội viên khó khăn xã Duyên Hà

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình công tác Hội, thiết thực lập thành tích mừng Đảng, mừng Xuân mới Ất Tỵ 2025, chào mừng kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ( 03/02/1930-03/02/2025), ngày 23/12/2014, Hội LHPN huyện Thanh Trì tổ chức bàn giao “Mái ấm tình thương” cho gia đình Bà Phạm Thị Luyến, thôn Đại Lan xã Duyên Hà.
Phụ nữ Thủ đô tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

Phụ nữ Thủ đô tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng 24/12/2024, Ban chấp hành Hội LHPN Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức kỳ họp lần thứ 10 nhằm đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác Hội năm 2024, chương trình công tác năm 2025, báo cáo kết quả công tác kiểm tra giám sát năm 2024 và kế hoạch năm 2025; kiện toàn Ban Chấp hành, Ủy ban kiểm tra Hội LHPN Hà Nội khóa XVI…