Bí mật từ bản di chúc của người cha

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư gan, ông ra đi, để lại cho vợ con một bản di chúc. Cả nhà ông chưa nguôi nỗi đau thì lại phải đối diện với một bí mật động trời từ di chúc của ông.

Người chồng, người cha hoàn hảo

Hơn 40 năm nên duyên vợ chồng, với bà Loan, ông Ngọc là một người chồng, người cha hoàn hảo, chẳng có điều gì chê trách. Thời điểm gặp gỡ rồi đem lòng yêu nhau, nhà bà nghèo, còn nhà ông có điều kiện kinh tế. Bấy giờ, nhà bà thuộc giai cấp nông dân, còn nhà ông thuộc hàng trí thức. Tình yêu của họ chẳng được gia đình hai bên ủng hộ. Bởi xã hội lúc đó, nhà nào dựng vợ gả chồng cho con cái cũng đều đặt tiêu chuẩn môn đăng hộ đối lên hàng đầu.

Lúc gặp và yêu bà, ông là một thanh niên tri thức tiến bộ. Vì thế, ông quyết phá bỏ rào cản “giai cấp” trong hôn nhân bằng việc dùng mọi cách để bảo vệ tình yêu của hai người. Cũng mất một thời gian khá dài, ông mới “chiến thắng” được bố mẹ để cưới bà Loan về làm vợ.

- Ngày về làm vợ, làm dâu trong gia đình ông, tôi nhận ra mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất. Bởi ông ấy vẫn luôn đứng về phía tôi để vượt qua những bỡ ngỡ, lạ lẫm trong nếp sống nhà chồng. Bố mẹ chồng tôi vốn trọng lễ nghĩa từ cách ăn uống, giao tiếp, nuôi dạy con cái, nếu không có ông ấy bên cạnh hỗ trợ, bảo vệ, tôi không thể trở thành một người con dâu tốt trong nhà chồng mấy chục năm nay được – bà Loan kể.

Bí mật từ bản di chúc của người cha - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chẳng những là người chồng tốt, với hai đứa con, ông Ngọc luôn là người cha hoàn hảo. Từ nhỏ đến lớn, ông Ngọc luôn giữ hình tượng một người cha yêu thương con cái hết mực, là tấm gương sáng trong cuộc sống gia đình lẫn sự nghiệp. Vì thế, hai con trai của ông bà đều học hành đỗ đạt, có sự nghiệp vững vàng. Nhìn vào gia đình ông, ai cũng ngưỡng mộ, bởi nó thật sự là hình mẫu để mọi người noi theo.

Từ ngày về kết hôn với ông Ngọc, bà Loan làm nội trợ, quán xuyến việc chăm sóc con cái, nội trợ trong nhà. Khi bố mẹ chồng già yếu, bà đảm nhiệm việc chăm sóc họ để chồng yên tâm công tác và lo kinh tế gia đình. Mấy chục năm qua, dù là một người nội trợ nhưng bà Loan không hề mang cảm giác ăn bám chồng mà luôn được ông đặt vào vị trí cùng làm chủ gia đình.

Kinh tế, ông là người làm ra chủ yếu nhưng bà là người quản lý và quyết định mọi chi tiêu trong gia đình. Những việc lớn, hai vợ chồng cùng bàn bạc, thống nhất rồi mới quyết định.

Bởi vậy, chưa bao giờ bà Loan nghĩ đến cảnh một ngày nào đó ông Ngọc làm chuyện gì đó có lỗi với bà và các con. Tình yêu chung thủy của ông bà qua năm tháng còn được mọi người lấy làm mẫu để nhắc nhở, dạy bảo con cháu, người thân.

- Tôi cứ ngỡ mình sẽ được hưởng trọn vẹn cuộc sống hạnh phúc với ông ấy đến ngày cuối đời. Ai ngờ lại đứt gánh khi ông ấy mắc bệnh hiểm nghèo. Ông ấy ra đi, để lại một khoảng trống vô cùng lớn đối với mẹ con, bà cháu chúng tôi - bà Loan ngậm ngùi kể.

Những ngày đầu biết mình bị mắc bệnh ung thư, ông Ngọc “bỗng nhiên” vào Nam hơn một tháng, bảo đi thăm bạn bè, người thân trong đó. Lúc đó, bà và các con đều nghĩ có lẽ ông bị sốc nên tính trước mọi chuyện cho chuyến đi xa không bao giờ trở lại của mình. Các con cũng muốn ông thoải mái tinh thần để chiến đấu với bệnh tật nên ông muốn cái gì họ đều ủng hộ.

Sau này, thỉnh thoảng, ông lại vào Nam chơi một tuần, bảo là đi chơi cho thay đổi tâm trạng. Khi quay về, tâm trạng ông tốt hơn lên nên chuyện ông thích đi du lịch ở đâu, bà và các con đều ủng hộ. Chỉ duy nhất một điều bà hơi áy náy là lần nào ông cũng chỉ muốn đi một mình, không muốn vợ con bìu ríu theo.

Day dứt cùng bí mật cuối đời

Hai năm trở lại đây, sức khỏe ông Ngọc giảm sút rõ rệt, cả nhà đều biết căn bệnh ung thư gan của ông đang ở giai đoạn cuối cùng. Có lẽ cũng xác định được tư tưởng nên ông cũng phần nào chuẩn bị cho chuyến đi xa không ngày về này của mình. Ông dặn dò bà những việc khi không còn mình song hành để giải quyết như trước đây, nhắc nhở con cháu sau này phải quan tâm hiếu thảo với bà nhiều hơn.

- Ngày ông ấy ra đi, có dặn dò tôi là lúc nào xong công việc 49 ngày của ông ấy thì hãy mở chiếc hộp nhỏ để trong tủ. Trong đó, có di chúc và những việc ông ấy muốn nói với tôi sau khi khuất núi. Nghe lời ông ấy, xong xuôi mọi việc, tôi gọi các con về đông đủ để họp gia đình và mở di chúc của bố. Ai ngờ, đó lại là giây phút cả nhà biết được bí mật động trời lâu nay của ông ấy – bà Loan không giấu được nỗi buồn nói.

Bí mật từ bản di chúc của người cha - ảnh 2
Ảnh minh họa

Bữa đó, có hai phong thư được bà lấy ra từ chiếc hộp nhỏ. Một cái đựng di chúc của ông, còn một cái là bức thư để lại cho bà. Nhưng nội dung của di chúc lẫn thư không chỉ khiến bà đau lòng mà con cái cũng bất ngờ phẫn nộ theo.

Trong thư, ông thú nhận và kể với bà về sự day dứt cuối đời đã không một lòng trọn vẹn thủy chung với bà như lâu nay mọi người vẫn nghĩ. Sự day dứt đó còn là việc không làm tròn trách nhiệm của một người cha với đứa con ngoài giá thú bên ngoài, có công sinh mà không có công dưỡng.

Cách đây 30 năm, khi ông có thời gian công tác trong Nam, vì một phút yếu lòng mà sa ngã vào vòng tay của một cô gái. Sau lần đó, ông tỉnh ngộ và không còn liên lạc với cô gái đó nữa mà không biết mình đã để lại hậu quả. Cô gái ấy đã mang thai và sinh cho ông một đứa con trai, từ đó đến nay làm mẹ đơn thân nuôi con một mình.

Ông biết được chuyện đó trong một lần cùng đơn vị tổ chức lễ kỷ niệm thăm lại chiến trường xưa. Qua một người bạn vừa gặp lại, ông mới biết mình có con ngoài giá thú. Âm thầm tìm lại cô gái năm nào, lòng ông day dứt chứng kiến cuộc sống khổ cực, vất vả của hai mẹ con.

Đứa con trai đó vì nhà quá nghèo nên không có điều kiện kinh tế để học hành đầy đủ, nó phải nghỉ học sớm, buôn bán cùng mẹ mưu sinh. Đến nay, họ vẫn thuộc đối tượng hộ nghèo của xã. Trở về, ông bí mật tìm cách giúp đỡ họ, nhưng bây giờ ông chẳng làm ra kinh tế như trước để có thể bù đắp nhiều cho hai mẹ con.

Những ngày biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, ông âm thầm tính toán và quyết định đưa đứa con ngoài giá thú ấy vào danh sách chia thừa kế tài sản khi ông qua đời. Tính cả con chung, con riêng, ông có ba đứa con trai. Phần tài sản, ông chia đôi, một phần dành cho bà, phần của mình, ông chia làm 3 để cho ba đứa con trai bằng nhau. Bản di chúc này, ông cũng âm thầm nhân bản và gửi cho đứa con ngoài giá thú ấy, dặn nó sau này tìm về để nhận phần của mình.

Bà đau khổ vì đến tận cuối đời rồi mới biết mình đã bị chồng lừa dối bao nhiêu năm nay. Hai đứa con trai cũng giận bố đưa con riêng vào chia tài sản với mình. Trong khi đó, ngôi nhà này, mảnh đất này có được như ngày hôm nay cũng có công sức của họ đóng góp vào nữa.

Bà và các con quyết định hủy bỏ tờ di chúc oan nghiệt đó. Nhưng họ không ngờ, ông vẫn để tờ di chúc ấy ở mẹ con người phụ nữ bên ngoài. Ông mất chưa được bao lâu thì người con riêng đó tìm về. Trước là nói nhận tổ tông dòng họ, sau là đề cập đến nội dung di chúc ông để lại. Con riêng của ông cũng thẳng thắn nói ra việc họ chẳng cần nhận “anh em ruột thịt” với nhau nếu như hai con trai của ông không muốn làm điều đó. Nhưng, tài sản mà con riêng ông được nhận theo di chúc hợp pháp của người cha để lại thì nhất định anh ta phải lấy. Nếu ai gây cản trở, anh ta sẽ khởi kiện ra tòa.

Đêm đêm, trong căn nhà vắng bóng ông, bà đau lòng thì thầm cùng di ảnh của chồng. Bà ước, giá như ông là một người đàn ông tồi tệ cứ thế nhắm mắt cũng bí mật đó để không diễn ra cảnh oan nghiệt như ngày hôm nay. Để những năm tháng tuổi già của bà lại phải chứng kiến cảnh con chung, con riêng của chồng lôi nhau ra công đường tranh giành tài sản.

Dù thắng hay thua, vết thương này không chỉ nhức nhối cho đến ngày bà gặp lại ông, mà còn khiến máu mủ ruột rà của ông tương tàn chỉ vì phần tài sản mà ông để lại với mong muốn bù đắp cho đứa con riêng có sinh mà không có dưỡng kia.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

(PNTĐ) - Như một phép màu, sau 57 năm thất lạc, ông Chu Nghiêm (sinh năm 1941, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) và con gái là chị Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1967, trú tại xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã tìm được nhau nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Công an phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).
Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.