Ba bản di chúc thừa kế

Chia sẻ

Mặc dù bố mẹ đã cẩn trọng trong việc lập di chúc cho các con, nhưng hơn chục năm sau, những người con vẫn đưa nhau ra tòa tranh chấp tài sản thừa kế do bố mẹ để lại…

Ba bản di chúc thừa kế - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Vợ chồng cụ Q sinh được 4 người con, gồm có ông C, bà T và ông H đã lập gia đình, còn ông Y đã mất. Cụ T (vợ cụ Q) bị bệnh pakinson. Đến năm 2005, cụ Q thấy sức khỏe ngày càng yếu nên đã chuẩn bị di chúc chia tài sản cho các con.
Năm 2005, cụ đánh máy bản di chúc đầu tiên, trong đó có ghi, hai cụ nay tuổi cao sức yếu, cụ Q đại diện hai vợ chồng lập bản di chúc để chia tài sản cho các con, gồm tiền mặt, nhà ở và giao nghĩa vụ thờ cúng, đối nội, đối ngoại. Bản di chúc này có chữ ký của ba người con của cụ.

Đầu năm 2006, cụ Q lại lập một bản di chúc mới viết tay, xác nhận cụ Q đại diện cho hai vợ chồng viết bản di chúc trong tình trạng tinh thần hoàn toàn minh mẫn và tự nguyện để chia tài sản cho các con. Nội dung bản di chúc giống bản đánh máy năm 2005 và có chữ ký của cụ Q, điểm chỉ của cụ T và chữ ký của hàng xóm là người làm chứng.

Tuy nhiên, để bản di chúc hợp pháp và tránh các con tranh chấp về sau, hai ngày sau, cụ Q tiếp tục lập một bản di chúc mới, có sự hướng dẫn của luật sư. Bản di chúc dài 2 trang, có chữ ký của cụ Q, điểm chỉ của cụ T và lời chứng, chữ ký của hai người làm chứng, trong đó có luật sư. Trong di chúc, cụ Q cho biết, di chúc lập trong trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt, không bị ai cưỡng bức ép buộc. Trong bản di chúc, cụ Q giao toàn bộ diện tích nhà và đất đang ở cho con trai là ông H quản lý, sử dụng.“Phần các con khác dù người được ít người được nhiều nhưng đều đã được chúng tôi chia tài sản. Việc chúng tôi di chúc lại cho H là dứt khoát, nhưng H không được phép chuyển dịch nhà đất dưới bất cứ hình thức nào nếu không có sự đồng ý của anh chị ruột” - cụ Q viết. Đây là di chúc cuối cùng của vợ chồng cụ thay thế các bản di chúc trước.

Năm 2016, ngôi nhà xuống cấp, vợ chồng ông H phải tu sửa, chắp vá nhiều nơi. Được một thời gian, ông H quyết định bán căn nhà để chuyển sang chỗ khác ở. Trước khi bán, ông H mời anh chị đến để bàn bạc và xin phép được bán nhà và dự định tiền bán nhà sẽ chia cho các cháu (con anh trai và chị gái) mỗi người 100 triệu đồng, số tiền còn lại, ông H để mua nhà mới. Thế nhưng, anh trai (ông C) và chị gái (bà T) của ông H không đồng ý. Nếu bán, ông H phải chia cho mỗi cháu được nhiều hơn.

Việc thỏa thuận không thống nhất được, ông C làm đơn kiện ra tòa. Theo đó, ông C đề nghị Tòa án tuyên bố Di chúc của bố mẹ là vô hiệu toàn bộ và chia thừa kế di sản của bố mẹ theo quy định của pháp luật. Bà T cũng đồng ý. Tòa cấp sơ thẩm xét thấy, di chúc thứ ba mà cụ Q lập là hợp pháp đối với phần định đoạt của cụ Q, không hợp pháp với phần định đoạt của cụ T. Vì vậy, quyết định chia phần di chúc của cụ T cho ba người thừa kế ở hàng thứ nhất, định giá tài sản là hơn 1,5 tỷ đồng, mỗi người được hơn 500 triệu đồng. Ông C làm đơn kháng cáo sau đó.

Mới đây, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án dân sự Tranh chấp tài sản thừa kế do cha mẹ để lại, do nguyên đơn là ông C, bị đơn là ông H. Tại tòa cấp phúc thẩm, ông C cho rằng, nếu em trai bán nhà thì phải chia phần tài sản mà ông đóng góp để sửa nhà và chia phần thừa kế của bố mẹ. Tại tòa, ông H nói, các anh chị có nhà riêng, công việc ổn định, còn tôi chỉ là lao động tự do, bố mẹ sợ tôi bán nhà nên mới để lại di chúc như thế.

Ông H cho biết, nếu anh chị đòi chia nhà thì yêu cầu tòa chia luôn tài sản bằng tiền mà bố mẹ đã để lại trong di chúc. Tòa hỏi: “Tiền đó để chi tiêu cho ông bà hết rồi, làm sao gọi là tài sản thừa kế được?” - ông H nói, vì anh chị sòng phẳng nên ông cũng phải đòi hỏi quyền lợi cho mình.

Tòa phúc thẩm xem xét tính hợp pháp của di chúc và tuyên sửa bản án sơ thẩm, xác định di chúc cuối cùng mà cụ Q lập có hiệu lực một phần của cụ Q, vô hiệu đối với cụ T. Về phần tài sản, tòa chia cho ông C và bà T mỗi người được gần 400 triệu đồng phần di chúc của cụ Q. Rời tòa, những người con của cụ Q vẫn không hài lòng với kết quả cuối cùng.

Giá như, bản di chúc của cụ Q rõ ràng hơn, phần tài sản được xác định công khai, minh bạch và riêng biệt đối với từng người con thì có lẽ các con cụ đã không tranh chấp tài sản như bây giờ. Và nếu các con cụ nhường nhịn, chia sẻ nhau thêm một chút thì có lẽ, cả ba không phải đối diện với nhau nơi công đường, để tình anh em cũng rạn nứt theo…

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.