Bố mẹ giấu mùa hè của con đi đâu?

Chia sẻ

PNTĐ-Sau một năm học căng thẳng, trẻ thường mong đến nghỉ hè để được xả hơi, vui chơi thỏa thích. Thế nhưng thực trạng gần đây lại cho thấy dường như trẻ đang sợ nghỉ hè...

 
Tháng 6 được tính là thời gian khép lại một năm học và bắt đầu kì nghỉ hè của trẻ. Sau một năm học căng thẳng, trẻ thường mong đến nghỉ hè để được xả hơi, vui chơi thỏa thích. Thế nhưng thực trạng gần đây lại cho thấy dường như trẻ đang sợ nghỉ hè, đặc biệt là ở thành phố!
 
Từ trước ngày tổng kết năm học, ở các trung tâm học thêm, học phụ đạo… các bậc phụ huynh đã phải đau đầu về việc tìm khóa học hè cho con, mong có chỗ gửi con; một số khác chủ động dành thời gian đến xếp hàng đăng kí ghi tên cho con mình. Chị Thu Trang (35 tuổi, Cầu Giấy) chia sẻ: “Mình quyết định đăng kí cho con tham gia khóa học vẽ, múa và hát cho cháu lớn để định hướng theo sở thích nghệ thuật của con, còn cháu nhỏ mình định sẽ đăng kí học Toán để bổ sung, củng cố kiến thức của năm học cũ và chuẩn bị trước kiến thức cho năm học sau”.
 
Bố mẹ giấu mùa hè của con đi đâu? - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Chị Kim Thùy (30 tuổi, Hoài Đức) lại lựa chọn cho con tham gia khóa học Kỹ năng sống cho trẻ được tổ chức ngay trong trường: “Hai vợ chồng đều bận, không có nhiều thời gian chơi với con. Ông bà nội ngoại lại ở xa nên đành cho con học hè trên này, vừa để con tăng kỹ năng sống lại vừa đỡ lo để con phải ở nhà một mình trong khi bố mẹ đi làm”. Được biết, hai vợ chồng chị Thùy đã dự tính giành ra hơn 5 triệu đồng cho khóa học này, thời gian kết thúc khóa học cũng vừa hay bước vào năm học mới. Số tiền phải bỏ ra khá “chát” nhưng đây được coi là giải pháp hữu hiệu để cả nhà cùng yên tâm.
 
“Trong năm học thấy con học hành cũng áp lực, lịch học kín tuần, còn chẳng đủ thời gian ngủ. Thế nên, mình cũng chỉ để con “vừa học vừa chơi”, tránh áp lực nhiều, chứ chưa yêu cầu học trước các môn ở trường như các bạn cùng lớp”, chị Thùy chia sẻ.
 
Cùng chung tình trạng như gia đình chị Thùy, một số gia đình hiện nay lại chọn giải pháp khác là thuê người giúp việc trông con. Ấy vậy mà cũng chẳng dễ dàng chút nào. Theo khảo sát, mức giá thuê giúp việc trông con dịp hè dao động khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Nếu kèm theo yêu cầu chăm sóc trẻ như cho ăn cơm, đưa đi chơi… thì mức giá có thể lên đến 3,5-4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phụ huynh vì quá tin tưởng nên đã xảy ra nhiều chuyện “dở khóc, dở cười”, mang họa "tiền mất, tật mang". Và chỉ khi gia đình có camera mới có thể giám sát được con cái và công việc của người giúp việc thời vụ.
 
Mấy tuần nay, chị Thùy Linh (26 tuổi, Thanh Xuân) cùng chồng chạy đôn chạy đáo khắp các trung tâm tìm người giúp việc uy tín qua sự giới thiệu của đồng nghiệp, bạn bè: “Chuyện tìm người giúp việc thông qua các trung tâm môi giới có vẻ không khả quan lắm. Hai vợ chồng mình đang tính phương án khác là nhờ người thân ở quê tìm hộ ai đó lên đây giúp mình trong hơn 1 tháng hè. Như thế có lẽ sẽ thoải mái hơn trong chuyện tiền nong, nói chuyện cũng dễ hơn. Để họ đồng ý giúp mình, chứ thời gian vừa rồi tất bật đi tìm người giúp việc, cũng mệt bở hơi tai rồi”.
 
Nhiều gia đình không tìm được người trông con, không có điều kiện cho con theo học những khóa học đắt tiền buộc phải áp dụng giải pháp cuối cùng là “nhốt” con trong nhà tự xem ti vi, ôm máy tính, điện thoại thông minh… nghỉ làm luân phiên để trông con, hoặc thậm chí là đưa con đến nơi làm việc. Và rồi, kỳ nghỉ hè của con trẻ bất đắc dĩ đã trở thành nỗi lo cho bố mẹ, các con cũng không được nghỉ ngơi, vui chơi đúng nghĩa.
 
Một số phụ huynh dù không mong muốn nhưng cuối cùng học thêm các môn năng khiếu trong dịp hè đối với trẻ tiểu học, trung học cơ sở và tiếp tục đi học với trẻ mẫu giáo vẫn là giải pháp mà đa số phụ huynh buộc phải lựa chọn để có thể yên tâm đi làm. Việc phụ huynh cố gắng nhồi nhét kiến thức, hoặc nhốt con trong bốn bức tường đều không hề tốt cho sức khỏe và tâm lý của trẻ. Hơn nữa, việc ép trẻ học hè sẽ khiến các con giảm hứng thú, xuất hiện tâm lý sợ học, chán học. Từ đó, trẻ dễ rơi vào thế căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng, sợ hãi với việc học tập.
 
Câu chuyện của ba gia đình trên cũng là tình cảnh chung của nhiều gia đình ở thành phố hiện nay. Con được nghỉ hè đang trở thành nỗi ám ảnh với không ít các bậc phụ huynh vì không thể thu xếp được thời gian để trông con.
 
Tốt hơn hết, gia đình, nhà trường và xã hội nên cùng nhau tạo ra sân chơi bổ ích, lý thú và an toàn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, sinh hoạt cho trẻ, thay vì để trẻ sợ nghỉ hè. Bố mẹ chính là những người định hướng cho trẻ học tập một cách hiệu quả nhất giúp trẻ phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy dành thời gian trò chuyện, quan tâm và lắng nghe con trẻ nhiều hơn!
 
 
Lưu Thị Kiều Diễm

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.