Bi kịch bỏ con mình nuôi con người

Thu Giang
Chia sẻ

(PNTĐ) - Giây phút biết mình bị bệnh hiểm nghèo, anh mong muốn những ngày tháng còn lại được bù đắp cho hai đứa con ruột mà mình đã cố tình “bỏ quên” chúng sau khi ly hôn. Thế nhưng, cả hai đều từ chối nhận sự bù đắp của người cha chỉ có sinh mà không có dưỡng.

Người chồng phụ bạc

Ngồi ở phòng tư vấn, người đàn ông đó tự nhận mình là một người chồng phụ bạc vợ con. Anh bảo có lẽ vì vậy mà giờ phải nhận quả báo bằng một căn bệnh hiểm nghèo vô phương cứu chữa. Nếu không có sự cố này, có lẽ anh vẫn chưa tỉnh ngộ để nhận ra cái sai của mình. Và rồi anh nhận ra nhiều năm nay mình đã sống lỗi với hai đứa con và người phụ nữ đã từng hy sinh cho chồng không ít. Nói đúng hơn, rời bỏ cuộc hôn nhân ấy là một sai lầm vô cùng lớn đối với cuộc đời của anh.

- Làm thế nào để trước khi rời khỏi cuộc đời này, tôi được hai đứa con tha thứ, được bù đắp lại cho chúng một chút? Bởi bao nhiêu năm nay, tôi đã bỏ quên trách nhiệm làm cha của mình đối với các con, anh nói trong niềm ân hận.

Hơn 15 năm trước, anh đã từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với hai đứa con trai sinh đôi. Khi hai đứa trẻ lên 3, anh lạc lối vào mối tình bất chính với một phụ nữ làm mẹ đơn thân.

Bi kịch bỏ con mình nuôi con người  - ảnh 1
Ảnh minh họa

- Ngày đó, vợ tôi ở quê, lam lũ quanh năm nên chẳng còn sự quyến rũ của người phụ nữ xinh đẹp thuở nào. Trong khi đó, tôi đi làm ở thành phố gặp cô ấy lúc nào cũng nõn nà, lại biết chiều chuộng đàn ông. Mê đắm trong mối quan hệ tình ái ấy, tôi bất chấp đạo lý, tình cảm vợ chồng để vứt bỏ cuộc hôn nhân mà tôi cho rằng không còn hạnh phúc nữa. Bấy giờ, vợ tôi không chịu ký vào đơn ly hôn, chấp nhận sống ly thân để giữ gia đình cho con cái. Nhưng tôi không đồng ý, bởi sự thúc ép của người tình trên thành phố. Vậy là, tôi làm đơn ly hôn đơn phương.

 Anh kể, lúc ly hôn, anh “nhường” toàn quyền nuôi con cho vợ và cố tình bỏ quên luôn trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con theo pháp luật. Bởi người tình trên thành phố đưa ra điều kiện nếu đến với cô ta thì phải vứt bỏ hết quá khứ, kể cả con cái. Mê đắm người phụ nữ ấy, anh đồng ý vô điều kiện mà không biết hành động ruồng rẫy vợ, vứt bỏ con cái của mình đã gây cho hai đứa con nỗi tổn thương quá lớn.

Vợ cũ của anh sau khi ly hôn đã phải tay trắng đưa con rời khỏi nhà chồng. Bởi bao nhiêu năm về làm vợ, làm dâu, tài sản từ nhà cửa đến đất đai đều đứng tên bố mẹ chồng. Công sức đóng góp của chị lại thuộc vào những công việc “không công” như quán xuyến việc nhà, chăm con, phụng dưỡng bố mẹ chồng đau ốm liệt giường quanh năm. Mọi người trong gia đình chồng đều bảo công sức đó của chị thuộc về nghĩa vụ làm mẹ, làm dâu, làm vợ nên chẳng tạo ra tài sản gì. Vậy nên, chị “vô sản” chẳng có gì trong cuộc hôn nhân này ngoài hai đứa con trai. Chị cay đắng đưa con quay về nương nhờ bố mẹ đẻ.

Sau khi ly hôn, anh hợp thức hóa mối quan hệ ngoài luồng lâu nay của mình. Và để chứng minh mình sẽ làm một người chồng tốt của người vợ xinh đẹp, quyến rũ, anh tình nguyện làm một “người cha tuyệt vời” của hai đứa con riêng của vợ.

Hơn 15 năm nay, anh đã không ngừng nỗ lực để làm việc kiếm tiền lo cho con riêng của vợ vào học ở trường quốc tế, mua đồ dùng, quần áo, điện thoại, xe máy cho chúng. Anh trở thành người cha dượng tốt, yêu thương con riêng của vợ hết mực, cứ thế tổ ấm mới của anh trở thành hình mẫu mơ ước của nhiều người phụ nữ. Không ai biết rằng, bao nhiêu năm nay anh là người cha tồi của hai đứa con ruột đang sống cùng vợ cũ ở quê.

Bi kịch bỏ con mình nuôi con người  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Đau đớn vì con kiên quyết không nhận lại cha

Từ ngày bố mẹ ly hôn, hai đứa con trai sinh đôi lớn lên thiếu vắng sự chăm sóc yêu thương của bố về vật chất lẫn tinh thần. Trong ký ức tuổi thơ của chúng chỉ tràn ngập nỗi tủi thân, rồi biến thành nỗi oán hận đối với người cha có công sinh ra nhưng lại không nuôi dưỡng chúng.

- Ông có biết, những ngày đến trường, trong khi tất cả bạn bè đều có bố yêu thương, che chở, bảo vệ thì anh em tôi chỉ biết tủi thân khóc thầm? Chúng tôi đã không biết làm thế nào để hoàn thành bài tập miêu tả về bố của mình. Cuối cùng phải nhờ cậu bạn thân cho “mượn” hình ảnh bố của cậu ấy mới hoàn thành được bài tập đó. Ông đã ở đâu khi chúng tôi đói ăn, thiếu mặc, ốm đau...? Những câu hỏi của hai đứa con trai khiến anh quay cuồng trong ngày đầu tiên tìm về gặp chúng kể từ anh ngày bước ra khỏi cuộc hôn nhân, bỏ lại tất cả sau lưng.

Anh bảo điều đau đớn nhất bây giờ của anh không phải là bệnh tật hành hạ mà là hai đứa con trai kiên quyết không chịu nhận lại cha. Chúng bảo, bao nhiêu năm nay, nỗi oán hận anh chất chứa quá nhiều nên không thể nào nhận lại anh. Hóa ra, anh có thể bỏ quên chúng nhưng trong thời đại công nghệ phát triển, khi lớn lên, hai đứa con của anh vẫn theo dõi và biết được cuộc sống của người cha tệ bạc như thế nào. Tất cả những hình ảnh hạnh phúc trong cuộc hôn nhân mới mà người vợ hiện tại của anh cập nhật, đăng tải lên mạng xã hội đều được người thân bên ngoại của hai đứa trẻ chụp lại và cho chúng xem. Họ bảo bố chúng bỏ con mình đi nuôi con người.

Bi kịch bỏ con mình nuôi con người  - ảnh 3
Ảnh minh họa

Khi biết chồng mắc bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối, vợ anh hỏi đến vấn đề thừa kế tài sản, yêu cầu anh chuyển lại quyền sở hữu tài sản lại cho cô và hai đứa con riêng. Bấy giờ, anh mới nhớ mình vẫn còn có hai đứa con trai, và chúng mới là người có trách nhiệm thờ cúng anh sau này chứ không phải hai đứa con gái riêng của vợ. Vì thế, anh muốn quay về nhận lại con cái và chuyển một phần tài sản của anh hiện có cho chúng.

Tuy nhiên, ngày anh tìm về nhận con cũng là ngày hai đứa con trai tuyên bố chúng không có cha, và cũng chẳng có trách nhiệm với phần hương hỏa với anh sau này. Phần tài sản mà anh dự tính cho chúng để bù đắp lại những thiệt thòi trong những năm qua, cả hai đều không nhận.

Vợ cũ của anh chẳng muốn con mình trở thành người bất nghĩa với người sinh ra mình nên cũng hết lời khuyên nhủ con. Tuy nhiên, hai đứa con trai vẫn kiên quyết không nhận lại cha, bởi sự tổn thương mà anh gây ra và để lại cho chúng quá lớn.

Tại phòng tư vấn, anh hỏi những thủ tục để chuyển tài sản thừa kế cho hai con trai thông qua một người thân bên nhà nội có được không? Bởi anh vẫn muốn dùng phần tài sản này thể hiện sự hối lỗi của mình đối với các con. Đó cũng là trách nhiệm làm cha cuối cùng mà anh có thể làm cho chúng.

Đâu đó trong cuộc sống, khi hôn nhân đổ vỡ, vì hạnh phúc cá nhân, không ít người cha như anh đã đặt lợi ích của con cái xuống một bên, mà không biết điều đó gây ra tổn thương vô cùng lớn cho những đứa trẻ. Chúng vô tội trước sự lựa chọn sai lầm của bố mẹ nhưng lại hứng chịu tất cả hậu quả của sai lầm đó.

Vì thế, dù thế nào đi chăng nữa, khi sinh con ra, nếu không thể tạo dựng cho con một tổ ấm hạnh phúc, cha mẹ vẫn phải làm tròn nghĩa vụ của mình trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con trưởng thành. Đừng vô tình bỏ quên, hay chạy trốn khỏi nghĩa vụ đó bằng bất cứ lý do gì, bởi đó sẽ là nguyên nhân khiến những đứa trẻ lớn lên không còn niềm tin vào hạnh phúc gia đình, có sự lệch lạc trong nhận thức về bổn phận làm con, về đạo hiếu đối với đấng sinh thành.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.