Hội LHPN TP Hà Nội:

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 58.000 lượt hội viên phụ nữ

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

Ngày 30/5, Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị “Tham vấn về nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền và tư vấn pháp luật cho phụ nữ”.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: Trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ thành phố đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, phụ nữ. Qua đó tạo sự đồng thuận trong xã hội, động viên, khích lệ hội viên, phụ nữ hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô.

Thời gian qua, nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng đã được triển khai ở các cấp Hội; phương thức tuyên truyền đổi mới từ trực tiếp sang kết hợp trực tuyến; cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia các tổ hòa giải ở cơ sở, nắm bắt và hòa giải kịp thời những mâu thuẫn nhỏ tại địa bàn dân cư…

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 58.000 lượt hội viên phụ nữ - ảnh 1
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Trong công tác tuyên truyền pháp luật và bảo vệ phụ nữ, trẻ em, Hội Phụ nữ thành phố đã ký kết chương trình phối hợp và có sự quan tâm thường xuyên của Sở Tư pháp, Sở Lao động Thương binh xã hội, Hội Luật gia, Công an TP, TAND, VKSND Thành phố giai đoạn 2020-2022. Năm 2022, Hội đã tham mưu UBND Thành phố phê duyệt 04 đề án, kế hoạch tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ, phụ nữ trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi: Kế hoạch số 36/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 – 2026”, Đề án Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026, Kế hoạch triển khai Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và gải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em vùng DTTS miền núi trong chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 58.000 lượt hội viên phụ nữ - ảnh 2
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 58.000 lượt hội viên phụ nữ - ảnh 3
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 58.000 lượt hội viên phụ nữ - ảnh 4
Các đại biểu tham luận tại hội thảo

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của các cấp Hội cũng còn một số hạn chế, khó khăn…Tại một số đơn vị chưa được tiến hành thường xuyên do còn thiếu nguồn lực, thường phải lồng ghép với các hoạt động của Hội. Việc đầu tư chỉ đạo xây dựng các mô hình đã được chú ý song đánh giá, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình chưa được quan tâm đúng mức. Năng lực trình độ của một số cán bộ, kể cả cán bộ chuyên trách, cán bộ cơ sở trong tuyên truyền pháp luật còn hạn chế. Chưa mở rộng mạng lưới công tác viên tình nguyện tuyên truyền của Hội tại cộng đồng. Việc ứng dụng CNTT trong tuyên truyền các nhiệm vụ của Hội và tuyên truyền pháp luật đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu giai đoạn hiện nay...

“Tại hội thảo hôm nay, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội rất mong nhận được nhiều ý kiến tham góp của các đại biểu để các cấp Hội làm tốt hơn công tác tuyên truyền pháp luật, khắc phục những hạn chế, tồn tại. Theo đó, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, mô hình cách làm hay, hiệu quả tại địa phương trong công tác tuyên truyền pháp luật, đề xuất giải pháp trong chỉ đạo và triển khai thực hiện trong thời gian tới..." - bà Kim Anh cho biết.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 58.000 lượt hội viên phụ nữ - ảnh 5
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của các cấp hội phụ nữ cơ sở trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đạt hiệu quả cao...

Bà Dương Thị Lý Anh, Trưởng ban Chính sách Luật pháp, Hội LHPN TP Hà Nội cho biết, hiện nay, Hội LHPN TP Hà Nội có 5 báo cáo viên pháp luật do UBND TP quản lý, 68 báo cáo viên pháp luật Hội LHPN Hà Nội quản lý; có 2.410 tuyên truyền viên pháp luật tại cấp huyện và cơ sở. Trong năm 2022, và 6 tháng đầu năm 2023 các cấp đã tổ chức 1.090 cuộc tập huấn cho hơn 184.747 lượt báo cáo viên tuyên truyền viên.

Trong những năm qua, Hội LHPN Hà Nội luôn xác định nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm, chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành các kế hoạch, đề án, tạo cơ chế và nguồn lực triển khai thực hiện trong các cấp Hội, tăng cường ký kết thực hiện các cở, ngành trong tuyên truyền bình đẳng giới, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Hình thức tuyên truyền pháp luật ngày một đa dạng, đổi mới, kết hợp trực tiếp và trực tuyến có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới, linh hoạt, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, internet phù hợp với tình hình phòng chống dịch Covid-19 thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ và nhân dân tham gia. Nội dung tuyên truyền thiết thực, vừa đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết pháp luật của phụ nữ, vừa sát nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 58.000 lượt hội viên phụ nữ - ảnh 6
Toàn cảnh hội thảo

Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, các cấp Hội đã tổ chức 1.090 buổi tập huấn cho hơn 184.000 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên; tổ chức 445 buổi tuyên truyền, truyền thông trực tiếp cho hơn 58.000 lượt hội viên phụ nữ Cũng trong năm 2022, Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo triển khai 2 mô hình mới: Câu lạc bộ “Chủ nhà trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em” tại 5 quận, huyện và mô hình Ban Tự quản chung cư an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em tại 3 quận. Các mô hình được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện thành lập và hoạt động, các thành viên tham gia tích cực, tự nguyện, đồng tình cao với bộ tiêu chí đánh giá và quy chế hoạt động cụ thể. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì hoạt động của 184 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật; 74 tổ tư vấn tham gia giải quyết vụ việc liên quan phụ nữ và trẻ em; 438 tủ sách, ngăn sách, túi sách pháp luật; 1.962 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 15 câu lạc bộ “Phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em”; 21 câu lạc bộ “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông”; CLB “Phụ nữ với công tác xã hội”; CLB “Nói không với bạo lực gia đình”, CLB “Nam giới lên tiếng”, CLB “Nam giới đồng hành vì sự an toàn của phụ nữ, trẻ em”, CLB “Gia đình nói không với bạo lực"... Nhiều mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư được thành lập mới, nhân rộng và triển khai có hiệu quả, tạo nên diễn đàn về tìm hiểu, thực thi pháp luật nổ ích cho phụ nữ.

Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ được phối hợp triển khai thường xuyên, chú trọng các địa bàn xa trung tâm, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, địa bàn có giải phóng mặt bằng, quan tâm nhóm phụ nữ đặc thù. Công tác giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách, tham gia xây dựng pháp luật, về thực hiện bình đẳng giới, lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được triển khai nề nếp…

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay, hiệu quả tại địa phương trong công tác tuyên truyền pháp luật. Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: Trong năm 2023, Hội đã phối hợp với Viện kiểm sát và Công an huyện Đông Anh tổ chức 2 phiên tòa giả định tại các trường trung học phổ thông từ những câu chuyện thật đã xảy ra trên địa bàn do Công an huyện cung cấp, các cháu học sinh là “diễn viên” tại các phiên tòa giả định. Qua đó, trang bị kiến thức, kỹ năng, góp phần giáo dục tuyên truyền pháp luật cho học sinh, được chính quyền cũng như các nhà trường đánh giá cao.

Chia sẻ tại hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN  phường Liễu Giai (Ba Đình) Nghiêm Thúy Trang thông tin: Để tuyên truyền hiệu quả về công tác phòng cháy, chữa cháy, Hội Liên hiệp phụ nữ phường đã phối hợp với tổ dân phố triển khai thực hiện mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”. Đến nay, nhờ làm tốt dân vận khéo, Hội đã tiếp nhận ủng hộ từ các mạnh thường quân hơn 600 bình chữa cháy, xây dựng một tổ dân phố kiểu mẫu với 100% hộ dân có bình chữa cháy…

Các đại biểu cũng chia sẻ các giải pháp để triển khai có hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, hòa giải mâu thuẫn tại cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em; đồng thời đề xuất giải pháp trong chỉ đạo và triển khai thực hiện thời gian tới. 

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN quận Hoàng Mai: Tập huấn chuyên đề về học tập và làm theo Bác Hồ

Hội LHPN quận Hoàng Mai: Tập huấn chuyên đề về học tập và làm theo Bác Hồ

(PNTĐ) - Thiết thực hưởng ứng các hoạt động chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024),  Hội LHPN quận  Hoàng Mai phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Quận tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cho 250 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

(PNTĐ) - Nhằm tiếp tục đưa hoạt động ủy thác cho vay để giải quyết việc làm cho hộ cận nghèo, đối tượng chính sách từ nguồn vốn vay của ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSSH) được hiệu quả, kịp thời phát hiện vấn đề cần khắc phục…  thời gian qua, Hội LHPN quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát với công tác ủy thác cho vay trên địa bàn quận.