Áp lực "bánh mì kẹp" trong gia đình

Chia sẻ

“Sandwich Generation” (thế hệ bánh mì kẹp) là thuật ngữ dùng để chỉ những người trưởng thành vừa có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ già, vừa phải lo nuôi nấng con nhỏ. Cộng thêm đảm đương trách nhiệm công việc khiến họ gặp nhiều áp lực trong cuộc sống mà ít được lắng nghe.

Áp lực trong giai đoạn hậu Covid-19

Năm nay mới 33 tuổi, nhưng Lê Như Quỳnh tự nhận mình ngày càng khó tính và hay càm ràm. Không phải bản tính chị vốn thế, mà bởi hoàn cảnh cuộc sống có nhiều áp lực, trong khi chị không biết sẻ chia cùng ai. Đã 3 năm nay, mẹ Như Quỳnh bị tai biến, liệt nằm một chỗ, là con gái duy nhất, cô phải có trách nhiệm chăm sóc mẹ. Đồng thời, Quỳnh còn một con gái 3 tuổi rưỡi cũng phải chăm nom. Việc chăm sóc mẹ và con gái đã chiếm hết thời gian của Quỳnh, khiến cô muốn làm thêm công việc khác để gia tăng thu nhập cũng không được.

“Sợ nhất là cảnh mẹ và con gái cùng ốm, lúc ấy mình chỉ ước phân thân được mà thôi, chạy như con thoi ấy. Chuyện xin nghỉ làm dăm bữa, nửa tháng với mình là thường xuyên, chắc còn kéo dài tới khi con gái đủ lớn, đi học được”- Quỳnh than thở. Cô không thể đưa mẹ vào viện dưỡng lão, vì kinh phí eo hẹp và bà sẽ trách móc con gái là bất hiếu. Không muốn sống trong day dứt, nhưng cái cảnh không có chút thời gian nào cho bản thân nhiều khi khiến Quỳnh rất áp lực.

Những người đang mang tâm lý nặng gánh hai bên với gia đình như Quỳnh được gọi chung là “Sandwich Generation” (thế hệ bánh mì kẹp), một thuật ngữ do nhà xã hội học Dorothy Miller đặt ra, dùng để chỉ nhóm người thuộc độ tuổi trung niên vừa phải chăm sóc bố mẹ già, vừa nuôi dạy con cái của mình. Báo cáo Sandwich Generation do hãng bảo hiểm Haven Life thực hiện đã phỏng vấn 1.078 người trong độ tuổi 30-55, những người tự nhận mình là thuộc “thế hệ bánh mì kẹp”. 80% người tham gia cho biết họ cảm thấy căng thẳng thường xuyên, áp lực với trách nhiệm và phải làm việc quá sức để chăm lo cho những thành viên trong gia đình. Dù chăm sóc bố mẹ trực tiếp hàng ngày hay từ xa, những người này cũng đang gặp áp lực vì phải cân bằng với cả cuộc sống gia đình riêng.

Ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 càng làm cho “thế hệ bánh mì kẹp” áp lực hơn khi phải chịu căng thẳng cả về thời gian và kinh tế.

Văn hóa Á Đông coi việc chăm sóc cha mẹ ở tuổi già là bổn phận, là trách nhiệm báo hiếuVăn hóa Á Đông coi việc chăm sóc cha mẹ ở tuổi già là bổn phận, là trách nhiệm báo hiếu (Ảnh: minh họa, nguồn INT)

Hệ quả của già hóa dân số

Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2019, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Với 10,4 triệu người trên 65 tuổi, người già đang chiếm 7,7% trong tổng dân số 92,6 triệu người. Trong khi đó, nhiều người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu. Người 80 tuổi trở lên mới được hưởng trợ cấp xã hội và cũng không đủ sống nên họ trông cậy vào con.

Theo báo cáo quốc gia “Việt Nam - một xã hội đang già hóa”, số người già Việt Nam không có lương hưu và trợ cấp là 64,4%. Dự báo, sau năm 2035, cứ bốn người trong tuổi lao động phải “gánh” ba người, cơ hội để người trẻ tích lũy, đảm bảo thu nhập lúc về già bị ảnh hưởng. Báo cáo nói trên còn khái quát tình trạng già hóa ở Việt Nam hiện nay là “chưa giàu đã già”, phản ánh nguy cơ của người già Việt Nam, có quá ít nguồn lực để chuẩn bị cho tương lai khi về già. Trong khi đó nguồn lực quỹ lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội cung cấp cho người già Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.

Thêm áp lực “bánh mì kẹp” sẽ khiến các cặp vợ chồng đẻ ít hơn, dẫn đến tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng hơn. Bác sỹ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, già hóa dân số sẽ làm gia tăng áp lực đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Sau này một đứa trẻ sẽ có khả năng phải đối diện cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại. Nếu không có chính sách can thiệp kịp thời, Việt Nam “sẽ luẩn quẩn trong vòng xoáy trẻ không có tích lũy, già nghèo khó, ốm đau, bệnh tật”.

Trước lo ngại dân số già, Dự thảo Đề cương Luật Dân số đang lấy ý kiến để trình Chính phủ, trong đó, tập trung vào một số nội dung được quy định như duy trì được mức sinh thay thế để khắc phục tình trạng phân bổ không đồng đều giữa các khu vực trong cả nước; đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh; các bước chuẩn bị cho già hóa dân số… Nhà nước cũng khuyến khích đóng bảo hiểm xã hội toàn dân, để mọi người đều có lương hưu khi về già, không thành gánh nặng cho thế hệ sau.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, chuyên gia văn hóa cho rằng, tốc độ già hóa của Việt Nam tăng nhanh đòi hỏi về chính sách cần có những thay đổi để thích ứng với vấn đề này. Bên cạnh đó, để giảm bớt gánh nặng cho thế hệ “bánh mì kẹp”, mỗi người cần được đào tạo về kỹ năng lập kế hoạch tài chính cho người dân. Và quan niệm “con cái phải báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ” nên được thay đổi. Khi cha mẹ già, con cái sẽ đối mặt với vấn đề làm sao để phân bổ thời gian cho bản thân lẫn người thân trong gia đình cho hợp lý. Đương nhiên, việc chăm lo cho cha mẹ ở tuổi già không bó buộc trong bất cứ quy định pháp lý nào. Với một số người con, đó có thể là hỗ trợ tài chính để đem đến cho cha mẹ một chất lượng cuộc sống thoải mái, trong khi với những người con khác, đó có thể là việc quan tâm đến các vấn đề tinh thần khác.

“Chăm sóc, hiếu thảo không nhất thiết phải là tiền bạc, vật chất, đôi khi chỉ đơn giản là dành thời gian, thể hiện sự quan tâm, yêu thương. Điều này được thể hiện qua những hành động nhỏ bé, giúp cha mẹ luôn cảm thấy mình không bị con cái bỏ rơi và xem là gánh nặng”- PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết.

CHI ANH

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.