Cảm ơn vì có Tết

Bài và ảnh: Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau những ngày được trở về quê sum họp bên gia đình, Tết ra, có những người con, cháu lại tất bật trở lại thành phố, tiếp tục công việc mưu sinh, học tập thường nhật. Trong hành trang của họ là biết bao tình cảm yêu thương, cái ôm bịn rịn của ông, bà, bố, mẹ... mong con cháu mình sẽ chân cứng đá mềm, sẵn sàng bước tiếp một năm mới với những thành công mới.

Cảm ơn vì có Tết - ảnh 1
Bà Lê Thị Tín (thứ 7 từ phải sang) vui mừng đón các con cháu về nhà ăn Tết.

Chuyện của bố mẹ

Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Đàm, sinh năm 1945 và bà Lê Thị Tín, sinh năm 1949 ở Sơn Tây, Hà Nội sinh được 5 cô con gái. Bà Tín vẫn nhớ lắm hồi “5 cái tàu há mồm” còn nhỏ, nhà bà lúc nào cũng đông đúc. Ông Đàm là bộ đội xuất ngũ, còn bà Tín có một gian hàng bán đồ sành sứ ngoài chợ. Chính nhờ gian hàng này mà bà đã nuôi đủ các con trưởng thành. Tốt nghiệp THPT, những đứa con của bà lần lượt thoát ly đi học đại học. Rồi cô con gái cả sinh năm 1974 đi lấy chồng, tiếp đến là cô thứ 2, thứ 3... Vợ chồng bà Tín đã quen với việc nhà cửa vắng dần. Cả năm, đa phần chỉ có hai ông bà chăm nhau, những đứa con chỉ thi thoảng tạt về thăm nhà được chốc lát rồi lại đi ngay. Bà Tín chia sẻ, lâu lắm rồi, gia đình bà hiếm khi nào tập hợp được đông đủ các thành viên như xưa. Các con đã trưởng thành mỗi người mỗi việc, thời gian biểu cũng khác nhau, nên lịch về nhà với bố mẹ cũng khác.

Mấy năm gần đây, sức khỏe của ông Đàm yếu đi nhiều, không còn đi lại nhanh nhẹn như trước. Việc ông bà đến thăm nhà các con cũng không thực hiện được nữa. Do đó, trong năm, Tết luôn là dịp ông bà vui nhất vì có các con trở về, ríu rít nói cười. Hai cô lớn thường về nhà vào ngày 30 Tết, ăn được bữa cơm Tất niên với bố mẹ rồi lại đi. Cô con út sinh năm 1982 ở tận Yên Bái, cách nhà ngoại hơn 100km thì về thăm trước Tết rồi sát ngày 30 Tết lại đưa con về nhà nội. Có cô, khoảng giữa Tết mới tranh thủ đưa chồng con về ngoại. Cứ cô em đi thì hôm sau cô chị mới về... Thế rồi sau Tết, ông bà ngậm ngùi khi các con lại lần lượt tạm biệt bố mẹ, ngôi nhà của ông bà những ngày này vắng vẻ trở lại. 

Bà Tín cho biết, người càng già thì càng có xu hướng hoài cổ, nhớ lại ký ức xưa. Các con sinh sống ở xa, ông bà Đàm nhớ các con lắm nhưng lại sợ nếu năng gọi điện, các con lại sốt ruột không tập trung cho công việc được. Thường ngày, ngay cả khi ốm đau, ông bà vẫn giấu, còn bảo các con không cần về quê đâu vì bố mẹ vẫn ổn. Ông Đàm luôn dặn các con cứ lo việc nhà nội và nhà mình trước, có thời gian thì về với bố mẹ, không cũng không sao. “Dù nói vậy chứ ông ấy vẫn thường kê ghế ngồi thẫn thờ ngóng ra phía cửa rồi thi thoảng hỏi tuần này liệu có đứa nào về không. Rồi chỉ cần nghe tiếng con cháu gọi cửa là ông mừng mừng tủi tủi”- bà Tín kể chuyện. 

Với hai vợ chồng già quanh năm xa con như ông bà Đàm, quan trọng nhất luôn là được đón con bình yên trở về, thấy các con khỏe mạnh, hạnh phúc, các cháu ngoan ngoãn, khôn lớn. “Các con gái vẫn nói đón hai bố mẹ đến ở cùng nhưng chúng tôi vẫn muốn được ở lại nhà mình. Nhà của chúng tôi luôn là nhà của con, ở ngay đây,  lúc nào cũng mở rộng cửa để đón chúng trở về, dù là vào dịp Tết hay ngày thường” - bà Tín cho biết.

Mỗi một cái Tết qua đi, là một dịp ông bà muốn gửi cho các con thật nhiều yêu thương và những năng lượng tích cực, để các con sẽ tiếp tục vững tin bước những bước đi dài trong cuộc sống.
Chuyện của các con
Với vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1986, ở Hải Phòng, Tết cũng luôn là dịp để những đứa con trở về bên gia đình, người thân, về với cội nguồn, nơi đấng sinh thành đang chờ đợi sau một năm xa nhà. Và Tết này, dù đã ở tuổi gần 40, chị vẫn thấy thật mãn nguyện, sung sướng như một đứa trẻ mới lên 5 lên 7 vì đã có những ngày sum họp thật trọn vẹn, bình yên ở quê nhà. 

Chị Hằng chia sẻ: “Vợ chồng mình đang sống ở thành phố Hải Phòng và đang ở riêng. Quê nội ở cách nhà khoảng 2 tiếng đi đường, quê ngoại ở Bắc Giang cũng xa 120km. Công việc mưu sinh thường ngày khá bận rộn nên trong năm, mình cũng ít có điều kiện thường xuyên về thăm bố mẹ thường xuyên. Vì vậy, suốt 10 năm qua, vợ chồng mình  chưa bỏ lỡ một Tết nào để đưa các con về với hai bên ông bà”.  

Chị Hằng cho biết, mỗi một cái Tết đến rồi đi, đều để lại cho gia đình chị những bài học quý giá. Như là Tết năm nay, vợ chồng chị được trải nghiệm một cách sống chậm, thảnh thơi, không lo toan, gác hết công việc sang một bên để hỗ trợ ông bà dọn dẹp nhà cửa, cùng nấu các món ăn truyền thống. Các con chị thay vì chú tâm vào các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại thì được học cách thể hiện tình cảm, sự yêu thương đối với ông bà, bố mẹ. Đó là khi các con tự tay tô vẽ đồ trang trí, vẽ tranh, lịch tặng ông bà. Ông bà thì cũng rất phấn khởi khi được nhận tranh do các cháu tự tay vẽ tặng.

Chị Hằng tâm sự: Kết thúc một cái Tết, chị cũng thấy có phần hơi bùi ngùi vì bố mẹ lại thêm một tuổi, sẽ yếu đi nhiều. Lưng bố mẹ thì còng hơn, da đồi mồi, nhăn nheo, tóc bạc hơn và khi chị vòng tay ôm lấy bố mẹ thì thấy rộng hơn vì bố mẹ lại gầy đi một chút. Điều này với những người con có hạnh phúc được ở cùng với bố mẹ mỗi ngày có thể không nhận ra, nhưng với những người con ở xa như anh chị sẽ cảm nhận khá là rõ rệt.

Trên chuyến xe trở về thành phố, vợ chồng chị Hằng mang theo những món đồ quê bố mẹ hai bên thiết tha gửi cho. Quà thì dân dã mộc mạc thôi, nhưng anh chị thấy ấm lòng lắm. “Tạm biệt bố mẹ, mình luôn cầu cho bố mẹ thật mạnh khỏe, trường thọ để còn minh mẫn là điểm tựa của con cháu. Mình mong năm nay sẽ gặp may mắn, thành công, hai vợ chồng sẽ khấm khá hơn để có nhiều điều kiện báo hiếu bố mẹ, đưa bố mẹ đi chơi đó đây”- chị Hằng tâm sự.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

Xúc động câu chuyện tìm được người thân thất lạc sau 57 năm nhờ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

(PNTĐ) - Như một phép màu, sau 57 năm thất lạc, ông Chu Nghiêm (sinh năm 1941, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) và con gái là chị Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1967, trú tại xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã tìm được nhau nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Công an phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).
Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.