Cách hay giúp con cai nghiện thiết bị điện tử
(PNTĐ) - Khi thấy con trai lớp 6 thường xuyên đờ đẫn, đắm chìm vào game rồi lại nghiện xem mạng xã hội, chị Yến Linh, nhân viên văn phòng, đã tìm đủ mọi cách để giúp con hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử khi không cần thiết.

Có máy tính hay điện thoại trong tay, phần lớn những đứa trẻ sẽ tỏ ra ngoan ngoãn, ít làm phiền đến cha mẹ. Nhưng, tới một ngày, chị Linh nhận cái gì quá cũng không tốt. Sau một thời gian được mẹ cho dùng thiết bị điện tử thoải mái, con chị đã xuất hiện một số biểu hiện bất bình thường. Thi thoảng, con lại ngước đôi mắt dài dại vô cảm nhìn mọi người. Con không mấy khi để tâm đến lời bố mẹ nói, hay bắt chước những câu thoại, bình luận ở các trò chơi. Con cũng thường xuyên kêu đau mỏi mắt, nháy mắt, việc học tập chểnh mảng hơn…
Hành trình giúp cho con của chị Linh bắt đầu từ sự thống nhất của cả đại gia đình. Bởi, nếu chỉ bố mẹ nghiêm thôi chưa đủ, khi ở nhà, ông bà nuông chiều vẫn cho cháu chơi thì công cuộc cai game cũng không đạt hiệu quả. Tiếp đến, vợ chồng chị Linh làm công tác tư tưởng cho con trai, giải thích cho con hiểu tác hại nếu con tiếp tục chìm đắm vào thế giới ảo.
Sau đó, chị Linh đã sử dụng phương pháp ngắt quãng để giúp con dần tránh lạm dụng vào các thiết bị điện tử. Mỗi ngày, chị giảm một chút thời gian sử dụng thiết bị điện tử của con. Những ngày đầu, cậu bé buồn bực, thậm chí còn khóc lóc để dọa mẹ. Tuy nhiên, chị Linh vừa mềm mỏng khuyên nhủ, vừa kiên quyết không thỏa hiệp cho tới khi con dần quen. Sau đó, chị bắt đầu vô hiệu hóa những thiết bị điện tử mà con hay dùng bằng cách thay mật khẩu và để lại vào vị trí cũ để tạo phản xạ hạn chế sử dụng thiết bị cho con. Chỉ khi nào con cần sử dụng thiết bị cho mục đích học tập, con mới sử dụng dưới sự giám sát của bố mẹ.
Chị Linh cũng rút ra thiếu sót, đó là do thiếu kết nối với gia đình nên con mới dành nhiều thời gian chơi thiết bị điện tử. Vì vậy, gia đình chị quan tâm hơn đến con, mỗi ngày đều hỏi han về tình hình học tập, nắm bắt suy nghĩ của con kịp thời. Bản thân anh chị cũng cố gắng sắp xếp công việc để cùng con chơi thể thao hay vận động nhẹ nhàng để rèn luyện sức khỏe. Anh chị động viên con đọc sách, chơi đàn để con thấy xung quanh còn nhiều điều thú vị mà con chưa khám phá hết.
Cuối cùng, nhờ sự hỗ trợ của bố mẹ, sau 4 tháng, con chị đã không còn bị lệ thuộc vào thiết bị điện tử. Sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình cũng được tăng lên.