Chồng ở rể như khách trọ trong nhà vợ

Chia sẻ

Em là con gái một nên khi lấy chồng bố mẹ yêu cầu chồng em phải ở rể. Bố mẹ chồng em và anh ấy đồng ý vì tiện cho điều kiện công việc của hai vợ chồng em. Thoạt nhìn vào, ai cũng nghĩ cuộc sống của vợ chồng em rất viên mãn.

Chồng ở rể như khách trọ trong nhà vợ - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Nhà cửa không phải lo, cuộc sống đầy đủ tiện nghi, con cái có ông bà ngoại trông. Chồng em chẳng phải nặng gánh kinh tế giống như những người đàn ông khác. Tuy nhiên, có ở trong chăn mới biết chăn có rận, chồng em đi ở rể mà không khác gì khách trọ trong nhà. Anh ấy luôn xem nhà vợ không phải là nhà của mình nên chẳng chăm lo và để ý đến bất cứ việc gì.

Bố mẹ em nhiều lần than vãn có con rể sống cùng nhà mà chẳng nhờ vả được gì. Mỗi lần có việc phải thuê dịch vụ, hoặc nhờ họ hàng làm hộ. Con rể ngày đi làm, tối về ăn cơm rồi lên phòng riêng xem phim, nghe nhạc, đi ngủ, chẳng tham gia việc gì. Bố mẹ em lúc nào cũng than vãn với em nhưng lại không dám trách móc hay “sai việc” con rể vì sợ chồng em tự ái đưa vợ con về bên nhà chồng. Em góp ý với chồng, nhưng anh ấy luôn bảo đi ở rể nên chỉ sống như vậy thôi, vì mọi thứ đều là của nhà vợ. Mỗi lần vợ chồng em nói tới vấn đề này là lại cãi nhau. Em đứng giữa không biết xử sự thế nào cho phải. Mong Tâm Giao tư vấn giúp em!

Linhnguyen@gmail.com

Lâu nay, chuyện ở rể luôn có sẵn định kiến: Đàn ông đi ở rể là “chó chui gầm chạn”, không có quyền hành, tiếng nói ở nhà vợ. Do đó, nhiều người chồng chấp nhận lấy vợ ở rể luôn mang tâm lý ấy. Nếu không được nhà vợ thấu hiểu và gỡ bỏ thì họ sẽ sống tự ti, không xem mình là một thành viên thật sự trong gia đình vợ, và không thực hiện đúng vai trò trách nhiệm khi sống chung với mọi người.

Tuy nhiên ngày nay, chuyện ở rể được mọi người suy nghĩ hiện đại hơn. Không ít bố mẹ vợ xem con rể giống như con trai khi sống chung dưới một mái nhà, yêu thương và xóa khoảng cách con rể là… “người ngoài”. Nhiều chàng rể cũng xem mình là một thành viên có đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của một người con khi sống cùng nhà vợ. Thậm chí có chàng rể được nhà vợ đặt ở vị trí “quan trọng” trong gia đình, luôn “đứng mũi chịu sào” các vấn đề lớn, uy tín hơn cả con trai.

Nói như vậy để bạn hiểu rằng, con rể và nhà vợ vẫn có thể sống hòa hợp hạnh phúc, có trách nhiệm với nhau, yêu thương và tôn trọng nhau. Chỉ là do hai bên chưa biết cách ứng xử và điều chỉnh lại hành vi sống của mình trong cuộc sống hàng ngày mà thôi. Bạn có thể phân tích cho chồng và bố mẹ hiểu điều đó. Nhân dịp vui vẻ, cả nhà ngồi lại cùng nhau, bố mẹ bạn có thể mở lòng với con rể, để chồng bạn thấy không đơn thuần chỉ là con rể mà giống như con trai. Ông bà cứ thoải mái giao trách nhiệm cho con rể giải quyết một số việc trong nhà, để anh ấy thấy vai trò của mình cũng quan trọng trong nhà vợ. Nếu con rể có khuyết điểm gì, ông bà hãy cứ góp ý để điều chỉnh lại.

Phần bạn nên kéo chồng vào các việc ở nhà vợ, phân tích cho anh ấy hiểu trong hoàn cảnh này, bố mẹ chỉ có vợ chồng mình là con duy nhất. Là người cùng một nhà, anh ấy hãy thể hiện trách nhiệm của mình, cùng vợ chăm sóc, quản lý gia đình. Khi bố mẹ vợ và con rể gỡ bỏ khúc mắc trong lòng, hiểu nhau hơn thì sẽ chung sống hòa thuận và có trách nhiệm với nhau nhiều trong cuộc sống hàng ngày.

TÂM GIAO 

Tin cùng chuyên mục

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.