Câu lạc bộ “hiến kế” phòng, chống bạo lực gia đình

Chia sẻ

Ngày nay, bạo lực gia đình (BLGĐ) diễn ra dưới nhiều hình thức, mức độ, câu chuyện về BLGĐ không còn là góc khuất trong gia đình, mà là bài toán cần toàn xã hội chung tay tìm lời giải Trong đó có vai trò không nhỏ từ các Câu lạc bộ (CLB) phòng chống BLGĐ của các cấp cơ sở Hội Phụ nữ.

Các thành viên CLB Xây dựng gia đình phát triển bền vữngCác thành viên CLB Xây dựng gia đình phát triển bền vững.

Năm 2016, Tổ dân phố Ngang, phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) được chọn tổ chức, triển khai ra mắt CLB Xây dựng gia đình phát triển bền vững. Sau 4 năm làm điểm, từ hơn 40 thành viên ban đầu, đến nay CLB có hơn 60 thành viên, tất cả đều tự nguyện tham gia. Ban Chủ nhiệm CLB gồm Tổ trưởng TDP, cảnh sát khu vực, chi hội trưởng phụ nữ (PN). CLB họp định kỳ 1 quý/lần, mời báo cáo viên tuyên truyền phòng, chống BLGĐ. Ngoài ra, CLB còn có nhiều hình thức sinh hoạt phong phú khác như: Lồng ghép các hoạt động truyền thông về gia đình vào các hoạt động phát triển kinh tế như vay vốn, kinh doanh, khuyến nông; Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; Thăm hỏi, động viên lẫn nhau, giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn… Tất cả nhằm nâng cao hiểu biết cho các thành viên, từ đó điều chỉnh hành vi ứng xử trong gia đình, chủ động phòng ngừa BLGĐ, nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư.

CLB còn có Nhóm phòng, chống BLGĐ, sẽ phát hiện, tiếp nhận tin báo về vụ việc BLGĐ trên địa bàn, nhanh chóng can thiệp để giải tỏa hoặc làm chấm dứt hành vi BLGĐ. Từ đó chủ động hoặc phối hợp với tổ hòa giải tổ chức hòa giải mâu thuẫn, tư vấn trực tiếp cho nạn nhân BLGĐ, người gây BLGĐ về pháp luật, tâm lý, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong gia đình; Phối hợp với người đứng đầu cộng đồng dân cư tổ chức góp ý phê bình đối với người gây BLGĐ; Lập hồ sơ, thống kê báo cáo về vụ việc, tình hình xử lý vụ việc BLGĐ cho Ban Chỉ đạo phường.

Chị Đỗ Thị Yến, Bí thư chi bộ TDP Ngang, Chủ nhiệm CLB Xây dựng gia đình phát triển bền vững nhớ lại những ngày đầu “chật vật” tuyên truyền đến các chị em. Đặc thù của người dân nơi đây là làm nghề nông và buôn bán nhỏ, bởi vậy, còn nhiều chị em chưa hiểu về quyền của mình, nghĩ mình phải cam chịu, lấy chồng là phải theo chồng. Từ khi tham gia CLB, các chị được tuyên truyền nhiều kiến thức mới, được tư vấn sức khỏe, giao lưu văn hóa – văn nghệ, được học thêm các kiến thức khoa học về giống, cây trồng để phát triển kinh tế…

"Trước đây, mâu thuẫn xảy ra nhiều nhất trong các gia đình sinh một bề toàn con gái. Từ khi có CLB, nhiều gia đình không còn nặng nề chuyện đó nữa”- chị Yến cho biết.

Chị Nguyễn Thị Thỏa, Chủ tịch Hội LHPN phường Đại Mỗ (Quận Nam Từ Liêm) đã từng tham gia hòa giải nhiều vụ BLGĐ kể: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hai vợ chồng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”! Việc hòa giải cũng vì thế mà phải “biến hóa” không ngừng”.

Theo chị Thỏa, không phải cứ kinh tế khó khăn thì vợ chồng mới lục đục. “Có trường hợp gia đình rất khá giả, người chồng đánh đập vợ trên chiếc xe ô tô sang trọng của nhà mình. Cô vợ khi ấy mới sinh con thứ 3 được 6 tháng, đã trốn khỏi nhà chồng một thời gian vì không chịu nổi bạo lực. Khi lén quay về làm giấy khai sinh cho con thì chồng đón đường đánh đập. Nhận được tin báo, chúng tôi vội báo công an vào cuộc, đưa chị đi giám định thương tật. Sau đó, người vợ dũng cảm ra tòa ly hôn, giải thoát cuộc sống bạo lực.

Lại có BLGĐ nhen nhóm từ mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu, thành những trận đòn giáng xuống người vợ giữa đêm khuya. BLGĐ còn có thể là bạo lực về tình dục, khi người phụ nữ không đáp ứng được nhu cầu sinh lý của bạn đời. Những hành vi này thường dai dẳng trong rất nhiều năm, cũng là từng ấy thời gian người phụ nữ giấu diếm và cam chịu. Chúng tôi phải xuống gia đình, gặp gỡ và kiên trì lắng nghe ý kiến đôi bên, rồi khuyên các thành viên khéo léo hơn khi ứng xử với nhau.

Cuối năm 2019, toàn phường Đại Mỗ có 91% gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa. Trong CLB có nhiều thành viên đạt nhiều thành tích xuất sắc, được quận và thành phố khen thưởng; nhiều chị em làm kinh tế giỏi; có các cụ bà dù đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn mê say với công tác xã hội. Những “nòng cốt” này, cùng sự chung tay giúp đỡ của đảng, chính quyền, công an và các đoàn thể đã giúp CLB thêm gắn kết, trở thành cầu nối cho các thành viên mở mang kiến thức và nâng cao đời sống, giữ gìn hạnh phúc gia đình.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.