Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Chia sẻ

Hơn 100 bạn trẻ là sinh viên các trường đại học trên cả nước đã cùng chung đam mê và ước muốn xây dựng một cộng đồng an toàn cho trẻ em nên đã đứng ra thành lập doanh nghiệp xã hội mang tên CyberKid. Đây là tổ chức xã hội đầu tiên tại Việt Nam bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng.

Hiểm họa trực tuyến đối với trẻ em

Với mong muốn bảo vệ trẻ em qua môi trường mạng và xây dựng một không gian số lành mạnh để có ích cho xã hội, tháng 9/2020, các bạn trẻ từ 18-22 tuổi đã thành lập doanh nghiệp xã hội CyberKid Việt Nam. Sau 1 năm hoạt động, nhóm đã có hơn 100 thành viên, với hơn 50.000 trẻ em ở Hà Nội và hàng nghìn phụ huynh đồng hành cùng doanh nghiệp xã hội trong việc xây dựng, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Dương Phương Thảo, Trưởng phòng F&L CyberKid Vietnam cho biết dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ em phải học online ở nhà, thời gian sử dụng mạng xã hội tăng lên do học tập và vui chơi trên nền tảng online cũng tăng lên. Đồng nghĩa với việc các em tiếp xúc thường xuyên với những mối nguy hiểm vô hình nhưng cực kỳ độc hại trên không gian mạng. Trong đó, mối nguy hại gần gũi và thường trực nhất với các em là bạo lực mạng, đặc biệt là với trẻ em gái.

Quá trình làm việc, đường dây nóng CyberHotline đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em là nạn nhân của các mối nguy hại như: Lừa đảo qua mạng, đánh cắp danh tính, lạm dụng tình dục, bạo lực mạng, nội dung xấu độc và nghiện game. Trong đó phổ biến nhất là đánh cắp danh tính. Từ khi chính thức đi vào hoạt động, CyberKid đã tiếp nhận 80 trường hợp trẻ em liên hệ đến đường dây nóng CyberHotline. Có em bị hack nick facebook sau đó bị lộ ảnh nhạy cảm, có em vì tin lời người lạ nên bị lừa mất 40 triệu đồng, thậm chí, có bạn nhỏ bị chính người lớn uy hiếp trên mạng…

Mới đây, CyberKid tiếp nhận một vụ việc về một nhóm học sinh sáng lập group học tập bị bạo lực mạng bởi một hội buôn bán group. Chúng đe dọa, tấn công các em bằng các tin nhắn “dùng phần mềm thay đổi mặt các em vào diễn viên s.e.x”... Nguy hiểm hơn, chúng gửi các đoạn clip mà chúng đã ghép mặt của các em quản trị viên group vào các v.i.d.e.o 1.8.+, lấy dẫn chứng là đã chạy quảng cáo khiến video lan truyền rộng rãi, khiến các em vô cùng khủng hoảng…

Thông tin từ CyberKid cho thấy, hiện có 71% trẻ em Việt Nam sử dụng internet. Mỗi ngày, trung bình một trẻ em sử dụng internet khoảng 188 phút. Nguy cơ trẻ em bị bắt nạt, đe dọa trực tuyến bao gồm rất nhiều hành vi như: Bôi nhọ, nói xấu, vu khống, dọa nạt... là rất cao.

“Bạo lực mạng được định nghĩa là hình thức bắt nạt, quấy rối thông qua phương tiện điện tử. Một lời bình luận, một post đăng tải, một tin nhắn, đều là những phương tiện đại diện cho ngôn ngữ giao tiếp trên môi trường mạng. Ngôn từ trên mạng có sức ảnh hưởng ghê gớm, không chỉ ở không gian mà còn ở thời gian. Đó cũng là lý do các vụ bạo lực mạng đều mang lại hậu quả nặng nề và dai dẳng với nạn nhân” - Thảo phân tích.

Các bạn trẻ trong cộng đồng CyberKid Việt Nam đang tập huấn cho học sinh về an toàn trên mạngCác bạn trẻ trong cộng đồng CyberKid Việt Nam đang tập huấn cho học sinh về an toàn trên mạng

Giải pháp “phễu thay đổi” để bảo vệ trẻ em

Năm 2020, CyberKid đã thực hiện một cuộc nghiên cứu, khảo sát cộng đồng và nhận ra rằng, trẻ em là đối tượng dễ chịu tổn thương nhất trên không gian mạng, trong đó bao gồm vấn đề về quấy rối và bắt nạt trực tuyến; 58,7% trẻ em thường bắt gặp các nội dung không phù hợp với độ tuổi, ví dụ như nội dung bạo lực và khiêu dâm. Trong khi đó, gần 60% trẻ em không sẵn sàng chia sẻ vấn đề của mình trên không gian mạng cho người thân.

Qua khảo sát, CyberKid nhận thấy, sự cởi mở cộng với nhận thức chưa rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo vệ mình đang khiến nhiều em nhỏ vô tình trở thành nạn nhân của các mối nguy hại khác nhau trên không gian mạng. Đây chính là động lực thôi thúc đội ngũ CyberKid thực hiện ý tưởng về việc lắng nghe, hỗ trợ, bảo vệ các em trước vấn đề này.

Theo Phương Thảo, nguyên nhân xuất phát từ việc các em nhỏ thường khá chủ quan và vô tư đối với những mối quan hệ trên mạng; dễ click vào các đường link độc; dễ tin lời người lạ dẫn đến việc bị lừa từ vật chất đến tinh thần… Đồng thời, các em cũng chưa có kỹ năng tự bảo vệ mình.

“Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển và bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội phục vụ các mục đích học tập, giao tiếp và giải trí cho trẻ là điều không thể tránh khỏi. Do đó, trẻ nên học tập và trau dồi 3 kỹ năng khi sử dụng mạng xã hội: Đầu tiên là cách để tận dụng các nguồn tài nguyên trên mạng; tiếp theo là cách để tự bảo vệ bản thân trên Internet; và cuối cùng, trẻ cần có một lối sống văn minh, lành mạnh khi sử dụng mạng xã hội. Đây là ngăn phễu đầu tiên để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng” – Phương Thảo nói.

Tiếp theo đó, cha mẹ có vai trò giúp con định hướng, giáo dục thói quen sử dụng mạng xã hội lành mạnh và tích cực; thấu hiểu và đồng hành cùng con, bảo vệ con trước các mối nguy hại trên mạng. Cuối cùng, những người hùng không thể thiếu là cộng đồng xã hội.

Hiện nay, CyberKid có CyberHotline tiếp nhận thông tin, liên hệ tư vấn và tiến hành xử lý vấn đề mà các em gặp phải trong vòng 90 phút. Sau đó, sẽ tìm hiểu và tư vấn cho người liên hệ theo 4 khía cạnh về pháp lý, tâm lý, công nghệ và thực tiễn. Không dừng lại ở việc tư vấn trực tiếp, các hoạt động ứng cứu sẽ được tiếp nối bởi mạng lưới hỗ trợ trên mặt đất.

Bên cạnh đó, giải pháp CybeSchool nhằm giảng dạy, tập huấn về an toàn trên không gian mạng tại nhiều cơ sở giáo dục từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở, trở thành những hành động thiết thực và hiệu quả giúp các em nhỏ đối phó với những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra trên môi trường mạng. Tất cả các giải pháp dành cho trẻ em và nhà trường đều phi lợi nhuận.

Tại cuộc thi viết với chủ đề “Chung tay vì môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” do Hội LHPN TP Hà Nội, báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với Plan International và Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững tổ chức, nhóm bạn trẻ trong Doanh nghiệp xã hội CyberKid Việt Nam đã đạt giải Khuyến khích với tác phẩm “Bảo vệ trẻ em gái trước bạo lực mạng độc hại”.

Nhóm tác giả cho biết khi tham gia cuộc thi, họ muốn truyền thông tới cộng đồng về những nguy cơ đối với trẻ em trên không gian mạng, lan toả các giải pháp bảo vệ trẻ em, nâng cao nhận thức của trẻ, giúp trẻ tự bảo vệ mình hoặc tìm kiếm các sự hỗ trợ như đường dây nóng, cơ quan bảo vệ trẻ…

 HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.