“Cởi trói” cho con dâu siêu thị

THU HOÀN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Lâu nay, đa số mẹ chồng có quan niệm làm vợ, làm dâu thì phải biết nội trợ, vào bếp nấu ăn hàng ngày cho gia đình. Do đó, họ có sẵn định kiến với những con dâu mua đồ chế biến sẵn trong siêu thị thay vì trực tiếp vào bếp nấu nướng. Tuy nhiên, thời hiện đại, nhiều mẹ chồng đã chấp nhận "cởi trói" cho con dâu siêu thị.

Điểm 10 nội trợ cho dâu siêu thị: Tại sao không? 

Hơn hai năm nay, đại gia đình chúng tôi mới có cuộc hội ngộ đông đủ trong dịp giỗ bố. Chuyện cỗ bàn được bàn tính cẩn thận trong nhóm zalo của đại gia đình. Mấy năm nay, anh chị em tôi ai cũng lên chức bố chồng, mẹ chồng, nhà nào cũng có 1 hoặc 2 con dâu. Do đó, cỗ bàn năm nay, chúng tôi "nhường sân" cho các con dâu đảm nhiệm. Bác dâu trưởng giữ thói quen cũ, quán triệt các món ăn phải "nóng sốt", đặc biệt "kỵ" các món ăn chế biến sẵn. Mấy cô con dâu đồng thanh lên tiếng sẽ phát huy tiêu chí "nóng sốt, ngon miệng", còn chuyện mua đồ ăn sẵn hay tự làm thì xin được các mẹ, các dì... "cởi trói" cho họ. 

Bố mẹ chồng tôi sinh được 3 người con, các cụ khuất núi cũng hơn 15 năm. Vào các ngày giỗ, con gái, con dâu đều trực tiếp đi chợ vào bếp làm cỗ. Bởi từ thời ông bà, bố mẹ tôi quán triệt chỉ dùng đồ tự nấu nướng, đồ ăn chế biến sẵn mua ngoài chợ không dùng. Vì mọi người vẫn cho rằng đồ ăn sẵn không bao giờ ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như mua về chế biến. Do đó, không chỉ các bữa giỗ, liên hoan trong gia đình, mà các bữa cơm hàng ngày, chúng tôi đều trực tiếp nấu, không mua đồ ăn sẵn.

4 nàng dâu của 3 gia đình được giao nhiệm vụ chuẩn bị 7 mâm cỗ. Chẳng hiểu bàn tính thế nào mà cuối cùng con dâu của bác trưởng lại tách ra nhận nhiệm vụ làm mâm cỗ cúng trên ban thờ, còn 6 mâm cỗ con cháu ăn thì 3 nàng dâu còn lại nhận chuẩn bị. Tôi tò mò hỏi thì mới biết, con dâu bác trưởng vẫn theo truyền thống tự vào bếp nấu nướng, không dùng đồ ăn sẵn, còn 3 nàng dâu kia thì thiết kế thực đơn từ các món ăn mua trong... siêu thị.  

Bữa cỗ giỗ bố tôi được các cô con dâu bày lên trông ngon mắt, ngon miệng và đặc biệt nóng sốt. Thoạt nhìn, không ai nghĩ những những món ăn trong các mâm cỗ đó phần lớn là đồ chế biến sẵn trong siêu thị. Hôm đó, mọi người dùng bữa, từ người lớn đến trẻ con đều chấm điểm 10 cho các mâm cỗ. Điều đó khiến chúng tôi thay đổi những định kiến xấu về con dâu siêu thị bấy lâu, đặc biệt là với bác dâu trưởng. Người vui mừng hơn tất cả là con dâu của bác, cô bảo từ nay nhiệm vụ vào bếp nấu nướng đã có thể nhẹ nhàng bớt phần nào khi mẹ chồng chấp nhận dùng đồ ăn mua từ siêu thị về... hâm nóng, hoặc sơ chế lại. 

“Cởi trói” cho con dâu siêu thị - ảnh 1
Ngày nay, gánh nặng nội trợ của phụ nữ được giảm tải nhờ dịch vụ chế biến đồ ăn từ các siêu thị
 

Không khí bữa ăn quan trọng hơn món ăn ngon

Nói đến chuyện chấp nhận con dâu siêu thị phải kể đến chị gái tôi - người mà mấy con dâu trong đại gia đình ví là "người tiên phong" thay đổi định kiến về đồ ăn chế biến sẵn. Chị gái tôi sinh 2 con trai nên có 2 con dâu. Lâu nay, chị tôi vẫn mang tư tưởng truyền thống về chuyện bếp núc của phụ nữ. Do đó, ngày cưới vợ cho con trai, chị tôi rất lưu ý vấn đề này, thế nhưng không được như kỳ vọng.

Cả 2 con dâu của chị tôi đều bận rộn, áp lực công việc cao nên chuyện trực tiếp vào bếp mỗi ngày rất khó. Điều mà họ cố gắng lắm là duy trì bữa cơm gia đình tối thiểu một bữa trong ngày, và vào các ngày sum họp cuối tuần. Chị tôi bảo ban đầu nhìn cảnh con dâu đi làm về đều mua đồ ăn sẵn trong siêu thị, rồi vào bếp sơ chế lại để ăn mà thấy... nản. Thế nhưng, thấy vợ chồng con trai và các cháu ăn uống rất vui vẻ, chị tôi nhận ra không khí món ăn mới là quan trọng trong việc quyết định sự ngon miệng của mọi người. 

Trước đây, vợ chồng chị gái tôi yêu cầu con dâu vào bếp nấu nướng, không mua đồ ăn sẵn. Thế nhưng việc chế biến một bữa ăn từ đầu đến cuối cho 4, 5 người ăn luôn kéo dài, vào bữa thì con dâu mệt mỏi không còn muốn ăn. Có bữa, con dâu mất công nấu nướng mà con nhỏ không chịu ăn, bỏ lại nhiều nên bực bội quát nạt con loạn nhà. Cô cũng cáu gắt chồng mỗi khi anh chê món canh hơi mặn, món thịt quá nhạt... Không khí bữa ăn cứ chùng xuống, ai cũng lặng lẽ ăn cho xong bữa.

Một lần chị tôi có việc vắng nhà rồi về sớm hơn dự định, đúng vào lúc vợ chồng con trai đang vào bữa cơm tối. Nhìn vào mâm cơm toàn món ăn sẵn trong siêu thị được con dâu rán, hấp lại chị đã không hài lòng. Tuy nhiên, lặng lẽ quan sát cả bữa ăn, chị thấy con cháu ăn ngon miệng, không khí đầm ấm vui vẻ. Từ đó, chị bắt đầu thay đổi quan điểm để con dâu mua đồ ăn sẵn trong siêu thị về chế biến lại. Hóa ra, nếu khéo léo lựa chọn, các món ăn đó cũng hấp dẫn không kém các món tự nấu tại nhà, nhưng lại tiết kiệm rất nhiều thời gian cho người nấu. 

Sau đó, chị chăm chỉ đi siêu thị quan sát các món ăn bày bán ở đó, và nhận ra có loại nấu chín sẵn, có loại nhân viên sơ chế nguyên liệu mua về nấu rất nhanh, lại đúng công thức nên món ăn ngon, phù hợp khẩu vị. Về sau, chị không còn định kiến về con dâu siêu thị, thậm chí còn ủng hộ. Sau này tôi có con dâu, chị còn khuyên tôi nên "cởi trói" cho con dâu trong việc nấu nướng hàng ngày. Chuyện mẹ chồng, nàng dâu cũng bớt phức tạp vì tránh được những mâu thuẫn không đáng có. 

Thời hiện đại, khi mọi thứ trong cuộc sống đều hướng đến tiêu chí tiện ích, nhanh gọn, tiện lợi, chất lượng để phù hợp với nếp sống công nghiệp, tiết kiệm thời gian, giảm bớt áp lực cho mọi người. Đời sống gia đình cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Theo đó, việc "cởi trói" cho các con dâu siêu thị cũng là điều mà các mẹ chồng nên làm. Miễn sao, con dâu vẫn hoàn thành được vai trò, trách nhiệm làm mẹ, làm dâu trong gia đình, còn việc dùng phương pháp nào để chu toàn điều đó, hãy để họ tự do lựa chọn, thay vì áp đặt phải theo tiêu chí riêng của mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.