8/3 tặng vợ quyền nói “không”

Nhà văn Hoàng Anh Tú
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều năm qua, kể từ khi các anh lấy vợ, mùng 8/3 chúng ta đều nát óc nghĩ đến món quà tặng vợ. Rồi lặp lại trong ngày 20/10. Chưa kể còn Valentine, ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm đám cưới… Làm sao để tặng vợ một món quà mà vợ thích ngay khi nhận? Với tôi, hãy tặng vợ mình quyền được nói “Không”. Là chính tôi cũng muốn những phụ nữ đọc bài viết này hãy tự tặng mình quyền được nói “Không” một cách thực sự!

NGÀY XƯA “PHU XƯỚNG  PHỤ TÙY”

Cái câu người xưa hay nói: “Phu xướng phụ tùy” đàn ông chúng tôi ai cũng thích. Có một người vợ ngoan ngoãn gọi dạ bảo vâng luôn khiến chúng tôi thấy mình như hoàng đế ngày xưa vậy. Tiếc thay, cái thời đàn ông sướng như vua ấy đã là thế kỷ 18 rồi! Đàn ông kiểu đó bây giờ đều đã nằm sâu trong lòng đất.

Để tôi kể mọi người nghe chuyện của nhà tôi:

Ngày xửa ngày xưa, có lẽ từ lâu lắm rồi, ở một vương quốc nọ mà chúng ta gọi là “lúc mới yêu, thật vui biết bao nhiêu” ấy, có một phụ nữ đã từng yêu tôi như sinh mệnh của nàng. Tôi hay hỏi nàng: “Hôm nay mình ăn gì?” Không phải để quyết định bữa ăn hôm đó chúng tôi ăn gì mà chỉ để được nghe cái câu ngọt tới tận tim: “Đi với anh, ăn gì cũng thấy ngon hết”.

Tôi thích ngồi cà phê vỉa hè, nàng sẵn sàng ngồi xổm cùng tôi dẫu váy áo của nàng khi ấy như một công chúa, tiểu thư quý tộc thế kỷ 18. Chúng tôi yêu nhau đúng độ Hà Nội mùa thu, vỉa hè nào cũng ngọt lừ hoa sữa. Tôi cũng hay hỏi nàng: “Tên em là gì?” Chỉ để nghe nàng đáp: “Em tên là bà Tú”. Phải, nàng yêu tôi đến quên cả tên mình.

Có đợt phải làm báo Tết, tôi bận đến râu cũng không kịp cạo, nàng cũng như làm báo Tết với tôi, tôi quên ăn, nàng cũng chẳng buồn đụng đũa. Nghe mà thương lắm khi nàng nói: Không có anh ăn cùng, em ăn gì cũng chẳng ngon. Đại loại những năm tháng ấy, tôi đi đâu, nàng theo đấy, tôi nói mặt trời mọc ở hướng Tây thì nàng cũng sẽ quả quyết rằng trái đất này đã vì tôi mà dịch chuyển chỉ để buổi chiều thành buổi sáng. Cả thế giới này 8 tỷ người cộng lại cũng chẳng bằng một tôi - người đàn ông là cả thế giới của nàng.

8/3 tặng vợ quyền nói “không” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Và chúng tôi cưới nhau như thứ tất lẽ dĩ ngẫu của mọi gã đàn ông gặp được người phụ nữ vừa khít mình như thế. Để rồi sau đám cưới, trật tự thế giới đã được thay đổi. Là khi tôi bắt đầu được học những bài học đầu tiên về việc: Em sai rồi, anh xin lỗi em đi. Vợ tôi… “quay xe”.

Hôm ấy, Hà Nội nắng to như Sài Gòn, tôi rủ nàng ngồi vỉa hè cà phê, nàng quần soóc, áo hai dây nhưng quyết phải ngồi cà phê máy lạnh mới chịu. Chẳng nhà thơ nào làm thơ được trong căn phòng kín bưng, điều hoà chạy 18 độ đâu, tôi thật! Gió điều hoà mà thành gió heo may thì đó là một nhà thơ rởm rít, tôi chê. Nàng quay ngoắt 180 độ. Nàng chẳng còn là “bà Tú” nữa, nàng có tên riêng.

Tôi có người bạn Sài Gòn ra chơi nên đi uống ly bia với bạn. Cả bữa tôi không đụng đũa ăn bất cứ món gì vì muốn để bụng về ăn với nàng. Hôm đó nàng khoe nấu nồi cà bung mà tôi khoái nhất. Nhưng khi tôi về nhà, nồi cà bung chỉ còn đúng… 1 bát. Nàng mắt nhắm mắt mở khi tôi gọi nàng dậy ra ăn cùng.

Chưa kịp hỏi thì nàng đáp liền một lèo: Em buồn ngủ lắm! Anh tự ăn một mình đi. Em ăn xong phần của em rồi. Bye chồng yêu. Rồi nàng quay ra ngủ tiếp.

Tôi chắc rằng nhiều người đàn ông đã kết hôn sẽ thở dài đánh thượt giống tôi lúc này.

HÃY TẶNG VỢ QUYỀN ĐƯỢC NÓI “KHÔNG”

Gần 20 năm làm chồng của cái người vợ biết nói “Không” này, tôi đã trở thành ông chồng quốc dân lúc nào không hay. Tất nhiên, tôi cũng đã trải qua nỗi thất vọng phát khóc vì cho rằng mình lấy nhầm một cô nàng ích kỷ. Không ích kỷ sao được khi cô ấy chỉ biết đến bản thân mình.

Phụ nữ ở đâu tôi không biết chứ phụ nữ ở Việt Nam này thì tôi biết nhiều chị em đều rất khó nói “Không”. Muốn nói “Không” thì họ phải luyện tập nói nhiều lắm. Bởi phần đa trong số đó đều biết cái câu: “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Mà lấy chồng là theo chồng. Xấu chàng thì hổ ai? Nhiều phụ nữ chọn chép miệng như nguyên tắc gìn giữ hôn nhân. Có thể là cả nể. Có khi là “thôi thì cũng được”. Có lúc lại là “vậy chứ biết làm sao”. Có người thì “chồng không làm không lẽ mình cũng không theo?”… Để rồi, nói “Không” nhiều khi bị quy kết thành ích kỷ, chỉ biết mình.

Mà lạ nỗi, không chỉ đàn ông quy kết chị em đâu nhé, cả phụ nữ với nhau cũng quy kết phụ nữ khác như thế. “Cái kiểu phụ nữ gì mà vứt con cho chồng trông còn mình váy áo đi du lịch với bạn bè như thế”. Rồi thì “con hư tại mẹ, có ngữ mẹ như thế nói sao con nó không hư”. Bước vào một ngôi nhà, thấy bừa bộn là y như rằng phụ nữ bị quy án cứ như thể cái nhà bừa bộn là phụ nữ đó bừa bộn không bằng.

8/3 tặng vợ quyền nói “không” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tôi cũng từng kết án vợ mình là ích kỷ. Tôi có một vạn tám ngàn bằng chứng cho thấy vợ tôi ích kỷ sau mỗi tiếng “Không” của nàng. Nhưng từ từ đã nào, nàng nói “Không” sao tôi lại yêu nàng nhiều đến thế, yêu hơn cả “lúc mới yêu, thật vui biết bao nhiêu”. Như khi nàng nói “Không ngồi vỉa hè” là khi cuộc cà phê ấy của hai vợ chồng chất lượng hơn bao nhiêu. Chứ nếu ngồi vỉa hè với cái nắng như thiêu như đốt kia, mồ hôi nhễ nhại kia, liệu nàng còn đủ lúng liếng nhìn tôi? Ai ngồi giữa trời trưa Hà Nội nắng gắt mà còn cười được thì hẳn đầu óc họ có vấn đề rồi. Đến trứng còn chín thì pha lãng mạn kia chắc là cháy khét lẹt rồi.

Ngày bạn tôi từ Sài Gòn ra cũng vậy, nếu nàng nhịn đói chờ tôi, chắc chắn nàng sẽ phải gọi tôi 1080 cuộc điện thoại. Yêu thì phải nói như đói là phải ăn. Mà đói không ăn thì khác gì yêu một viên đá tảng? Tôi sẽ bị nàng mặt nặng mày nhẹ, nồi cà bung kia hẳn sẽ mặn chát vì nước mắt chờ cơm của nàng.

Phụ nữ biết nói “Không” là biết điều gì khiến họ hạnh phúc. Họ nói “Không” với những thứ khiến họ trở thành mụ phù thuỷ hắc ám. Họ hiểu rằng chỉ khi họ thực sự hạnh phúc, chồng họ, con họ cũng sẽ… thở phào nhẹ nhõm.

Bạn chỉ là một kẻ ích kỷ nếu như bạn từ chối những thứ thuộc về trách nhiệm phải làm của bạn. Nó tuyệt đối không phải là những trách nhiệm mà người khác gán cho bạn như cân nặng của con là trách nhiệm nhồi ăn của mẹ. Như trách nhiệm phải giặt quần áo, là lượt quần áo cho chồng thì mới là người vợ biết chăm sóc gia đình. Nói Không với những thứ bạn làm mà không được trân trọng, ghi nhận. Nói Không với những thứ khiến bạn không hạnh phúc, với những mối quan hệ độc hại và cả những thứ nằm ngoài khả năng của bạn.

Khi bạn biết nói KHÔNG, bạn sẽ tạo ra một ranh giới rõ ràng hơn, thiết lập được vai trò, vị trí cũng như lòng tự tôn của bản thân. Bạn biết nói KHÔNG cũng là cách để cuộc đời bạn, sức khoẻ tinh thần của bạn tốt hơn vậy. Hãy tự hỏi bản thân: Mình thoải mái hơn khi mình từ chối hay đồng ý với điều này? Và hãy thoải mái thực sự với lựa chọn của bạn. Người yêu thương bạn đủ, sẽ chẳng ai tức giận khi bạn từ chối họ. Vì yêu thương một ai đó, chẳng ai muốn ép uổng ai làm thứ họ không thoải mái cả, đúng không?

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.