Chung tay phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em

HOÀN LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bạo lực, xâm hại… để lại nhiều tổn thương nặng nề cả về thể xác, tinh thần cho các nạn nhân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó với bạo lực, xâm hại hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chung tay phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em - ảnh 1
Đối tượng Ngô Thị Sinh cho con gái uống thuốc ngủ để người tình xâm hại gây bất bình dư luận ngày 17/2 vừa qua tại cơ quan công an.          Ảnh: C.A

Từ nhận thức chưa đầy đủ

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội bảo vệ Quyền Trẻ em TP Hồ Chí Minh được cộng đồng gọi là “nữ luật sư của phụ nữ, trẻ em” vì luôn đấu tranh, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, nhìn lại hành trình 16 năm ấy, điều khiến bà còn day dứt là vẫn còn tình trạng ngay cả cơ quan chức năng xét xử tội phạm còn chưa đúng tội, hay bỏ lọt tội trong các vụ việc xâm hại, bạo hành phụ nữ, trẻ em. Chẳng hạn như vụ việc năm 2019, một cháu bé ở Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh theo giấy khai sinh chỉ 14 tuổi nhưng cơ quan giám định vẫn kết luận cháu hơn 17 tuổi dẫn tới tội phạm suýt thoát tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Phải tới khi luật sư vào cuộc và có văn bản kiến nghị gửi tới Viện kiểm sát, Công an, trung tâm giám định pháp y... cháu bé mới được “trả lại tuổi thật” và thủ phạm mới bị trừng trị đúng tội.

Cùng với đó, theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, còn là thái độ chủ quan, không phòng ngừa hoặc chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức của cộng đồng, mà trước tiên là trong chính các gia đình về loại tội phạm bạo lực, xâm hại. Bà Nữ day dứt mãi về vụ việc thầy giáo dâm ô học sinh xảy ra ở tỉnh Bình Dương mấy năm về trước gây xôn xao dư luận. Ngay cả khi nạn nhân đã cầu cứu gia đình nhưng bố mẹ cháu vẫn không tin, còn cho rằng con mình nói bừa. Vì thế, cháu bé đã phải tự cứu mình bằng cách “đặt điện thoại quay lại sự việc” thì bố mẹ cháu mới tá hỏa và trình báo công an. 

Ngay mới đây, trưa ngày 17/2/2023, vụ việc đối tượng Ngô Thị Sinh - là mẹ đẻ đã cho con gái ruột 10 tuổi uống thuốc ngủ để người tình hiếp dâm con tại nhà nghỉ ở tỉnh Tuyên Quang đã cho thấy sự xuống cấp kinh hoàng của đạo đức. Người mẹ, lẽ ra phải là đối tượng đầu tiên sát sao, bảo vệ con ruột của mình thì lại tiếp tay cho tội phạm hiếp dâm con. 

Chị Trần Thị Phương Nhung, nguyên cán bộ quản lý Sáng kiến về Bình đẳng giới và Giáo dục trẻ em gái của văn phòng UNESCO tại Việt Nam cũng cho rằng, nhận thức và sự vào cuộc của gia đình, cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại. Chính bà từng là người duy nhất tìm số đường dây nóng và các địa chỉ hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành, xâm hại để cung cấp cho một nạn nhân bị chồng bạo hành. Trong khi đó, những người hàng xóm xung quanh đều biết sự việc nhưng không làm gì. Sự việc không chỉ có thế. Sau này, khi bà Nhung tìm cách tiếp cận và khuyên người vợ không nên cam chịu thì chị lại từ chối. Kể lại câu chuyện này bà Nhung trăn trở, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em sẽ bị ngăn chặn như thế nào khi còn có những người trong cộng đồng và ngay cả nạn nhân cũng xem đó không phải là việc của mình? 

Đến những lỗ hổng về mặt luật pháp
Theo thạc sĩ Đinh Hà Minh và Nguyễn Thị Tuyết Anh khoa Luật hình sự, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay cùng với những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em, vẫn còn tồn tại những hạn chế trong thực tiễn và pháp luật về phòng ngừa bạo lực, nhất là đối với đối tượng trẻ em. 

Chẳng hạn độ tuổi là trẻ em ở Việt Nam chưa tương thích với chuẩn mực quốc tế nói chung và pháp luật trong nước nói riêng. Công ước liên quan đến trẻ em mà Việt Nam phê chuẩn đều ghi nhận trẻ em là người dưới 18 tuổi. Trong khi đó, Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 đến hiện nay vẫn quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Như vậy, việc áp dụng Điều này đã khiến pháp luật Việt Nam từ chối bảo vệ, chăm sóc một bộ phận đối tượng là người từ 16 đến dưới 18 tuổi bao gồm cả công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam - mà theo như pháp luật quốc tế, đối tượng người nước ngoài này cần được bảo vệ, hướng dẫn và đối xử là trẻ em.

Cũng theo các chuyên gia, chúng ta còn thiếu sót trong việc xác định, phân nhóm trẻ em cần được bảo vệ. Hiện nay, pháp luật Việt Nam phân nhóm trẻ em theo hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào khiếm khuyết của bản thân trên khía cạnh nào đó như thể chất, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình… để liệt kê trẻ em theo hoàn cảnh đặc biệt thì đây lại chính là “lỗ hổng” lớn dẫn đến việc thiếu sót nhiều trường hợp trẻ em “có hoàn cảnh đặc biệt” và có nguy cơ bị bạo hành cao trên thực tế mà lại chưa được bảo vệ, như trẻ em nghèo hoặc lang thang không có nơi ở ổn định và không có phương tiện sinh sống rõ ràng; trẻ em có cha, mẹ, người bảo hộ không phù hợp, không có khả năng chăm sóc, sao nhãng... 

Theo thạc sĩ Đinh Hà Minh, chúng ta cần phân chia lại, bổ sung hoặc có thể xây dựng phân chia mới nhóm trẻ em được bảo vệ theo hai hướng. Một là, nhóm trẻ em được bảo vệ theo mức độ cần được bảo vệ tương xứng; hai là, nhóm trẻ em được bảo vệ khỏi hoàn cảnh gây hại cho trẻ thành các nhóm như: Nhóm có nguy cơ cần được chăm sóc bảo vệ, nhóm trẻ được được bảo vệ và phục hồi, nhóm trẻ vượt quá tầm khống chế, nhóm trẻ bị buôn bán - bắt cóc… Thực hiện được quy định này, sẽ mở rộng và “vươn sâu” phạm vi bảo vệ trẻ em, đặc biệt khỏi những nguồn “nguy hại gần gũi” kịp thời. 

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, rất cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật cho phụ nữ và trẻ em và cộng đồng trong đó một trong các giải pháp là tăng cường tổ chức các phiên tòa giả định. Bà đã thực hiện được khoảng 70 phiên tòa giả định về bạo lực học đường, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, phòng chống ma túy… và thấy hiệu quả từ mô hình này khá tốt. Bà Nữ cũng đề cao vai trò của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng, trong đó có Hội LHPN các cấp trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ phụ nữ, trẻ em tránh bị xâm hại. Điển hình như Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã thí điểm xây dựng Trung tâm một cửa, một điểm dừng dành cho các đối tượng là tất cả các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới. Đây được coi như một hình thức cải cách hành chính trong việc cung cấp sự hỗ trợ ban đầu kịp thời cho phụ nữ và trẻ em bị hại…

Kỳ cuối: Các cấp Hội LHPN Hà Nội phòng, chống bạo lực, xâm hại

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.